Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Hỏi thật, cháu có quá thành kiến với quốc doanh không? – ông Lê Hải muốn đi tới cùng.

– Ông trẻ vẫn chưa tin cháu ạ? Cháu không tin là cháu nghĩ sai đâu!.. Thằng Vĩnh bạn cháu cháu kể cho cháu nghe xí nghiệp gạch ốp lát ceramic Lâm Thạch nhà nước đầu tư hết 25 tỷ đồng, công suất năm đạt 1 triệu mét vuông, trong khi đó xí nghiệp số 2 của nó công suất 6 triệu mét vuông/năm, đầu tư hết 75 tỷ đồng, quy mô sản xuất hiệu quả hơn, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn, giá thành sản phẩm chỉ bằng hai phần ba của Lâm Thạch. Cháu không hiểu ông trẻ còn bênh quốc doanh ở cái nỗi gì ạ.

– Theo cậu là tư nhân hoá hết?

– Chúng cháu không nghĩ như vậy. Câu chuyện đầu tiên là phải thật bình đẳng với nhau cái đã, anh nhà nước cũng như anh tư nhân – chúng cháu dùng từ mới là dân doanh ạ, nghe cho nó bớt mùi tư bản. Câu chuyện tiếp theo là tạo ra phân công theo sự sàng lọc của thị trường. Nhà nước vì lợi ích chung của cả nước hỗ trợ tốt việc sàng lọc này. Dân doanh bạt mạng thì là cá lớn nuốt cá bé, là vô tổ chức, hỗn loạn và huỷ hoại môi trường, như thế sẽ hủy hoại tất cả.

– Nghĩa là anh vẫn cần nhà nước hả? – Ông Lê Hải túm ngay lấy điểm này.

– Khổ quá ông trẻ, có bao giờ cháu bác bỏ nhà nước đâu ạ! Cháu cho rằng phải có một cái gì đó cầm chịch… Một cách gì đó cân bằng, hài hoà tất cả… Theo một cách nhìn khác, một sự phân công thật rành rọt, nhà nước làm gì là tối ưu… Còn đã là doanh nghiệp thì cạnh tranh công khai, bình đẳng, không giẫm đạp lên nhau, có vậy mới có cơ trận trước mở đường cho trận sau lớn hơn ông trẻ ạ… Nhất là không bao giờ nên đưa vốn cấp từ ngân sách nhà nước vào sản xuất kinh doanh! Tối kỵ cái điểm này!.. Vốn sản xuất kinh doanh là chuyện của doanh nghiệp, phải tự huy động và tự chịu lỗ lãi, quốc doanh hay dân doanh phải làm như vậy tuốt. Nếu không thì là trận trước lấp đường đi tới trận sau thôi ạ. Cháu cam đoan với ông bà trẻ như thế! Đi khắp cả nước, cháu càng thấm thía điều này.

– Thế đảng viên Lê Văn Tịch để định hướng xã hội chủ nghĩa của cháu ở chỗ nào? – Ông Hải vặn lại.

– Cháu nghĩ mãi chuyện này rồi ông trẻ ạ. Cái gì vì phúc lợi chung hay là vì không ai làm nổi thì nhà nước phải làm, nhưng cũng phải trên cơ sở kinh doanh có hạch toán. Còn lại tất cả là cạnh tranh bình đẳng và vận dụng cho tốt chính sách thuế. Như thế là nhẹ gánh nhất cho nhà nước ông trẻ ạ! Theo cháu thế là công bằng, thế là văn minh! Nhà nước cứ làm cho như thế là dân được nhờ nhiều lắm rồi! Lời một đồng cũng phải chịu thuế!

– Tịch ơi, cháu đang nói chuyện với một ông già ngớ ngẩn, có phải không? – Ông Hải hỏi.

Tịch chỉ cười, cái cười xuề xoà, hiền hậu và rất nông dân.

– Cháu thật chịu khó đi đây đi đó. – Bà Hậu khen Tịch.

– Cháu cũng thừa nhận cháu đi nhiều thật bà trẻ ạ. Nhiều khi cháu có cảm giác hai vợ chồng chúng cháu sống với nhau qua điện thoại di động là chính. Đấy là cái khổ của hai chúng cháu. Cái tư tưởng thích làm nhiều nghề vốn từ xưa là hợp với tính cháu, nhưng quả thực cháu học được nhiều điều trong những ngày cháu đi mua bán và lặn lội khảo sát ở Bắc Ninh. Cái đợt ấy lãnh đạo Thái Bình giao cho cháu đi mua máy biến thế về cho các khu công nghiệp của tỉnh, cháu làm quen và giao dịch với hãng HANOKAN ở Từ Sơn. Lúc đầu cháu cứ ngỡ là một hãng liên doanh với Nhật, vì chất lượng máy biến thế của nó nổi tiếng trong cả nước, cái tên gọi của nó nghe cũng có vẻ là tên Nhật. Đến tận nơi, té ra là một hãng tư nhân Việt Nam một trăm phần trăm ông bà trẻ ạ, cháu phục lăn. Ông chủ hãng này nguyên là đại uý trong quân đội ta, sau giải ngũ khởi sự từ việc buôn bán phế liệu ngành dệt, nói nôm na là một anh buôn đồ đồng nát, ông bà thấy thế có giỏi không?! Nhiều xí nghiệp thuộc tổng công ty điện lực của nhà nước đã mua thiết bị của hãng này nên cháu yên tâm, biến áp đủ các loại từ 25 đến 6300 KVA. Cái mạnh của hãng này là thu hút được nhân tài từ các xí nghiệp có tên tuổi trong khắp cả nước. Ông bà trẻ chắc khó hình dung được là hãng kều được cả một số chuyên gia người Việt rất giỏi đang làm cho các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài!

– Chắc là trả lương cao hơn?

– Nhất định là thế rồi, bà trẻ ạ, nhưng còn ăn nhau ở cách đối xử, cách trọng dụng nữa. Nói chuyện với cháu, những chuyên gia này tự đánh giá là họ tìm được đất dụng võ, điều này quan trọng lắm ông bà trẻ ạ.

– Tìm được đất dụng võ? Họ tự kết luận như thế?

– Vâng ạ, đấy là điều quyết định nhất ông trẻ ạ. Cháu gạ mời HANOKAN về đầu tư vào các khu công nghiệp ở Thái Bình, cả ông chủ và đám chuyên gia chỉ hứa là sẽ xem xét. Cháu hiểu ngay là họ chưa mặn mà. Nhưng họ lại khuyên cháu đến làng nghề giấy Phong Khê ở huyện Yên Phong, may ra… Cháu lao ngay về đấy. Cái làng nghề này làm cháu ngỡ ngàng ông bà trẻ ạ. Từ một cái làng làm giấy dó, giấy bồi để làm pháo và đồ hàng mã, bây giờ một mình nó làm ra một khối lượng giấy các loại tương đương với sản lượng của cả nhà máy giấy Bãi Bằng! Lại cũng một làng nghề truyền thống ông bà trẻ ạ, họ hình thành cả một cộng đồng kinh doanh, từ tự huy động và cho nhau vay vốn, đến thu mua giấy vụn khắp cả nước và cung tiêu sản phẩm trong khắp nước, nghe cứ như là chuyện thần thoại… Xã này có một doanh nghiệp tư nhân, sản xuất theo công nghệ hiện đại, tên là xí nghiệp giấy Đông Hải, mỗi năm sản xuất mười lăm nghìn tấn giấy các loại, nghĩa là bằng khối lượng của nhà máy giấy quốc doanh Vạn Đại. Qua tìm hiểu, cháu biết đầu tư cho doanh nghiệp này hết 60 tỷ đồng, trong khi đó vốn đầu tư cho nhà máy Vạn Đại là 138 tỷ đồng, đất đai chỉ bằng khoảng già nửa của Vạn Đại. Đông Hải phải nhập 100% bột giấy mà vẫn có lãi, thế mới tài chứ ạ!

– Ta không làm được bột giấy à?

– Đấy là niềm tự hào của Đông Hải, ông trẻ ạ. Họ nói họ sản xuất giấy nhờ vào rừng của các nước bạn, không cần phải khai thác rừng của nước ta. Bột giấy nhập lại rẻ hơn trong nước mới chết chứ!

– Thế rừng của ta trồng cho nguyên liệu giấy dùng để làm gì?

– Họ tính dùng để làm đồ gỗ xuất khẩu lợi nhuận cao hơn nhiều, ông trẻ ạ, trừ phần đầu thừa đuôi thẹo mới đưa vào làm bột giấy! Công nghệ làm đồ gỗ bây giờ hay lắm, cháu cũng thấy mê. Cháu hỏi tới hỏi lui rồi làm mấy con tính, thì ra chi phí về lương và hành chính ở xí nghiệp Đông Hải là hai phần trăm (2%) giá thành, ở nhà máy giấy quốc doanh Vạn Đại là tám phần trăm (8%)! Ông bà trẻ có tưởng tượng nổi không ạ?

– Họ trả lương thấp cho công nhân hay sao?

– Dạ không, trả thấp họ mất công nhân có tay nghề cao ngay tức khắc. Họ không có công nhân hay biên chế thừa. Lương tối thiểu ở đây của công nhân là tám trăm nghìn đồng tháng, lương của công nhân kỹ thuật từ một triệu hai trở lên đến ba triệu. Gọi là công nhân kỹ thuật nhưng có một số tốt nghiệp đại học hẳn hoi ông bà trẻ ạ. Bảo hiểm y tế mua đầy đủ, trừ số mới vào làm và đang học nghề. Họ luôn luôn bị chiếu tướng nên thận trọng lắm ông bà trẻ ạ. Hơn nữa cơ ngơi của các đại gia này khá lớn, làm sai luật có thể mất nghiệp như chơi! Cháu cũng gạ ông chủ Đông Hải về đầu tư vào khu công nghiệp Thái Bình, với mọi ưu đãi có thể, miễn luôn tiền thuê đất trong năm năm đầu tiên, thế mà ông ta vẫn “sài lắc” có chết không chứ!

– Vì sao thế? – ông Lê Hải ngạc nhiên.

– Ông ta giải thích: Chịu khó chờ đến khi nào ông ta giàu hơn tý nữa đã, còn hiện nay nếu tách khỏi cộng đồng Phong Khê ông ta đổ ngay.

– Tưởng là làm ăn giỏi thì ở đâu cũng trụ được chứ, lại không mất tiền thuê đất nữa? – Bà Hậu hỏi.

– Không đơn giản thế đâu bà trẻ ạ. Em trai ông ta vào tận Gia Lai làm giàu, sản phẩm là đồ gỗ xuất khẩu từ cây cao su hết tuổi khai thác mủ. Thế mà chính ông ta lại không chịu về Thái Bình! Ông ta nói làm giấy như hiện nay thì phải ở Phong Khê thôi. Giả dụ như khi cần tiền thanh toán LC, nếu chưa sẵn ông ta chỉ nhấc điện thoại ới một tiếng trong làng là có thể vay nóng của nhau năm sáu tỷ đồng, không tín chấp thế chấp lằng nhằng gì cả! Gọi một cú điện thoại khác cho nhau là giấy vụn nguyên liệu sẽ đến từ cảng Hải Phòng hoặc từ trong Nam ra, cũng do những hộ buôn ngay trong làng cung cấp, sản phẩm làm ra đến đâu, đêm đêm các hộ buôn trong làng cho xe tải của mình phân phối đi các đại lý ngay đến đấy trong khắp cả nước, không phải nằm chờ chết dí trong kho… Hóa ra cái lý thuyết hiện đại trên thế giới về sản xuất kinh doanh không có kho được cái làng nghề này thực hiện từ lâu rồi ông bà trẻ ạ. Theo tính toán của cháu, có lẽ từ trước khi cái lý thuyết này được viết ra ở bên Tây cơ!..

– Có coi trời bằng vung không đấy Tịch?

– Dạ.., đấy là cuộc sống… Xin ông bà trẻ đừng nghĩ là ta chỉ có rặt những cái lạc hậu! Riêng cái xã này có hơn một trăm xe tải ông bà ạ! Hầu như không có thời giờ xe nhàn rỗi! Ông chủ Đông Hải hỏi cháu về Thái Bình ông ta có thể ới nhau một tiếng như thế được không? Đến lượt cháu lắc đầu!

– Dân mình giỏi quá! – ông Hải thốt lên.

– Về Bắc Ninh cháu thấy có nhiều điểm các bài học cháu học được ở AIT còn lâu mới với tới được ông bà trẻ ạ. Cuộc sống phong phú hơn bội phần!

Tác giả: