Dòng Đời – Nguyễn Trung

Ngồi ở góc thuận cách ông trưởng Ban có vài người, Nghĩa thấy rõ tất cả. Hình như các câu nói của Nghĩa làm ông dúm dó. Nghĩa thấy ông cầm bút lên, định ghi cái gì đó, rồi lại bỏ bút xuống, rồi lại cầm bút lên, nhưng tay không động đậy, người cũng không động đậy. Tiến ngồi ngay cạnh Nghĩa, nhưng mặt lại gần như vô cảm, hay là quá kín đáo…

– Anh Nghĩa này, những vấn đề anh nêu ra đúng quá. Nhưng sao lại dại dột đi làm cái việc cầm đèn chạy trước ô-tô thế? Muốn ăn bánh ô tô hả? – người ngồi cạnh Nghĩa bên trái thì thào vào tai anh.

– Không ạ.

– Sao anh dại thế? Đang đánh nhau với Trung Quốc nói năng như vậy mà không sợ bị phăng teo à?

– Xin chân thành cảm ơn anh, tôi nghĩ thế mà không nói ra thì tội cũng chẳng kém! – Nghĩa đáp thầm trở lại, tay nắm chặt lấy tay người vừa nói, tỏ lời cảm ơn.

Sự im lặng của hội nghị như kéo dài mãi. Trưởng Ban bất đắc dĩ phải đứng dậy:

– Xin cảm ơn anh Nghĩa. Tôi… đề nghị kết thúc hội.., ấy chết, xin lỗi, tôi xin mời các đồng chí sang phòng bên giải khát.

– Ôi chủ toạ thật sáng suốt!

Ông trưởng Ban đi lại phía Nghĩa:

– Anh Nghĩa phải thông cảm cho tôi, những vấn đề anh nêu ra rất hóc búa, không biết có vượt phạm vi cho phép hội nghị này bàn không.

– Xin anh đừng lo, anh Nghĩa xưa nay nổi tiếng là con người trực tính. – ông Tiến đứng cạnh, tìm lời an ủi ông trưởng Ban.

– Trời, lại còn đòi sửa cả Hiến pháp nữa! Thực bụng tôi run quá anh Nghĩa ạ… – ông lại bắt đầu ho ho khịt khịt, phải vội vã moi bình thuốc từ túi áo ngực ra, xịt xịt vào mũi, vào vòm họng.

– Thưa anh, khi nói ra chính tôi cũng run. Anh nói thế là thực lòng, tôi rất kính phục. – Nghĩa đáp lại.

Khi ra về, Tiến đích thân tiễn Nghĩa ra đến tận cổng cơ quan, nhìn theo Nghĩa lạch bạch trên cái babetta đi khuất hẳn, Tiến mới quay lại, trong bụng nửa khen thầm Nghĩa, nửa tự đắc… Khá lắm, vẫn giữ được chứng nào tật nấy… Hôm nay ta lại có thêm nhiều chất liệu mới cho những bài viết sắp tới… Chỉ cần chọn đúng thời điểm…

Ngay buổi chiều hôm đó Nghĩa báo cáo với đại tá giám đốc Học viện về hội nghị. Giám đốc đáp lại:

– Chính tôi cũng không ngờ anh có thể nêu lên những vấn đề như thế. Họ biết cả đấy, họ hiểu hết đấy. Nhưng trên chưa nói ra thì họ chẳng dại gì nói trước. – thủ trưởng của Nghĩa bình luận.

– Họ không chịu dại, có nghĩa là để cho đất nước chịu dại? – Nghĩa hỏi lại.

– Câu hỏi của anh hay đấy. Lô-gích của nó đã hàm chứa câu trả lời.

– Thế cũng có nghĩa là họ khôn, tôi dại?

– Đấy là câu trả lời anh tự tìm lấy cho mình đấy nhé. Chúng ta nói chuyện khác đi.

– Anh trẻ hơn tôi năm tuổi mà khôn như chấy! – Nghĩa buột miệng.

– ???

Trở về phòng làm việc của mình, Nghĩa cảm thấy mình đang nhấm nháp quả đắng của việc phục tùng quyết định tiếp tục ở lại Học viện. Ông khoá cửa phòng làm việc, xuống nhà lấy cái babetta đến thẳng nhà Lê Hải, trong lòng tự bào chữa: Đầu óc của mình hôm nay thế này thì còn làm được cái quái gì nữa!

– Cô giáo Hậu mới thuê được cái ông già quét vườn này từ bao giờ thế? – từ lề đường Nghĩa đã nhìn thấy Lê Hải trong vườn phía sau tường rào.

Lê Hải dựng cái chổi vào tường rào, ngó ra:

– Ôi anh Nghĩa. Quân nhân cách mạng gì mà lại lấy giờ của Nhà nước đi thăm bạn? Đã thế lại còn ăn nói châm chích nữa.

– Anh chê chức danh người quét vườn của cô giáo Hậu à?

– Đâu dám, không bị đuổi đi là phúc đức lắm rồi! Thế nào, hôm nay chắc cũng phải có chuyện gì hay ho đây?

Lê Hải ra mở cổng đưa Nghĩa vào.

Dựng xe xong, Nghĩa ngắm nghía hồi lâu cái vườn con con khoảng hơn hai chục thước vuông trước nhà Lê Hải. Gọi là vườn, thực ra ngoài một vạt cỏ xanh mượt chạy dọc theo tường rào, rộng chưa đầy một thước, vườn đúng ra là một cái sân gạch kê bày các cây cảnh, một tảng đá tai mèo lớn – thời gian phong hoá tạo ra cho nó một dáng rất đẹp, một vài viên sỏi lớn hình thù và màu sắc rất bắt mắt và một con chó đá thường thấy ở làng mạc cổ xưa. Cây cối được tỉa tót công phu, cách bài trí của vườn nho nhã… Hương thơm dịu dàng của hoa mộc như không muốn cho Nghĩa đi tiếp.

– Bây giờ chắc anh vừa lòng với cái thế giới tĩnh tâm của mình rồi chứ? – Nghĩa nói khích.

– Nó nhỏ bé lắm về kích thước anh Nghĩa ạ. Nhưng trong thế giới tâm tư của mình nó là vô tận. Nó đủ rộng cho mình gửi gắm mọi suy nghĩ và tình cảm của kẻ về vườn…

– Nên nói là tướng về vườn.

– Anh xem cây đa kia, dáng của nó như đang ngồi tâm sự với mình về nhân tình thế thái. Nó đã nói với mình biết bao nhiêu chuyện về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… Tảng đá này, đứng ở đây, nó tượng trưng cho sức trường tồn vĩnh cửu của tự nhiên, nhưng bước sang góc này, anh sẽ có cảm tưởng đang đối diện với một bậc trượng phu trơ gan cùng tuế nguyệt, nhưng nếu anh nhìn từ phía cổng nhà vào thì có thể đặt tên cho tảng đá này là hòn phụ tử…

– Anh chọn được viên đá khéo quá!

– Trong kỳ đi nghỉ ở Cửa Lò trước khi nhận sổ hưu đấy. Cây xương cá này rất ít lá, nhưng bộ gốc bề thế muôn hình muôn vẻ của nó gợi cho anh cảm giác như đang thấy xa xa trước mặt là mấy hang đá rêu phong, những vách đá dựng đứng, những triền núi vát lên, bão táp mưa sa nó vẫn lừng lững trong tư thế của riêng mình… Kia là hai cây si. Anh có thấy không, những bộ rễ cổ thụ chi chít, có lẽ bên trong nó là cả một kho báu các truyện cổ tích, có thể cả một cái hang Thạch Sanh ở trong ấy nữa cũng nên…

– Anh giàu trí tưởng tượng đấy.

– Không phải tưởng tượng đâu, tâm sự với tự nhiên cho lòng mình thanh thản thôi. Chậu cây quỳnh đang che chở cho cành giao, hay là cành giao đang nâng đỡ, vuốt ve những lá quỳnh, nếu anh đối chiếu hình ảnh này với quan hệ giữa người và người bây giờ!..

– Nó hợp với anh và chị Hậu có phải không?

– Kia là chậu bạch ngọc trâm, hoa trắng muốt. Cái trắng tinh khiết đến mức đôi khi nhìn hoa mà lòng thẹn thùng với những yếu kém của chính mình anh ạ…

– Ôi anh Hải! Như thế là anh hiểu đời và hiểu mình lắm đấy!

– Tôi không làm sao phân biệt được trong những trong khoảnh khắc như thế là mình đang đau khổ hay đang ngộ được, đang ý thức được chính mình!..

– Nhà tôi không có vườn, không có cây cảnh như anh. Nhưng thú thực đã có những lúc tôi nằm một mình, nhìn lên trần nhà để tâm sự với chính mình! Tôi không bao giờ có tâm trạng đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi… Nhưng trong thâm tâm có lúc tôi thú nhận đoạn trường mới biết qua rồi mới hay! Tôi hiểu mình chẳng phải là sắt đá gì…

– Một lần tôi được ngắm nhìn hoa quỳnh nở đẹp quá… chưa bao giờ tôi cảm nhận được cái đẹp như thế anh ạ! Một cái đẹp kiều diễm, mảnh mai. Tôi ngắm mãi, bất giác thốt lên: “…Đời có đẹp đâu hoa nở làm gì!”. Bỗng chóng mặt, loạng choạng. May quá Hậu đứng cạnh tôi từ lúc nào không biết, vội ôm choàng lấy tôi cho tôi khỏi ngã. Sáng hôm sau nhìn những bông hoa quỳnh tàn, càng thêm đau lòng. Trong giây phút ấy tôi hiểu sâu sắc lời chúc của anh Thạch dành cho anh ở Thạch Thất hôm nào. Ôi thà chỉ ngắm hoa trong lòng..

– Vâng, chúng ta phải ngoan cố sống anh ạ…

– Trên cao kia là các giò lan tôi vừa mới kiếm được, mất khá nhiều công phu đấy. – Lê Hải giọng đầy tha thiết.

– Tôi phục anh và càng hiểu hơn những lời “oán thán” của chị Hậu…

Lê Hải chủ tâm không để ý đến nhận xét của Nghĩa. Ông nói tiếp, nhưng điệu bộ giới thiệu say sưa của ông bắt đầu có vẻ gượng gạo:

– Anh hãy thở đi, hãy để ý xem, còn gì quyến rũ hơn hương thơm của hoa mộc, nhưng thật cũng vô cùng tinh khiết! Con chó đá rất cổ, nét đục đẽo thật thô sơ, dở dang nhưng dáng nó khoẻ khắn, đáng yêu lắm, như muôn vàn con chó đá khác anh thường thấy bên các đình chùa cổ. Nó gợi lên trong tôi thời niên thiếu sống ở làng quê mình. Tôi không đặt nó ở dưới vườn, mà lại đặt trên bậc đầu tiên bước lên thềm nhà, bên cạnh chậu hoa sứ… Thỉnh thoảng nhìn nó, nó lại nhìn tôi, quê hương xa xưa bỗng dưng ở quanh đây, như là đang trở về sống nơi bố mẹ sinh thành ra mình… Tôi hình như có thể nói chuyện với tất cả những gì hiển diện trong cái vườn nho nhỏ này…

Nghĩa nghe bạn nói, trong lòng vừa bị cuốn hút vào những tình cảm của bạn, trí tưởng tượng của bạn, vừa nao nao một sự đồng cảm, vừa xốn xao một sự thương cảm.

Hình như người đang nói với Nghĩa không còn là một anh bộ đội Cụ Hồ Lê Hải năm nào xông pha dọc ngang mọi chiến trường. Chết chóc và bom đạn chẳng khi nào làm cho người lính này chùn bước. Người đang nói không còn là một vị tướng Lê Hải dũng cảm và mưu lược, đã từng góp phần làm thất bại những thủ đoạn chiến tranh tàn bạo nhất của kẻ thù. Người đang nói không còn là một Lê Hải sôi nổi, bao giờ cũng đi đến cùng trong mọi lý lẽ của cuộc đời…

Tâm trạng của Lê Hải, chỉ mới mấy năm nghỉ hưu, mà thay đổi nhiều quá! Mặc dầu hầu như không tuần nào Nghĩa và Hải không gặp nhau, thậm chí có khi một tuần gặp nhau mấy lần, vì có những điều chỉ tri kỷ, tri âm mới chia sẻ được.

Hôm nay cũng vậy!…

Nghĩa bắt gặp Lê Hải đúng vào lúc ông trở thành kẻ làm vườn, đang trốn về với con người riêng của chính mình? Một Lê Hải như đang bỏ quên mọi thế sự bên ngoài, đang quét đi những rác rưởi, đang cắt tỉa những ngang ngạnh ở đâu đó rơi lạc vào cái thế giới riêng của tâm hồn mình.

Tác giả: