Dòng Đời – Nguyễn Trung

Má Sáu đã trấn tĩnh ban đầu, vui vẻ:

– Rất cảm ơn ông Ba. – má Sáu quay sang đám trẻ: -Thôi nhé, hôm nay là ngày trao gậy thần cho các con, không phải là ngày tuyên dương công trạng của nội. – má Sáu dừng lời một lúc rồi quay ra đặt tay lên vai hai Phong: – Con ạ, má đã hứa với con, khi nào có dịp má sẽ nói thêm cho con hiểu về lẽ mất còn trên đời này. Con hãy nhớ lại quãng đời của gia đình ta từ hôm má giục con vào bưng biền đi kháng chiến cho đến hôm nay. Nhớ lại đoạn trường này, má chắc con sẽ hiểu tất cả. Rồi có lúc má sẽ nói cho con hiểu tất cả…

– Con hiểu má ạ… Con sẽ ráng làm theo má – hai tay Hai Phong nắm lấy tay mẹ. Ông hiểu mẹ mình nói gì, ông hiểu mẹ mình nhắc nhủ những khó khăn phía trước…

– Con nghĩ được như vậy, má rất vui!

Căn phòng như sáng thêm trong niềm vui của má Sáu.

Cuối năm nay xí nghiệp in quốc doanh Tự Lực của Hai Hân lại được lãnh đạo Thành phố trao thưởng Lá cờ đầu, vì hoàn thành kế hoạch in ấn và làm tốt công tác đời sống. Nghĩa là ba năm liền xí nghiệp được nhận vinh dự này, Hai Hân cũng được tuyên dương công trạng, báo chí tôn lên như một anh hùng.

Khác với hai lần trước, kỳ khen thưởng lần này báo chí làm rầm rộ quá, tự nhiên hình như mọi con mắt của cả Thành phố đều dồn về xí nghiệp.

Vòng nguyệt quế có gai làm Hai Hân buốt đầu lại là bài báo vào bậc thầy của làng báo ca ngợi xí nghiệp Tự Lực nhân dịp này. Bài này được đăng trên mấy tờ báo lớn của Thành phố, tác giả là Đoàn Danh Tiến, vốn từ lâu đã tự xác lập được tên tuổi của mình trên diễn đàn báo chí Sài Gòn. Ông Tiến gần như cùng tham gia vào quá trình khai sinh ra xí nghiệp Tự Lực, hiểu rõ mọi khó khăn và những chi tiết ngóc ngách. Từng lời bình phẩm, từng ý tán dương rất có hồn, vì được khéo léo gắn với việc thật, người thật của xí nghiệp và của hoàn cảnh chung cả Thành phố.

Dù sao phải thừa nhận ông anh là người có tài, nhưng càng tài bốc em lên như thế này thì càng làm khổ thằng em này thôi ông anh ơi! – Hai Hân rên rỉ khi so sánh bài này với mấy bài khác…

Cái lợi là xí nghiệp và Hai Hân rất nổi danh. Nhưng cái bất lợi là những chuyện xé rào hay làm ẩu một chút, ví dụ như chuyện có 2 sổ kế toán – một để báo cáo, còn một để điều hành xí nghiệp, việc cấu chỗ này đắp chỗ kia – nhất là việc vay tạm một số vật tư, vốn.., việc lạm dụng một số cơ chế… để cứu nguy những thua lỗ không tránh khỏi.., rồi đến việc mượn tạm tài khoản… để chạy kế hoạch 3, vân…vân… thì ngày càng khó che mắt mọi người…

Nhưng điều làm cho Hai Hân lo nhiều hơn là càng đi vào hình thành cơ chế một giá theo giá thị trường, xí nghiệp ngày một ít khả năng chạy vật tư theo giá bao cấp để chuyển vào kế hoạch 3, mảnh đất vung vinh cho đồng ra đồng vào để làm công tác đời sống co hẹp dần. Đã thế sự móc ngoặc giữa thủ quỹ, kế toán và thủ kho ngày càng trắng trợn. Đã nhiều lần Hai Hân gọi những người này lên cảnh cáo, song câu chuyện cứ như nước đổ lá khoai. Những năm trước đây khoảng chênh lệch giữa giá bao cấp và giá thị trường thường là một hai chục lần, nên dễ dàng khắc phục một số thất thoát nhất định. Hai giá bây giờ gần sít nhau, khả năng này hầu như không còn nữa, sự thâm hụt của xí nghiệp cứ tự nó lồ lộ ra như những mụn lở đang thi nhau vỡ toác trên khắp thân thể con người. Đã có lúc Hai Hân nghĩ đến việc đưa Thắng vào trợ chiến cho mình trong chuyện hạch toán của toàn xí nghiệp. Nhưng Hai Hân thừa biết phẩm chất của Thắng. Hơn nữa kinh nghiệm bấy nhiêu năm làm giám đốc dạy cho Hai Hân đủ nhạy cảm để hiểu rằng nếu giao cho một người thâu tóm toàn bộ công việc kinh doanh của xí nghiệp và kế hoạch 3 thì trên thế gian này không có một ông thánh nào đủ tài đức chống lại gian lận.

Ông bí thư đảng uỷ, quân nhân phục viên, cậy có quá trình cách mạng lâu năm hơn Hai Hân nên luôn luôn kèn cựa. Ông quên mất chính Hai Hân là người xin ông về xí nghiệp này hồi mới thành lập. Nhân lúc xí nghiệp đang có nhiều chuyện lủng củng liên quan đến uy tín của Hai Hân, ông bí thư nói với Hai Hân ngay giữa lúc ăn trưa tại căng-tin của xí nghiệp, cốt để nhiều người nghe thấy:

– Anh Hai này, chỗ anh em với nhau, tôi khuyên anh lúc này anh nên tranh thủ sự hậu thuẫn của đa số. Hồi này xì xèo về anh nhiều quá.

– Cảm ơn anh Ba, tôi cũng nghe thấy.

– Ngay trong đảng uỷ cũng phàn nàn có nhiều việc anh quyết rồi đảng uỷ mới biết.

– Anh Ba thông cảm cho, tôi quyết toàn việc sản xuất kinh doanh của xí nghiệp. Không quyết ngay như vậy thì xí nghiệp ta nếu không trâu chậm uống nước đục thì lại mất cả chì lẫn chài! Tôi có quyết việc gì liên quan đến công tác Đảng đâu.

– Đúng là thế, nhưng đảng uỷ không biết thì làm sao lãnh đạo các chi bộ và công đoàn thực hiện? Có sự tham gia của đảng ủy thì quyết định của anh càng chắc chắn hơn, có hại gì đâu. – giọng ông bí thư Đảng ủy ân cần như chia sẻ những khó khăn của Hai Hân.

– Anh Ba ơi, bàn tới bàn lui trong đảng uỷ chuyện kinh doanh của xí nghiệp, nếu không hoàn thành kế hoạch thì báo cáo với trên ra sao? Rồi lấy gì trả lương, lấy gì làm công tác đời sống?

– Đành là thế, cứ đưa ra bàn anh sẽ tranh thủ được sự hậu thuẫn của đảng uỷ, nếu thống nhất được trong đảng uỷ thì quyết định của giám đốc càng mạnh, anh mất gì? Tôi nghe nói sắp tới có chủ trương nâng vai trò đảng uỷ trong xí nghiệp thành ban cán sự Đảng đấy, chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn diện đối với xí nghiệp, chứ không phải như thế này đâu.

– Ấy chết, đừng làm thế. Anh thưa hộ với trên là hoàn toàn không nên! Thằng đái thằng cầm… cò thế này thì làm sao điều hành mọi việc cho tốt được?

– Ăn nói linh tinh! Tính đảng của anh cực kỳ có vấn đề!..

Từ hôm ấy bí thư đảng uỷ lại có thêm chuyện dèm pha để hạ uy thế Hai Hân.

Gần đây Hai Hân lại có thêm nỗi lo mới: sau một quý thường xuyên tự mình ngấm ngầm kiểm tra các căng tin và những hoạt động khác của kế hoạch 3, Hai Hân thực sự hoảng sợ thấy doanh số của kế hoạch 3 ghi trong sổ sách hơn hẳn doanh số hoạt động chính của xí nghiệp. Trong thâm tâm Hai Hân thú nhận những việc của kế hoạch 3 để ngoài sổ sách thì chỉ có chúa trời may ra mới biết được – nghĩa là chính mình cũng không kiểm soát nổi! Không thể tin tưởng vào Thắng được. Xí nghiệp nợ ngày càng nhiều, nhưng kế hoạch 3 vẫn có tiền chia đều đều cho mọi người…

Đã thế, ngày qua ngày lại, công đoàn hình thành một quỹ riêng khá lớn, gọi là quỹ đời sống, được trích lại theo tỷ lệ phần trăm từ khoản phụ cấp đồng loạt do thu nhập của kế hoạch 3 mang lại. Phó bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch công đoàn biện bạch: Phải có quỹ này để phòng xa cho đoàn viên trong tình huống kế hoạch 3 gặp khó khăn…

Hai Hân lúc đầu chỉ đơn giản nghĩ rằng để tranh thủ công đoàn, mình có thể nhân nhượng cho phép lập quỹ này.

Không ngờ quỹ ngày càng mở rộng các loại hình kinh doanh khó biết hết được. Trong những lớp học, lớp huấn luyện qua các năm tháng người ta mới chỉ dạy cho Hai Hân biết chủ nghĩa tư bản là con bạch tuộc có nhiều vòi hút máu giai cấp vô sản trong bản quốc và tại các thuộc địa. Các bài giảng của ông Đoàn Danh Tiến cũng không qua được cái ngưỡng này. Hai Hân thực sự lúng túng không biết gọi kinh tế công đoàn đang hoành hành trong xí nghiệp quốc doanh Tự Lực của mình là con gì. Con quái vật này vừa có chân rết ở các phân xưởng, vừa có các cái vòi hút được đủ mọi thứ – từ các con số trên sổ sách ở phòng kế toán, đến các thứ như mực in, giấy, xi măng, thép xây dựng ở trong kho hoặc vôi, cát trong các phân xưởng, hút được cả giờ lao động, hút được cả linh hồn và thể xác con người… Chất độc của nó đang từng bước làm tê liệt tất cả những gì nó có thể với tới hoặc có liên quan đến nó – từ nội quy xí nghiệp, họp công đoàn, sinh hoạt chi bộ, hoạt động của thanh niên, chỉ thị của trên về..! Cuộc sống kinh tế ngoài đời càng lao đao, con quái vật này càng hấp dẫn, càng được tôn thờ, càng tác oai tác quái.

– Đây là xí nghiệp của nhà nước hay là xí nghiệp của công đoàn? Không ai xuyên tạc vai trò của công đoàn một cách tệ hại như các đồng chí! – Hai Hân thẳng thắn nêu vấn đề trong một cuộc họp đảng uỷ xí nghiệp.

– Đồng chí giám đốc nói như vậy là không quán triệt tinh thần bung ra của trên!

– Phải tự xem lại tư cách đảng viên của mình đi! Giám đốc mà ăn nói về công đoàn như thế à!

– Không xem xét gì cả, công đoàn muốn làm kinh tế thì phải tách khỏi xí nghiệp của nhà nước. Hay là các đồng chí muốn làm công đoàn Đoàn kết(*) [(*) Công đoàn Đoàn kết – phong trào công đoàn do Valesa lãnh đạo, vào những năm cuối thập kỷ 1980 Công đoàn Đoàn kết đã lật đổ nhà nước xã hội chủ nghĩa Ba Lan, nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên bị sụp đổ trong thời kỳ chiến tranh lạnh. ]? – Hai Hân vẫn khăng khăng bác bỏ.

– Tôi yêu cầu đồng chí giám đốc rút lại câu nói của mình! – bí thư đảng uỷ đứng hẳn dậy, giọng rất gay gắt, mặt đỏ tía.

Mỗi lần nhớ đến những cuộc tranh cãi nảy lửa, Hai Hân lại rít lên trong đầu, tự oán trách mình về thoả hiệp chết người cho lập quỹ này.

Trong khi đó những quầy bia hơi của căng-tin bành trướng ra khắp các phân xưởng. Quanh các vại bia lời đồn đại râm ran: Giám đốc Hân bị đảng ủy nốc- ao rồi, vì tính đảng kém!..

Tác giả: