Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Tính bốc phét nó ăn vào máu anh rồi!

– Nói thế nào cho bố hiểu nhỉ? Chỉ riêng các phụ gia chuẩn bị cho chiên món bồ dục này, kể ra từng thứ như ngẩu pín, ngọc kê, sâm tươi, hạnh nhân… vị chi cả thảy là 36 thứ rồi, không kể đến hành tỏi thơm mùi mắm muối tiêu cay..! Bố có hình dung nổi không? Ăn vào là nhớ đời, chiến đấu cực khoẻ hai ba ngày liền đấy bố ạ! Nghĩ đến nó trong đầu là con đã thấy hăng lên rồi!.. – Hai bàn tay hộ pháp của cột nhà cháy nắm lấy hai vai ông Tiến, bóp bóp, rồi bất thần ghì chặt lấy ông Tiến, thân anh ta dùi vào bụng ông đau đến nghẹt thở..

Lực điền Đoàn Danh Tiến quậy mãi mới gỡ ra được:

– Đồ khỉ! Trong đầu anh không có cái gì hơn, đúng không?

– Bố chán chuyện đi săn rồi hả? Ai bảo đi săn là buồn tẻ? Đi săn nhiều chuyện hay lắm chứ!..

– Đồ mắc dịch! – Ông Tiến vừa cáu vừa quẫn.

– Chuyện con kể ra mới chỉ bằng cái móng tay của mọi chuyện thôi, thế mà bố đã vãi hết cả hồn vía rồi!

– Cắt lưỡi anh đi cho chừa cái thói khoác lác!

– Con cam đoan chỉ cần kể thêm một chuyện ngâm rượu lục phủ ngũ tạng để bổ dương, nghe xong bố sẽ chết đứng ngay tại chỗ cho mà xem.

– Ông Tiến không biết nên nói gì.

– Xem ra trình độ văn hóa của bố cũng thấp…

– Anh nói láo câu nữa tôi sẽ vả vào mồm đấy!

– Chỗ bố con mình con nói thật lòng mà… Con đánh giá bố như thế đấy…

– Hỗn!

– Thế xin hỏi bố có biết truyện Tướng về hưu không?

– Ông Tiến biết chắc chắn mình đã đọc truyện này của Nguyễn Huy Thiệp, đọc lâu ngày quá rồi, chỉ còn nhớ lơ mơ… Không rõ nó hỏi mình để làm gì… Thà câm còn hơn.., trả lời không khéo lại mắc lỡm nó mất!.. Ông Tiến đứng im và phân vân quá…

– Bố nghe chừng hơi bí… Có thể truyện này đã quá cũ… Thế bố có biết truyện Chị cả Bống(*) [(*) Truyện ngắn của Phạm Lưu Vũ.] không?

– Đù mẹ!.. Suýt nữa ông Tiến buột mồm chửi ra… Ông nghĩ bụng: trong Tấm – Cám có chuyện nuôi con cá bống, thế nhưng làm gì có chị cả bống?.. Ông Tiến cắn răng suy nghĩ…

Cột nhà cháy chờ một lúc, hết kiên nhẫn:

– Có vẻ bố cũng i-tờ-mít nốt!.. Thế thì không thể nói chuyện ngâm rượu với bố được rồi!.. Theo tiêu chuẩn văn hóa hiện đại con xếp bố vào loại mù chữ đấy!

– Anh có câm đi cho tôi nhờ không?.. – Ông Tiến bực lắm rồi, nhưng nhìn cột nhà cháy to lừng lững ông cũng thấy ngài ngại…

– Ngồi ở cái xó rừng này, hàng ngày ít nhất con cũng phải cố đọc lấy một hai truyện đăng trên báo, báo gì cũng được… Không có báo mới thì lôi báo cũ ra đọc… Bận chết người hoặc không có việc gì làm cũng thế, nếu không thì thành người rừng mất!.. Bố sống giữa thành thị, trong viện nọ viện kia, mà hàng ngày không đọc được lấy một bài báo thì chẳng mù chữ thì là cái gì!..

– Thôi, câm đi!.. – Ông Tiến hét lên, chân giậm bành bạch…

– Hề hề hề… Xem ra thần kinh bố yếu lắm! Thôi! Xi-tốp ở đây thôi, nhỡ bố kềnh ra thì lôi thôi to cho con!

– Ông Tiến im lặng nhìn chằm chằm vào cột nhà cháy rồi cụp mắt xuống, đầu hàng.

– Thôi nhé, để con bảo xe đưa bố về lán. Các em trên lán hay lắm đấy. Bố khôn lắm…

– Nỡm. Không cần. Tôi muốn đi bộ.

Ông Tiến cố trả lời thật điềm tĩnh, nhưng trong đầu ông đủ các thứ ý nghĩ đánh nhau loạn xạ: giận con, bực cái anh chàng nói lỡm này, tâm trạng tiếc, thèm, tò mò, ghen tỵ.., tâm trạng lạc lõng, hoang mang… Tất cả những gì mắt thấy tai nghe trong cái trụ sở của ban chỉ huy công trường qua bữa tiệc đi săn sáng nay, qua chuyện trò với cột nhà cháy, thi nhau nổi loạn. Đầu óc ông Tiến quay cuồng, hai tai ông ù lên. Nhưng tất cả chỉ để dọn đường cho sự tiếc nuối của ông hôm nào dấy lên bão tố trong lòng, hai con mắt cô gái ở lán A5 nhìn ông khiêu khích, thách thức… Bỗng dưng trong ông xuất hiện trở lại cái thằng người bị bắn gục hôm ấy, nó xông ra trước mặt ông, dằn vặt nhiếc mắc ông vô hồi kỳ trận, đạp đánh ông túi bụi, điên khùng…

– Hơn sáu cây số đấy bố ạ. Hôm nay còn nắng to hơn hôm qua, bố có lê được không?

– Tôi đi được… – Ông Tiến chúi chúi người, hai tay ôm đầu vì sự hành hạ bên trong ông đang phải chịu đựng, giọng nói ông lạc hẳn đi.

– Bố ôm đầu chạy trốn con à? Tội nghiệp cho bố! Là giáo sư nhưng chắc bố cũng phải thừa nhận chuyện trên công trường cao siêu quá, bác học quá, có phải thế không bố?

– ???

Hình như do đi bộ trên con đường lớn đang xây dở dang, ông Tiến mới cảm nhận được sâu sắc cái gian khổ, cái vĩ đại của công trình này. Làm nên bởi những con người khoẻ mạnh, lam lũ, nhưng tràn đầy sinh khí sống cho cuộc sống của chính họ, của đất nước…

Ông Tiến vừa đi vừa đối thoại với mình. Ông quên mất cái nắng.

Mới có quá tám giờ sáng, mặt trời đổ lửa phũ phàng. Chỉ có đi bộ tay không mà ông đầm đìa mồ hôi. Mỗi bước đi, mỗi lần mồ hôi mằn mặn rơi xuống miệng, trong lòng ông càng khâm phục những con người sống trên công trường này. Cảm nhận như thế làm cho những ý nghĩ bực dọc của ông về Thắng nguôi ngoai đi nhanh chóng. Vả lại ông đã biết tính con mình từ thuở nhỏ…

Nhưng sự nguôi ngoai này hướng dòng suy nghĩ của ông đi vào một vùng nhức nhối khác lâu nay vẫn ngủ triền miên trong tâm thức ông. Ông liên hệ đến những điều mình đã viết thành bài, thành sách, đến những điều mình đã đứng trên bục giảng dạy, huấn thị… Tất cả sao cứ đánh nhau đùng đùng trong đầu ông…

Trên đường đi, một cảnh tượng làm cho ông phải dừng chân. Thoạt đầu xa xa, dưới nắng loá mắt, ông thấy một đoàn người khá dài, nam có nữ có… Họ đang cùng nhau khiêng trên vai một con rắn lớn. Rất là dài, không biết bao nhiêu thước. Lại gần ông mới biết họ đang khiêng một ống cao su, máy bơm dẫn nước từ dưới hồ sâu lên, một người cầm đầu con rắn này phun nước tưới vào từng gốc dưa trên cánh đồng đất cát nóng bỏng. Các gốc dưa được tưới đến đâu, một nông dân khác theo sau rắc một dúm phân đạm đến đấy. Đứng nhìn, ông có cảm tưởng nông dân ở đây chắt chiu từng giọt nước và từng hạt phân cho từng gốc dưa của mình. Nhìn kỹ ông hiểu vì sao trên cánh đồng đất cát khô rang này lại bò đầy những dây dưa xanh tốt, những quả dưa hấu nằm ngổn ngang khắp nơi như lợn con mới đẻ… Ôi những người nông dân này lam lũ cũng chẳng kém gì những công nhân làm đường. Song hiển nhiên họ đang đem hết nghị lực khuất phục sự khắc nghiệt của thiên nhiên, họ cũng đang sống cho cuộc sống của chính họ…

…Thế còn bữa tiệc sáng trước khi đi săn là của ai, do ai, vì ai? Những người dự tiệc đang sống cuộc sống của ai, vì ai? Chết thật, đầu têu cái bữa tiệc này lại chính là thằng con ta đẻ ra. Có thằng con nào cư xử với bố mất dạy đến mức như nó không? Có thằng nào dối trên lừa dưới còn hơn nó không? Ở nhà viết thu hoạch để rủ nhau đi săn. Bây giờ lại là chính trị cao cấp nữa! Nó đang dùng cái bằng chính trị trung cao cấp và biết bao nhiêu quyền lực, tài sản khác của đất nước vào việc gì? Để tổ chức những bữa tiệc đi săn như sáng nay? Để làm những việc mất dậy, những việc khả ố hết chỗ nói chung quanh cái chuyện đi săn này như cái cột nhà cháy đã nói xa nói gần cho ông biết? Ôi sản phẩm bằng máu thịt, sản phẩm tinh thần, sản phẩm con người do chính ta đẻ ra, do ta nuôi dạy, do cả xã hội này tốn bao công lao nuôi nấng là như thế ư?! Chẳng lẽ nó mới chính là cái hiện thân đích thực của tất cả những gì ta rao giảng trong Nam ngoài Bắc gần cả cuộc đời ta? Là cái kết quả cuối cùng tất cả những gì ta ước vọng, ta gửi gắm hay sao? Không biết sự nghiệp lao động của ta, chính bàn tay của ta đã đào tạo hay góp phần đào tạo ra bao nhiêu thằng Thắng như thế này cho đất nước này?! Cả cái xã hội này bây giờ có bao nhiêu thằng Thắng như thế? …Ôi chẳng lẽ mắt ta bây giờ nhìn đen hóa trắng, nhìn trắng thành đen? Đầu óc ta chật cứng những khuôn sáo, biến ta thành người câm trước những điều ta phải nói, làm tai ta điếc với những điều ta phải nghe… Chẳng lẽ ta đã nên trở vô cảm, phải chờ đến lúc thằng con mất dạy của chính ta mở mắt cho ta, cho ta bài học… Ôi bây giờ ta hiểu, ta bắt đầu hiểu… Nhưng sao ta vẫn mãi trong tình trạng nhận biết được một đằng, nhưng hệ thần kinh phân lập của ta lại hướng cái đầu ta nghĩ, đưa cái tay ta viết, máy cái mồm ta nói đi theo một nẻo? Ngôn không chính, danh không thuận! Không sao làm khác được, không sao cứu vãn được. Thế là thế nào?.. Đời ơi là đời!..

…Trời đất ơi, sao bây giờ ta mới nhận ra tội lỗi của ta! Do chính ta gây nên với tất cả sự mù quáng của ta! Chính ta đã rắp tâm lập thân lập nghiệp bằng cái nghề này! Để chiếm cho bằng được cái ghế ta ngồi, để vươn đến cái đích ta hằng đeo đuổi suốt cuộc đời và đã được hứa hẹn: Ta sẽ là người trong cuộc!.. Thì ra trong suốt cuộc chiến này chiến lợi phẩm lớn nhất và duy nhất ta giành được trên đời này lại chính là vợ ta! Chỉ có thế thôi, và ngay cả vợ ta cũng bỏ ta mà đi rồi! Ôi, chẳng lẽ đấy mới là đời, là sự thật à? Còn gì cay đắng hơn thế hả trời đất ơi?!. Trên đời này còn có hệ luỵ nhân quả nào nghiệt ngã hơn thế nữa không trời ơi?!..

Phong ba bão táp nổi lên trong đầu ông Tiến nhiều đêm thâu.

May thay cái bản năng nam tính của ông Tiến, cái bản năng thực sự bất khả xâm phạm, được hệ thống thần kinh thực vật bảo vệ và duy trì, đã nhiều lần trở nên bất trị đối với chính ông, vì thế nó đã nhiều lần cứu được ông ra khỏi những cơn quẫn của bệnh trạng thần kinh phân lập. Thử thách chưa đủ mức lắm, nhưng ông cảm thấy ở công trường như thế là đủ. Ông gắng gượng đứng dậy. …Có thể về sống với gia đình Thắng ta sẽ tìm ra lối thoát mới… Đành thế vậy, bây giờ ta hãy lo cứu vớt chính ta đã… – Ông Tiến hy vọng như vậy.

Tác giả: