Dòng Đời – Nguyễn Trung

Bản thân bà Hà cũng được ông Tiến thuyết phục và đã tự phấn đấu trở thành hạt nhân của phong trào thanh niên khu phố lúc bấy giờ, đã mấy lần được đi hự hội nghị Thanh niên Thủ đô. Từ thán phục đi tới yêu lúc nào không biết, cuối cùng hai người nên duyên vợ chồng. Ông Tiến còn giúp cho bà theo học lớp kế toán trung cấp và trở thành nhân viên sở Tài chính của thành phố.

Sức bền của tình yêu bồng bột có hạn, thời gian của sự chiều chuộng nhau khi mới cưới qua đi nhanh quá, gánh nặng của những lo toan trong cuộc sống hàng ngày cứ chồng chất lên nhau… Tất cả những thứ này chỉ làm cho những nếp nghĩ trái chiều nhau giữa hai người dần dà bộc lộ ngày một rõ, không sao đổi hướng được. Thật khó nói cái gì là nguyên nhân chính của những câu chuyện nhấm nhẳng trong những bữa cơm ở gia đình ông Tiến.

Có thể bà Hà bây giờ có biết bao nhiêu nỗi lo cho cuộc sống hàng ngày mà ông Tiến không chia sẻ cùng bà. Cũng có thể do sự thông minh vốn cha mẹ cho, do bây giờ quá hiểu chồng, hoặc những chuyện ông Tiến nói chẳng mấy liên quan đến cuộc sống gia đình, nên bà ngày càng dửng dưng với mọi chuyện của chồng. Đến mức nhiều khi ông Tiến cảm thấy nói chuyện với bà mà cứ như là đang nói chuyện một mình. Có lúc ông chưa nói xong câu đang nói, bà Hà đã đoán trước được câu tiếp theo, lảng đi tìm cách làm một việc gì đó. Ngày qua ngày lại, bà nhiễm phải thói quen chỉ nói với chồng khi có điều gì thật cần thiết.

Đôi lúc bà Hà rơi tõm vào một luồng suy nghĩ đến mức làm cho bà lơ đễnh, có khoảnh khắc quên cả việc mình đang làm. Vốn là người có nghị lực, bà làm chủ được tình cảm của mình. Nhưng cái khoảnh khắc rơi vào lơ đễnh ấy không chỉ xảy ra một lần. Bà tự hỏi trong cái khoảnh khắc khó tả ấy: Tại sao mình có thể lấy cái ông này làm chồng được nhỉ? Rồi chính bà lại chối phắt, hay lại xoá ngay câu hỏi ấy, chịu để cho sự lơ đễnh xâm chiếm tâm hồn mình. Bà thường tự an ủi: Tại lúc bấy giờ người dân Hà Nội mình khát khao chiến thắng quá! Lúc bấy giờ nhìn những con người chiến thắng trở về thấy ai cũng đẹp! Cách bà Hà tự an ủi như thế khá hiệu nghiệm.

Một lần, lâu rồi, trong buổi đoàn tụ liên hoan đại gia đình nhân dịp tất niên, ông anh cả của bà Hà đứng giữa nhà, nửa vui nửa thật, cao giọng:

– Kể ra chú Tiến chia đều cái tính “bôn-xê-vích” của mình cho mỗi người trong nhà thì chúng ta thuộc loại gia đình cách mạng tiên tiến nhất cả nước này.

Tiếng cười rộ lên vui vẻ.

Lạ thay, đấy là lúc bà Hà chuyện như pháo ran, nhiều chuyện bà làm cho mọi người phải bật cười. Cả ông Tiến cũng phải cười theo… Câu chuyện vui nhất hôm ấy bà kể cho mọi người là một lần ông Tiến đi họp về, ngồi vào bàn ăn cơm. Khi mở lồng bàn ra, ông chỉ thấy mấy quyển sách, mấy tập chỉ thị, nghị quyết… Tất cả xếp rất ngay ngắn. Ông Tiến ngao ngán đậy lồng bàn trở lại.

– Sao, ông mà còn chê mấy thứ này à?

-Thôi bà ơi, tôi lạy bà rồi…

Bà Hà nhại lại lời nói và cử chỉ của ông Tiến, cả nhà được một trận cười không thể mua được… Nguyên do của cái mâm đầy giấy và sách hôm ấy là cửa hàng lương thực của khu phố nhà ông Tiến gần 10 ngày liền chưa có gạo và bột mỳ để bán theo sổ. Song đấy cũng chỉ là cái cớ bà Hà vin vào để ông Tiến không bắt bẻ được. Bà Hà đâu đến nỗi không làm được cái việc mua lại của con phe đâu đó mấy cân gạo để nấu cơm. Quan trọng hơn là bà muốn nhân dịp này nhắc ông Tiến trong bữa cơm người ta ăn cơm chứ không ăn giấy, ăn sách, nghĩa là nói chuyện chính trị ít thôi.

Còn trong bữa cơm tối nay:

Chưa hết chuyện tủ lạnh với quạt máy, hai đứa đã chuyển sang chuyện mốt quần, mốt áo… Rõ thật là chán! – ông Tiến làu bàu ở bàn uống nước, chỉ vừa đủ mình nghe.

Đang rót dở dang chén nước, ông sực nhớ ra điều gì, đặt ấm chè xuống, với lấy cái cặp da mở ra xem, lật lật các giấy tờ, rồi tự lẩm bẩm:

– Đây rồi, giấy cắt lương thực cũng có rồi. Yên chí…

Cái ấm ức hằn sâu lại trỗi dậy mỗi khi đầu óc chán trường, trống vắng. Không được vợ con động viên về chuyến đi công tác dài hạn săp tới, ông được cái ấm ức so đo thôi thúc, giục giã…

Rồi các người sẽ biết tay ta!

Câu chuyện ông Tiến đến chào từ biệt để lại nhiều tâm tư trong đầu tướng Lê Hải:

… Đấy là nhiệt tình cách mạng của lớp người nối tiếp mình? Hay là trong ta nhiệt tình hăng say nhiệm vụ giảm dần? Ta già cỗi mệt mỏi rồi chăng? Đoàn Danh Tiến chẳng đã nói những lời đầy hàm ý về việc Nghĩa xin giải ngũ đó sao? Đấy là nhiệt tình cách mạng hay cơ hội? Chụp mũ cho Tiến thì dễ, nhưng phải tự cảnh tỉnh xem lại mình thì chẳng dễ chút nào. Thời bình có nhiều chuyện thật đáng lo quá.

… Hay là mình bắt đầu tụt hậu rồi?.. Phạm Trung Nghĩa xin giải ngũ cũng là dấu hiệu tụt hậu? Phi lý lắm. Thậm phi lý… Những mất mát phải chịu đựng trong chiến tranh tạo ra cho mình cách nhìn khác chăng? Hay là cầm súng chiến đấu là một chuyện, ngồi nhà hô xung phong lại là một chuyện khác…

Tướng Lê Hải đã lên giường, tắt đèn đi ngủ. Nhưng những suy nghĩ mung lung như thế cứ chờn vờn trong đầu. Lúc này bà Hậu, vợ ông, còn đang lục cục làm nốt mấy việc cuối cùng trong gian bếp để chuẩn bị cho ngày mai. Thấy chồng lại bật đèn, ra bàn ngồi, bà lấy làm lạ:

– Anh đi tìm thuốc ngủ đấy à? Em thấy anh thôi dùng seduxen đến cả tuần nay rồi cơ mà?

– Không không. Nằm nghĩ vẩn vơ nên chưa ngủ được.

– Anh yêu đời lắm nhỉ, là ông lão rồi mà còn nghĩ vẩn vơ được.

– Chẳng nhẽ anh đã già đến thế rồi hả Hậu ơi?.. Hừm… Nhưng đúng là hôm nay anh hơi khó chịu.

– Em đã nói rồi, phải bỏ thuốc lá đi anh mới hết viêm họng được.

– Anh không bỏ em được thì cũng không bỏ thuốc lá được.

– Thế em bỏ anh để anh cai thuốc lá nhé?

– Ấy chết, anh không nghĩ thế. Anh khó chịu là vì hôm nay bị ông Tiến lên lớp.

– Lại cái ông Tiến tuyên huấn thỉnh thoảng anh vẫn gặp chứ gì?

– Vẫn ông ấy thôi, lần này anh cảm thấy lợm giọng quá. Nghĩ kỹ lại thấy lo nhiều hơn.

– Nhưng Đảng và Nhà nước cần dùng những người như ông ta, thì cớ gì lại trách ông ta? Rồi lại còn khó chịu với ông ta?

– Ôi Hậu, em hỏi gì mà tai ác thế?

Bà Hậu không trả lời ngay, mà chỉ nhanh tay làm vội mấy việc rồi lại ngồi bên cạnh chồng, vuốt ve mái tóc bạc trắng trước tuổi của ông:

– Em không muốn làm anh phật lòng, nhưng hồi này ông lão của em hay nghĩ quanh nghĩ quẩn…

– Anh già và sinh ra lẩm cẩm rồi có phải không em?

– Khuya rồi, anh đi ngủ đi.

– Chúng mình vẫn cứ anh anh em em như thế này thì không thể gọi anh là ông lão được, em phải cải chính đi?

– Cải chính như thế nào?

– Cải chính trên tivi cho cả nước biết!

– Em gọi anh như vậy để anh bớt già và để em trẻ thêm. Cố níu lại cuộc đời mà… – bà Hậu âu yếm nhìn chồng.

– Anh tự cho mình không bao giờ già, nhất là bây giờ có em bên cạnh.

– Thật thế ư?

Để xua đuổi câu chuyện với ông Tiến trong đầu, ông Lê Hải ôm xiết vợ vào lòng. Ông hiểu rõ nỗi cô đơn của cặp vợ chồng mình, còn rất trẻ về tình, nhưng không còn trẻ về tuổi tác. Cả nhà bây giờ chỉ có hai vợ chồng lộc cộc, với cả một dĩ vãng đầy thử thách đau thương.

Hồi ấy, vào cuối năm 1969, cùng một lúc, khi nhận được lệnh từ giã chiến trường miền Trung để ra Bắc nhận nhiệm vụ mới, đường dây từ trong Nam ra mang đến cho đại tá Lê Hải tin dữ: Vợ ông và đứa con gái duy nhất của hai người đã bị địch giết chết ở Cần Giờ. Không có cách gì có thể đếm được bao nhiêu người đã bị giết như vậy trong đợt truy quét liên miên của địch kéo dài hơn một năm trời kể từ sau đợt tấn công của ta Tết Mậu Thân. Chưa bao giờ nhiều vùng ở trong và chung quanh Sài Gòn cơ sở của ta bị bóc trắng và tiêu diệt tàn bạo như vậy. Nguyên nhân cũng dễ hiểu, sau đợt tấn công Tết Mậu Thân phần lớn những cơ sở này và nhiều đường dây liên lạc của ta bên trong và chung quanh Sài Gòn bị lộ không có cách gì cứu vãn được. Chỉ có một điều an ủi nhỏ nhoi, tin nhắn ra cho biết: sau khi giặc rút, những người còn lại đã bằng mọi cách tìm được thi hài vợ con ông và chôn cất chu đáo.

Vợ ông là con một gia đình giàu có là cơ sở cách mạng bên trong Sài Gòn ngay từ năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ông được tổ chức đưa về ẩn náu ở cơ sở này từ năm 1956, sau khi ông chạy thoát sự truy lùng của chính quyền Diệm tỉnh An Giang. Mẹ vợ ông, bà Sáu Nhơn, chồng chết sớm, nhưng nổi danh là một người ăn nên làm ra. Trong năm người con của bà, thì một là chủ xưởng dệt thun Liccy, một là đại lý bán xe hơi của hãng Peugeot, một là chủ khách sạn Eden. Bà Sáu Nhơn là chủ hãng xe đò Cánh nhạn, có 15 xe khách chuyên chạy các tuyến đường đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hai Phong, người con trai lớn nhất của bà tham gia cướp chính quyền Sài Gòn trong Cách mạng tháng Tám, lúc đầu là tỉnh uỷ viên tỉnh Vĩnh Long trong kháng chiến chống Pháp, rồi làm bí thư tỉnh uỷ. Vợ chồng hai Phong tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève 1954. Sống với bà ở nhà chỉ còn lại cô con gái út. Do biết cách làm ăn, luồn lách được cánh Lý Lương Thân và mua chuộc được bọn quan chức, nên công việc kinh doanh của năm mẹ con bà sáu Nhơn tạo ra được tấm bình phong tin cậy, đồng thời cũng là một trong những nguồn thông tin và nguồn tài chính có ý nghĩa cho nhiều cơ sở của ta trong nội thành.

Tác giả: