Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Em định nhắc lại câu hỏi thời gian cải tạo sẽ là bao lâu?

– Đấy chỉ là một trong nhiều câu hỏi thôi anh ạ. Tại hội trường, học viên sợ bóng sợ vía ban chỉ huy trại nên mới chỉ nói như anh đã được nghe thôi. Còn nói với nhau thì tụi em cho rằng cải tạo không có thời hạn thế này chẳng khác tù chung thân bao nhiêu. Trong này tụi em từ lâu đã biết ngoài Bắc có những người phải đi cải tạo từ thời sau 1954 mãi đến gần đây mới được thả về!..

– Anh không muốn làm công việc nhồi sọ. Em cần có thời gian tự tìm lấy những câu trả lời cho mình… – Nghĩa hiểu là phải kiên nhẫn với Lễ nhiều hơn nữa.

– Em chỉ là một trong hàng triệu, hàng triệu chất liệu dựng lên bi kịch của nước ta mà thôi anh ạ. Trong mỗi chất liệu ấy là một phạm nhân và hai lần nạn nhân, anh biết không? Một phạm nhân là vì đã gây ra ra hoặc dính líu vào các tội ác chống lại đất nước. Hai lần nạn nhân, vì một là của chiến tranh và một là của sự chia lìa về cách nghĩ, lối nghĩ…

– Sự chia lìa về ý thức hệ?

– Anh nói thế cũng được. Một lần phạm nhận và hai lần nạn nhân.., tất cả trong một nhân cách, anh biết không?!

– Thế còn những kẻ chỉ tôn thờ một con đường chống lại đất nước thì sao? – Nghĩa vặn lại.

– Anh không biết những người như Nguyễn Văn Thiệu, Đặng Văn Quang… đã từng ăn gỏi chính bản thân em hay sao? Ít nhất trong con mắt em họ là như thế… Khi xảy ra các vụ nhà sư tự thiêu của phong trào Phật giáo, Lệ Xuân thản nhiên nói bằng tiếng Anh trước các nhà báo nước ngoài: Có thêm vài nhà sư tự nướng chả mình cũng chẳng hề hấn gì! Chắc phải uống máu người không tanh mới nói được câu như thế. Lệ Xuân đã nói lên được tính cách của nhóm người mà chính Lệ Xuân đại diện… Thế nhưng những người như Ngô Đình Diệm, Đỗ Mậu… lại là một một tuýp người khác. Họ có lý tưởng yêu nước theo cách nghĩ của họ và chống cộng từ trong xương tuỷ. Chẳng lẽ anh cho tất cả bọn họ, rồi cả em nữa vào chung một rọ với Lệ Xuân? Anh nghĩ như thế à?

– Em nói thế là rõ đấy.

– Nếu không có mấy chục năm chiến tranh và chia ly như vậy, biết đâu lẽ sống của anh và của em có thể chỉ là một! – Lễ dừng lại, nắm lấy tay anh lắc mạnh: – Bất kể thế nào, trời đất đổi dời thế nào, gia đình ta chỉ là một! Anh có hiểu không, anh Nghĩa!.. Anh không thể tưởng được chú thím Học, tất cả tụi em trong này phải chụm lại với nhau như thế nào để bảo vệ bằng được gia đình của mình, một cuộc chiến khác trong lòng chế độ xã hội Sài Gòn!.. Tất cả bố mẹ anh chị em con cháu chúng ta là của nhau! Chắc anh không thể nào hình dung nổi xã hội trong này khi các phố xá Sài Gòn nhan nhản các lính Mỹ, nhân viên quân sự Mỹ, nhân viên dân sự Mỹ!.. Thành phố là một cái nhà thổ khổng lồ với tất cả dịch bệnh lây lan của nó, anh hiểu không! – Lễ nói dằn từng tiếng vào mặt Nghĩa.

– Đã có một lần anh được nghe một nhà văn Nhật ví nước Nhật là cô gái điếm của lính Mỹ. Ông ta bị cả nước Nhật phê phán, nhưng rồi cả nước Nhật nhận ra đấy là lời cảnh cáo đúng đắn… Hôm nay anh hiểu thêm điều em vừa nói…

Nghĩa lặng người đi một lúc, mãi mới nói tiếp được:

– Đất nước bị chà đạp đến thế mà anh em chúng ta vẫn hai đường, hai ngả!.. Có lẽ em nói đúng, em đã được nhào nặn thành một con người như em hiện nay. Chẳng lẽ gia đình ta bị cướp mất em thật rồi hả Lễ?..

– Không! Phải nói cả nước ta bị cướp đi nhiều quá, anh ạ. Là em của anh, về phương diện này em có quyền nói em bị cướp đi nhiều hơn anh! Vì cậu mợ, các anh, họ hàng chúng ta… Tất cả cũng là của em chứ! Chính bản thân em cũng bị cướp đi rồi anh ơi! Tất cả chúng ta là của nhau!

– Trời ơi! – Nghĩa thốt lên.

Còn một điều nữa, ngồi trong trại bây giờ em mới tỉnh ngộ ra… Cuộc chiến tranh của Mỹ trên đất nước ta tuy đã qua rồi, nhưng dư chấn của nó vẫn sẽ tiếp tục cướp đi những gì nó còn có thể cướp, sẽ còn phá đi những gì nó có thể phá! Không có cách gì cưỡng lại được đâu! Cuộc chiến tranh này ác quá anh ạ! Ai mà không ham sống hả anh? Thế mà nhiều lúc em mong thà chết như Mạnh còn hơn!.. Chắc chắn gia đình chúng ta không phải là nạn nhân duy nhất của sự cướp bóc còn tiếp diễn sau chiến tranh. Ngay từ bây giờ em đã linh cảm thấy như vậy. Rồi đấy anh xem! Cuộc chiến tranh này ác quá…

Hai anh em nắm lấy tay nhau, mãi không ai nói được gì nữa. Mãi một lúc sau, Nghĩa mới cất được lời hỏi Lễ:

– Điều gì làm em lo lắng đến như vậy?

Câu hỏi rơi thỏm vào tĩnh mịch của đêm khuya. Lễ hít một hơi thở mạnh như để lấy sức, rồi từ từ bỏ hai tay ôm đầu xuống:

– Ông trời tai ác quá anh Nghĩa ạ… Em vừa kính phục anh, vừa thương hại anh. Em vừa bác bỏ em, vừa không chịu khuất phục những điều anh tôn thờ! Em thật không biết mình phải sống như thế nào! Từ ngày vào trại cải tạo, nhiều lúc thực sự em không thiết sống, dù em xưa nay ích kỷ, nhút nhát và rất sợ chết! Bao nhiêu lần em trốn ra trận vì rất sợ chết! Anh chưa nhìn thấy hết hậu quả của cuộc chiến tranh này đâu! Nhất là từ phía em…

– Sao em lại dám cả quyết như vậy?

– Vì anh là người chiến thắng!.. Còn nhiều điều thuộc phần em buộc em phải suy nghĩ tiếp. Còn nhiều điều thuộc phần anh, anh cũng chưa thấy hết đâu.

– Em nói gì lạ thế?

Lễ không trả lời ngay, cố trấn tĩnh những sóng gió về những ngày trước và sau 30 Tháng Tư đang nổi loạn trong đầu rồi mới nói được:

– Anh ơi, có thấy cảnh Sài Gòn giãy chết trong những ngày cuối cùng trước giờ tận thế… Ôi có được chứng kiến những ngày này, mới có thể hiểu đúng được sự hồ hởi nồng nhiệt của dân Sài Gòn, mới hiểu được không khí thanh bình không thể tưởng tượng nổi sau đó anh ạ! Tiếc quá anh không được là nhân chứng của hai cảnh đời trái nghịch này! Chính sự trái nghịch này nói lên nhiều điều lắm, có lẽ người cộng sản các anh chưa thể hiểu hết đâu!.. – Lễ dừng lại, cảm nghĩ hôm nào đến giờ phút này vẫn còn choáng ngợp tâm trạng mình.

Nghĩa chăm chú nghe.

– …Anh ạ, chính sự trái nghịch này làm bật lóe lên trong em cảm nhận mãnh liệt, dù chỉ là trong khoảnh khắc: …Cuối cùng thì đất nước đã chiến thắng cuộc chiến tranh này!.. Ôi anh Nghĩa, chính cảm nhận này giục giã em tự trình diện và em tự nguyện xin vào trại cải tạo… Đất nước đã chiến thắng cuộc chiến tranh này! Thế mà…

– Ôi Lễ!

– Nhưng đến giờ phút này anh vẫn chưa thuyết phục được em. Nghĩa là đến hôm nay anh vẫn chưa chiến thắng được em, có phải thế không? – Lễ cố làm cho không khí anh em dịu lại.

Nghĩa lặng đi hồi lâu, cuối cùng rên rỉ:

– Hai anh em chúng ta cùng nhau hàn gắn vết thương dân tộc ngay trong gia đình mình, được không em?

– Vâng, em sẽ cố… Nhưng đừng làm cuộc chiến cưỡng ép chính kiến của anh nhé?

– Anh hứa…

– Tháng mười hai tới này là bốc mộ cho cậu và gia đình em Minh, sẽ đưa về quê.

– Sẽ đưa về quê nào hả anh?

– Về  quê nội, Hoàng Đôi, Hưng Yên, nay là Hải Hưng em ạ.

– Em chưa biết quê mình thế nào, mặc dù chú Học thỉnh thoảng có kể cho nghe.

– Còn ở trong trại thế này, chắc em không ra kịp rồi.

– Anh thay mặt cho chúng em trong này thắp nén hương cúng cậu và gia đình em Minh. Nhưng…

– Nhưng gì nữa em?

– Chừng nào em còn sống, việc đầu tiên khi được ra khỏi trại là em sẽ đi thăm mợ và anh chị em chúng ta ngoài Bắc. Em cầu mong mợ khoẻ mạnh, cố chịu đựng. Sẽ có ngày em ra lạy mợ và thắp hương cho cậu và gia đình Minh…

Câu chuyện kéo dài mãi cho đến khi Huệ lên gác mời bác Nghĩa và ba Lễ xuống ăn sáng. Tín đã sửa soạn xong xe máy, buộc xong hành lý để đưa ba Lễ ra bến xe.

Trên đường bay trở ra Hà Nội, Nghĩa nhớ như in câu nói cuối cùng trước khi Lễ quay ra chào mọi người để trở về B7, từ giọng nói, đến vẻ mặt đau khổ, dáng điệu chán trường:

– Anh Nghĩa ạ, hiểu cho em… Em không thể… – Lễ thì thào vào tai Nghĩa, gần như mắc nghẹn.

Ôi không biết chuyến đi này mình đã tìm được Lễ hay là mình đang mất Lễ thật rồi!

Tiếng bom đạn nổ ầm ầm, từng lúc xen vào những tiếng nổ cực lớn. Có lúc Nghĩa bị hất tung lên khỏi mặt đất. Lấy tay sờ đầu, sờ người, bàn tay ướt đẫm. Nghĩa cố giơ bàn tay lên gần mắt, nhưng chẳng nhìn thấy gì. Nghĩa liếm đi liếm lại bàn tay mình, chỉ thấy lạo xạo trong miệng và một mùi vị gì đó chát xít. Lại sờ hai chân, lại ráng hết sức bò tiếp trong mù mịt. Những tiếng nổ vùi Nghĩa sâu xuống đất, Nghĩa lại bới, lại gắng gượng lê lết. Một tiếng nổ lớn khác, nhưng lần này gần quá. Nghĩa thấy rõ thân thể  mình bị chảy tan ra trong lửa. Nghĩa hiểu không thể bò tiếp được nữa, cố níu nhìn chân tay và thân thể mình đang bị biển lửa uống dần… Lại một tiếng nổ lớn nữa, trời đất tối sầm…

Choàng tỉnh dậy, Nghĩa chỉ thấy một màu tối xịt chung quanh mình.

Máy bay đang lao vào đám mây lớn, lắc dữ dội.

…Đất nước cuối cùng đã chiến thắng được cuộc chiến tranh này, nhưng anh vẫn chưa thắng được em!.. – Nghĩa cảm thấy các vết thương cũ lại tái phát dữ dội trên thân thể, miệng khô đắng. Nghĩa cố quờ quờ tay tìm nút ấn để yêu cầu tiếp viên mang đến cho mình cốc nước…

Tác giả: