Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Thật là cháu ngoan cố quá thể! – ông già Học cười to vì rất vui về nhận xét này của Nghĩa. Một lúc sau, giọng ông tự nhiên thấp hẳn xuống: – …Chú muốn trả lời cháu thế này, tự soi mình thì phải vạch trần ra như thế để kiên trì theo Phật hơn nữa. Trong cuộc đời mình chú thấy hình như thách thức và bi kịch luôn luôn đuổi bắt nhau, chinh phục nhau cháu ạ… – ông Học bỏ lửng, không nói tiếp.

– Chú không bao giờ vừa lòng với mình, có phải thế không ạ?

– Không hẳn như vậy đâu. Cả cuộc đời mình vì khao khát tự do nên chú sẵn sàng mạo hiểm… Từ lúc chưa rời khỏi ghế nhà trường cái tính ấy đã nhiễm vào chú rồi. Dần dần chú nghiệm thấy chỉ trong mạo hiểm mới tìm được chính mình, biết được cái khả năng và cái giới hạn của mình, hiểu thêm được tự do mình đã đạt tới. Song có điều rất lạ là chính nhận thức này đã khiến chú ý thức được rằng tâm có định thì trí mới huệ, mới bồi đắp thêm được chí hướng tự do… Duyên do chú tìm đến Phật là thế. Từ đó chú mới ngộ được Phật là tại tâm…

– Nghĩa là chú không cho phép mình ngưng trệ, nhưng vẫn cần phải có một điểm tựa có phải không ạ?

– Đúng vậy. Làm người phải như vậy cháu ạ. Cho nên theo Phật, chú chỉ muốn làm một hành giả của đạo, không phải là học giả. Cả đời tâm tâm niệm niệm cố trở thành một phật tử để giữ đạo làm người, nhưng chú quyết giữ cho mình không biến thành tín đồ.

Câu nói của ông Học khiến Nghĩa choáng váng. Bất giác Nghĩa ngắm nhìn lại chú mình, cứ như thể vừa mới tìm thấy ở chú mình một con người khác nữa:

– Thưa chú giữ mình như thế có khó không ạ?

– Chú thừa nhận tín ngưỡng, nhưng giữ mình không trở thành tín đồ khó lắm! Cái yếu bẩm sinh của con người mà. Đảng của cháu cũng thế…

– Chú nghĩ Đảng của cháu cũng như một con người thôi… Nếu Đảng của cháu biết khép lại quá khứ với nghĩa là vượt lên chính mình để tỉnh táo hơn nữa, khiêm tốn hơn nữa… Nếu Đảng của cháu cùng với cả nước khép lại được quá khứ trong lòng dân tộc mình để mở ra đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc làm nền tảng cho xây dựng hệ thống chính trị của mình… Nếu nước mình khép lại được quá khứ để mở ra trang sử mới với cả thế giới… Không là tín đồ có nghĩa là như thế, cháu ạ…

– Chú nói gì mà cháu nghe cứ như là lời cảnh báo không được trở thành nô lệ của chính mình! Có phải chú định nói như thế không ạ?

Ông Học thoạt đầu rất ngạc nhiên, song sau đó cũng đồng tình:

– Chú không ngờ cháu lại dẫn chú đi xa thêm được một bước nữa!.. Cháu nghĩ đúng đấy: Không được làm nô lệ của chính mình! Đúng như thế Nghĩa ạ… Sống ở bên ngoài nhìn vào, chú thấy được nhiều điều, và cũng tiếc cho đất nước nhiều điều…

– Vâng, Lễ đã tranh luận mãi với cháu…

– Đảng cháu lẽ ra còn làm được nhiều việc vĩ đại hơn nữa… Cháu hiểu không, là người chiến thắng, nếu như Đảng cháu đau xót được nỗi đau máu chảy ruột mềm, một giọt máu đào hơn ao nước lã, thu được nhân tâm thu về một mối…

– Ôi chú!.. Cháu hiểu…

– Nếu làm được như vậy, lẽ nào Đảng của cháu lại không thắng nổi mọi cám dỗ, không vượt qua được cái bóng của chính mình hả cháu? Không là tín đồ, không là nô lệ của chính mình có nghĩa là như thế!.. Cả đời người đi khắp thiên hạ, chú đủ tâm trí cầu mong cho đất nước mình đừng rơi vào cái vòng luẩn quẩn giống như một thứ kiếp luân hồi tự mình gây ra…

Trong nghề làm ăn của chú, cơ hội và thách thức gắn với nhau làm một, đổi chỗ cho nhau nhanh lắm. Cơ hội Đảng của cháu hiện nay có thể hội tụ được cả hai phẩm chất giai cấp và dân tộc cũng vậy thôi. Không có gì là vĩnh cửu cả! Không nắm được thì cơ hội lại trở thành thách thức mất còn!..

– Chú muốn nói là…

– Chú muốn nói là vận may của đất nước và cơ hội của Đảng cháu hiện nay không phải là bất biến. Hơn một trăm năm trước đây mất thời cơ đã dẫn đến mất nước.

Nghĩa đang ngồi trên ghế mà như có một sức mạnh nào đó đẩy bật ngửa về phía sau: Trong đầu Nghĩa văng vẳng đâu đó câu nói đầy mùi tanh tưởi …theo ta thì sướng, không theo ta thì tan nát!.. Nghĩa không đủ bình tĩnh nhớ lại mình đã được nghe câu này ở đâu trong những buổi thảo luận nát nước với Lê Hải về bàn cờ thế giới. …Thì ra ai quan tâm đến vận mệnh đất nước đều không thể có cách nhìn khác được!.. – Nghĩa tự nói với mình như vậy trong lòng.

Ông già Học chờ đợi một lúc rồi mới nói tiếp:

– Trong cái thế giới đầy sát phạt này, bên ngoài thích nước ta như thế này hay như thế kia là do lợi ích nào quyết định, chứ không phải do yêu ghét, hay thân sơ gì đâu cháu ạ… – ông Học lại dừng lại một lúc: – Trong hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm vừa qua, dân tộc ta cũng có những chuyện phải tự xem lại mình cháu ạ. Có như thế mới sống được trong cái thế giới ngày nay… Trong có ấm thì ngoài mới yên mà… Đừng bao giờ chịu để cho yếu kém của mình giam hãm lẫn nhau suốt đời trong vòng lạc hậu. Khi nghèo khó thường bị thiên hạ chèn ép, lại mãi mãi lẽo đẽo theo sau, mãi mãi phụ thuộc vào thiên hạ… Cái vòng luẩn quẩn lịch sử lớn này thật không dễ gì chặt đứt được đâu. Nếu không có quyết tâm lớn của cả một dân tộc, của mỗi người. Bởi nó hình thành từ cái vòng luẩn quẩn của chính mình… Không được là tín đồ, không được trở thành nô lệ của chính mình trước hết có nghĩa là như thế Nghĩa à! Thú thật phải đến lúc cõi lòng mình tan nát về gia cảnh nhà họ Phạm nhà ta, chú mới ngộ được điều này!..

Nghĩa không thốt ra điều gì. Tuy đã biết rõ hướng suy nghĩ của ông già Học, nhưng Nghĩa vẫn ngồi im chờ đợi, vì muốn tự tai mình nghe bằng hết suy nghĩ của chú mình.

– Nghĩa ơi, làm sao để Đảng của cháu đừng giống một lực lượng chính trị tầm thường vốn có trong xã hội nhiều nước trên thế giới!

Câu nói của ông Học đã chọc thẳng vào nỗi lo thầm kín lâu nay của Nghĩa, nỗi lo vẫn được Lê Hải nung nấu thêm bằng nỗi lo về cái quán tính của lịch sử, bằng lời nhắc nhở của ông già cây đa bảy rễ, những câu hỏi không thể trốn tránh được của ông Tám Việt… Ôi, những người yêu nước đều tỉnh táo và không bao giờ ngủ!?.. Nghĩa đứng dậy châm thuốc rồi bước ra ngoài hành lang, bỏ ông Học ngồi lại một mình trong phòng. Nghĩa rít liền một lúc bốn năm hơi, loáng một cái điếu thuốc đã cháy hết gần một nửa! Những nỗi lo đã từng dấy lên thành bão tố trong lòng trong những đêm ở Thạch Thất, từ biết bao nhiêu điều dằn vặt khác…

Khi Nghĩa quay vào, điếu thuốc đã cháy hết.

– Chú ạ, câu chuyện hôm nay của chú làm cháu nhớ đến chú Phương. Hồi ấy cách mạng mới thành công chưa được bao lâu mà quân Tưởng đã kéo về đầy Hà Nội, nồi niêu soong chảo gánh vác lủng củng, nhiều đứa quấn xà cạp mà chân đi đất… Cả đội quân thì nhũng nhiễu hết chỗ nói. Hà Nội rối loạn và bẩn hẳn lên nhiều chỗ vì bọn chúng. Trong Nam chiến hạm d’Argenlieu của Pháp đã ngấp nghé Sài Gòn… Đã thế sao lúc ấy ở Hà Nội lắm đảng phái phản động mọc lên thế! Nhưng mạnh nhất vẫn là cánh Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hải Thần, Hòa Hảo, Cao Đài… Chính quyền cách mạng như treo trên sợi tóc chú ạ. Anh Chính và cháu lúc bấy giờ đã tham gia Đội thiếu nhi Cứu Quốc khu phố Hàng Bông, chú Phương tìm đến đội ở khu phố chúng cháu và giao cho việc đi dán la liệt khắp nơi biểu ngữ “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau…”. Biểu ngữ thứ hai chúng cháu đi dán là “Nước Việt Nam của người Việt Nam!” Biểu ngữ nào bên dưới cũng ký tên Mặt trận Việt Minh… Chú Phương không còn nữa… Cho đến nay như thế cộng đồng dân tộc ta đã có hơn một nửa thế kỷ đầy xương máu trải nghiệm hai khẩu hiệu mộc mạc nhưng rất có ý nghĩa này! Chú nói rất đúng… Bây giờ cháu thấy lại càng phải ngẫm nghĩ về hai khẩu hiệu này chú ạ…

Ông Học lúc này vẫn chưa bước ra khỏi những điều đang chiếm hết tâm tư mình:

– Chú hiểu cháu định nói gì. Cháu ạ, chú không chờ đợi những chuyện thần kỳ huyễn hoặc – giọng ông ôn tồn: – Nhưng phải nói những gì đổi mới đã làm được thật là đầy hứa hẹn. Từ khi Nam quốc sơn hà Nam đế cư chưa bao giờ đất nước ta có một tiền đồ xán lạn như bây giờ! Cháu cứ so sánh mà xem, có phải như thế không?.. Cháu có tin là đất nước mình sẽ kiên trì bước tiếp trên con đường do chính tay mình vừa mới khai phá ra không? Cháu có tin như thế không?.. Có lẽ ở vào vị thế của chú, chú cũng chỉ nên nói tới mức vầy…

– Nói thế là chú vẫn còn điều gì đó uẩn khúc chưa nói ra được, có phải thế không ạ?

– Phải! Ôi, giá lúc này bố cháu, chú Tuấn, chú Phương còn sống! – Ông Học chợt lặng đi.

– Thưa chú…

– Nghĩa ạ, bố cháu, chú Tuấn, chú Phương và những người đã khuất như thế có đủ tư cách hơn chú để nhắn nhủ Đảng của cháu không có quyền chối bỏ, không có quyền đi ngược lại nghĩa vụ đối với dân tộc cháu ạ. Không có quyền! Đảng của cháu không có quyền, hiểu không? Đấy còn là trách nhiệm không thể thoái thác được của Đảng cháu đấy. Lịch sử đất nước hơn một thế kỷ nay đã định đoạt vận mệnh cho Đảng cháu như vậy! Không đơn thuần chỉ là cơ hội đâu, còn là một món nợ lịch sử nữa đấy, lịch sử đã làm nên Đảng của cháu!.. Chính điều này quyết định sự lựa chọn của chú, cháu ạ. Vì thế chú buồn tủi cho mình là không đủ tư cách để tự mình nói ra điều này với Đảng của cháu! Cả một đời người chú đã quay lưng lại với đất nước mình, chú không đủ tư cách… Hãy thông cảm cho chú…

Tác giả: