Dòng Đời – Nguyễn Trung

Một lần chắt cún bông hỏi bà Sáu:

– Bà ơi, sao tóc bà trắng thế, tóc bà cháu không trắng.

– Vì bà là mẹ của bà cháu. – Bà Sáu trả lời.

– Thế thì bà cũng là mẹ của cháu…

– Ừ đúng, bà cũng là mẹ của cháu, cháu giỏi quá… – Bà Sáu khen.

Cả nhà đều cười…

Các gia đình Hai Hân, Tư Cương, Ba Khang, Bảy Dự không ngày nào không đến thăm bà. Ông Học từ Mỹ cũng mấy lần gọi điện thoại về thăm. Ông vừa mới thay thuỷ tinh thể cả hai mắt, mắt sau thay cách mắt trước sáu tháng. Thế mà mấy tháng nay nhãn áp vẫn cao liên tục, nên ông không dám xa bác sĩ của mình lấy một hai ngày, đành huỷ bỏ chuyến về thăm đất nước năm nay. Đầu tuần trước vợ chồng con cháu các gia đình Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh đã từ Mỹ lục tục bay về, trừ một hai người chưa thu xếp được chuyến đi. Chắt Đức – con của Vũ, và hai chắt nữa – Cháu nội của Ba Tước, đang trong kỳ thi nên không về được… Cả nhà đều lo lắng cái ngày bà vĩnh biệt con cháu sẽ không có cách gì ngăn cản được nữa, nhưng cả nhà được an ủi phần nào là bà không phải chịu đau đớn gì về thân thể và con cháu trong nhà quây quần chung quanh bà gần như đầy đủ.

Lúc tỉnh nói chuyện, có khi bà cố làm con cháu vui. Có lần bà bỗng dưng hỏi:

– Năm Thịnh đâu rồi nhỉ?

Thế là cả nhà cuống lên đi tìm. Ông Năm Thịnh chạy lại bên mẹ:

– Thưa má con đây ạ, má gọi gì con ạ?

– Con đã xin lỗi anh Hai con về câu nói hỗn năm nào chưa?

– Chúng con làm lành với nhau từ lâu rồi ạ. – Ông Hai Phong nhanh nhảu thưa dùm em.

– Con đã tạ tội với anh con từ chuyến về thăm lần đầu tiên má ạ. – Năm Thịnh thưa.

– Vậy thì được, nếu không thì má phạt đấy.

– Nếu con quên, má định phạt con thế nào ạ?

– Đánh ba roi!

– Con đi lấy roi để xin má đánh con ba roi được không ạ?

– Được, nhưng phải để má tập đi mới cầm roi được. Nằm lâu ngày quên mất đi rồi…

Con cháu đứng chung quanh, vừa cười vừa khóc.

Một lần khác bà gọi Bích Ngọc:

– Bây giờ nội cho phép các con mỗi ngày làm năm trăm sữa chua đi bỏ các nhà hàng các con vẫn bỏ hết được chứ.

Bích Ngọc sụt sùi, còn đang chưa biết trả lời bà mình như thế nào, Bảo Vân đứng cạnh đã nói ngay, cố làm cho bà vui:

– Nhưng con biết nội không bao giờ cho phép chúng con làm việc này ạ.

– Sao con dám nói chắc vậy, Bảo Vân?

– Dạ thưa nội, chúng con đã có nhiều địch thủ rồi. Con nghĩ không đời nào nội muốn chúng con có thêm địch thủ mới nữa là Vinamilk ạ.

Mọi người chung quanh đều cười, bà Sáu cũng nheo mắt cười, tay bà với lấy tay Bảo Vân:

– Con là địch thủ đối thoại không phân thắng bại của ta!

Bảo Vân sụt sùi, nhưng vẫn cố cười.

– Nhưng nếu Vinamilk một ngày nào đó là địch thủ của các con thì nội chắc không đến nỗi như Trung tâm Bình Tiến…

– Con muốn có đối thủ cạnh tranh đích đáng nội ạ, nhưng con không dám nói trước điều gì… – Bảo Vân đáp lại.

– Ôi.., con như thế là có cái máu của ta, chấp nhận cạnh tranh đích đáng… – Bà Sáu nắm lấy bàn tay của Bảo Vân, mắt ngước nhìn về một nơi xa xa nào đó…

Bảo Vân òa lên khóc…

Có lúc bà Sáu gọi Lê Hải và bà Hậu, hỏi thăm rất kỹ về cuộc sống của cặp vợ chồng già lọc cọc này.

– Mẹ rất thương hai mẹ con Út Thạnh, nhưng có Hậu mẹ bớt lo cho Lê Hải. – Khi nói chuyện với bà Hậu, bao giờ bà Sáu cũng xưng là mẹ cho hợp với tình cảm và tiếng nói miền Bắc. Cả nhà đều nhận thấy như vậy.

Trong những ngày này, đã hai lần ông bà Tám Việt đến thăm má Sáu.

Lần thăm đầu tiên, bà Sáu nói:

– Tôi vẫn mong được gặp bà Tám. Thật là cầu được, ước thấy.

– Thưa chị em đây ạ. – Bà Tám chạy lại quỳ phục sát giường để cho má Sáu nhìn rõ mặt, hai tay nắm lấy tay bà Sáu.

Bà Sáu đưa hai tay rờ rờ mặt bà Tám, vuốt những làn tóc xoà xuống của bà Tám sang hai bên:

– Từ ngày nghỉ hưu, bà có giúp ông Tám hiểu thêm chút nào công việc chợ búa không?

– Dạ, nhà em vẫn chưa biết ngoài chợ người ta bó mớ rau bằng lạt hay đựng bằng túi nilon ạ.

– Thế thì ông Tám vẫn chưa thành nhà kinh tế hoàn hảo được.

Đến thăm lúc này lẽ ra là hỏi han sức khoẻ, nhưng câu chuyện lại xoay ra nói vui giữa những người thân thiết khi có dịp gặp nhau. Bận đó bà Sáu nói chuyện với ông bà Tám được đến mươi mười lăm phút. Bà Sáu nhắc lại nhiều chuyện đã nói trong bữa cơm đầu tiên đãi ông Tám. Riêng ông Tám đến bây giờ vẫn khâm phục bà Sáu đã ví kinh tế Thành phố hồi đó như một cỗ xe, cái quan trọng là điều hành cỗ xe đó chở cái gì, đi đâu, chứ không phải là dỡ nó ra từng mảnh rồi giao cho những người không hiểu gì về xe cộ quản lý… Nhưng lần thứ hai chuyện ngắn hơn nhiều. Vì giấc ngủ thiếp đi của bà Sáu cứ tự nó kéo đến…

Trong những ngày với những giấc ngủ thiếp đi như vậy, chỉ có một lần duy nhất bà Sau mê man ú ớ, có lúc kêu rú lên, mặt nhăn nhó… Con cháu chung quanh xúm lại, tưởng bà đã đến giờ lâm chung, chỗ này chỗ kia đã nước mắt ngắn nước mắt dài… Nhưng chờ đợi ít phút lại thấy bà thở đều dần… Khoảng một giờ sau bà lại tỉnh dậy, kêu khát. Uống được mấy thìa sâm, bà lại tỉnh, lại đòi nói chuyện…

Khi đã tỉnh táo, bà kể là tự nhiên nằm mơ lại những chuyện sợ hết hồn ngày xưa, nhất là đến cái đoạn cửa hàng vải của bà đột nhiên bị tổng trưởng Sài Gòn ra lệnh tịch thu vì vỡ nợ, bà phải cùng với các con mình trốn vào nhà một bạn hàng để tránh mặt chủ nợ và nghe ngóng xem có bị tróc nã về chuyện gì khác nữa không… Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh và Út Thạnh lúc ấy còn nhỏ lắm. Chuyện xảy ra khoảng đầu năm 1949…

Sang ngày thứ chín, bà Sáu yếu đi một cách đột ngột, những lúc tỉnh dậy thưa hơn và cũng ngắn hơn. Chỉ có đôi mắt vẫn giữ nguyên thần sắc khi bà thức dậy, bà cũng không hỏi chuyện ai nữa. Con cháu giục mãi, thỉnh thoảng bà mới bảo đỡ lên để uống một ngụm sâm nhỏ. Đêm hôm qua bà ngủ một giấc bốn năm giờ đồng hồ, nhưng toàn thân hầu như không cử động, chỉ còn thoi thóp hơi thở. Lúc tỉnh dậy bà cũng không nói chuyện nữa, cũng không đòi uống sâm, con cháu phải giục, nhưng thỉnh thoảng bà mới nhè nhẹ gật đầu. Đến khoảng tám giờ sáng, bà lại thiếp vào giấc ngủ dài. Con cháu trong nhà không ai bảo ai đều quanh quẩn bên phòng ngoài, trừ hai ba người thường xuyên thay nhau túc trực bên bà…

Khoảng bảy giờ tối bà Sáu lại thức giấc. Lần này bà chủ động đòi uống sâm, uống hết cả chén con, như có vẻ đang rất khát, thần sắc bà hồng hào hẳn lên. Bà bảo Bảo Vân vực bà ngồi dậy một chút cho đỡ mỏi…

Thấy bà ngồi dậy được, con cháu trong nhà đều ùa đến. Ông bà Hai Phong, ông Năm Thịnh, ông Lê Hải lúc này đang có mặt trong phòng vội vã mở các cửa sổ cho thoáng và bật thêm đèn. Gian phòng tràn ngập ánh sáng.

Lâu lắm không ngồi, lại nhìn thấy cháu con đông đủ thế này, bà Sáu vui lắm. Lúc đầu bà còn giơ tay che bớt ánh sáng vì hơi chói, một lúc sau bỏ tay xuống, mắt nhìn về mọi phía. Bà ngó nhìn khắp lượt, cười với mọi người.

– Pha cho nội tách sữa để có sức nhìn rõ mọi người nào. Đông vui quá…

Cả nhà không ai dám tin vào tai mình.

Bà Ngân chạy đi pha sữa ngay, thử lại rất cẩn thận rồi mới bưng tách sữa đến cho mẹ chồng. Bảo Vân một tay để nội tựa lưng, một tay đỡ tách sữa cho nội uống. Lúc đầu bà uống từng ngụm nhỏ, rồi bà uống hết được cả tách sữa.

– Lâu không ăn được. Giờ uống tách sữa ngon quá…

Niềm vui mừng rạng rỡ trên mọi khuôn mặt con cháu. Bà Ngân định pha thêm tách nữa, bà giơ tay chặn lại:

– Đủ rồi. Các con không muốn má bội thực chứ?

Tiếng cười trong nước mắt lại đầy ắp căn phòng.

– Ai như cún bông kia nhỉ? – bà Sáu hỏi, mắt ngước nhìn về phía cún bông đang trong tay mẹ Kim ở tít góc phòng.

Vợ chồng Tín – Kim đặt con xuống đất. Tín bẻ lại cái cổ áo con cho ngay ngắn rồi giục con chạy đến chào bà Sáu. Ông Võ Sang giơ hai tay rẽ đường cho cháu ngoại mình, mọi người giãn ra cho cún bông lon ton chạy đi.

– Thưa mẹ của bà, con đây ạ. Con chào mẹ ạ. – cún bông được ông ngoại đặt vào lòng bà Sáu.

– Ôi cún bông của mẹ ngoan quá… – hai tay bà Sáu ôm lấy cún bông, xoa đầu nó, hết vuốt ve má nó lại ôm nó vào người…

Lòng yêu trẻ, hay là trẻ chuyền thêm sức sống cho bà Sáu? Ai cũng nghĩ rằng bà Sáu hình như chỉ ngủ một giấc dài, nay thức dậy…

– Bà của cún bông đâu?

– Bà của cún bông đi chợ mua xịt cá cho cún bông ăng ạ… – thằng bé ngọng líu ngọng lô.

Bà Sáu bắt đầu nói chuyện với cả nhà. Bà dặn mọi người đừng gọi Đức và hai chắt khác về, chúng nó đang mùa thi… Bà bảo: “Má vẫn khoẻ, thi xong chúng nó vẫn kịp về thăm má được…”.

– Vũ và Quân đâu, ra đây nội bảo.

Đang giữa câu chuyện, cả nhà vô cùng hồi hộp, không biết bà định làm gì. Vũ và Quân khoanh tay bước ra đứng trước bà.

– Thưa nội, nội bảo gì chúng con ạ? – Vũ thưa.

– Hai con hạ bức hoạ ảnh ông nội con ở phòng khách lớn xuống. Dỡ khung ra, phía sau bức hoạ có một gói mỏng, đem lại đây cho nội.

Cả nhà ngơ ngác vì quá ngạc nhiên, không ai dám phỏng đoán điều gì, cũng không ai dám theo Vũ và Quân bước ra phòng ngoài. Cả căn nhà im phắc.

Tác giả: