Dòng Đời – Nguyễn Trung

Càng nghĩ, ông càng tìm mọi cách đi đường vòng, tránh cho xa nữa cái nhà in liên doanh Tự Lực…

…Cái công thức vô địch của mình ngày xưa là gì nhỉ? Bây giờ cần đến thì quên bố nó mất rồi!

Cuối cùng ông tìm được lối thoát, nhờ ôm mấy chồng báo trong thư viện Thành phố…

Nhưng đến cái đoạn phải ca ngợi Chín Tạ ông thấy khó quá. Tự dưng đề cao một ông cán bộ phụ trách tổ chức vào trong khuôn khổ cái bài báo rặt về chuyện kinh doanh này thì chẳng khác gì làm cái việc râu ông nọ cắm cằm bà kia. Có lúc ông Tiến đã phải rủa lên thành lời trong căn hộ tạm của mình ở Văn Thánh:

– Cha tiên sư con họ Bạch, đời cụ đời kỵ nhà mày ăn cái đéo gì mà mày đành hanh thế!

Nhưng rồi thủ thuật nhà nghề lâu năm của ông cũng ra tay giúp ông: Ca ngợi sự quan tâm của Đảng bộ Thành phố đối với phát triển kinh tế, đánh giá cao sự hậu thuẫn quan trọng của họ dành cho các doanh nghiệp, điểm tên một vài nhân vật làm ví dụ – trong đó có Chín Tạ, nêu một số sự kiện kinh tế tiêu biểu của Thành phố để minh hoạ cho những ý này…

Bạch Liên xem xong bài báo, gật gật, lại trở về giọng nói nhí nhảnh, thân mật:

– Chú vẫn tỏ ra có tay nghề. Xin thành thật cảm ơn chú.

– Tôi lấy công chuộc tội.

– Chú yên tâm đi, không có công và tội nào ở đây cả. Đã nói xí xoá là xí xoá.

– Cô nghĩ thế thì tôi mừng lắm. Thực ra tôi chỉ nghĩ tốt…

– Bài báo chú viết hay thật đấy, cháu không xã giao đâu. Đề cao vai trò đảng bộ trong Trung tâm, đề cao các vị lãnh đạo Thành phố có lý có lẽ chứ không gượng gạo. Công tác công đoàn và các công tác xã hội khác của Trung tâm chú viết sống động lắm, nhất là chỗ chú viết về phát huy dân chủ cơ sở… Tuyệt lắm! Kết thúc bài báo chú còn nhấn mạnh phải đổi mới tư duy! Phải phát huy tự do tư tưởng! Không gì hoàn hảo bằng những lời kết hào hùng như thế! Rất hoàn hảo chú ạ…

– Cô quá ưu ái tôi thôi!

– Khen thực lòng đấy chú ạ… Chú quên một chi tiết nhỏ là trong Trung tâm cũng có một chi đoàn.., nhưng thôi, không sao.

– Đối với tôi, tất cả những gì thuộc về đường lối chính sách đã nằm ngay trong máu. Không thế không thành chuyên nghiệp được. Cô không hiểu đấy thôi…

– Không hiểu cái gì hả chú?

– Tôi đã nói là những chuyện này đã thành công thức cứ như là trong toán học ấy, và đã ngấm vào máu tôi… Cô chưa hiểu mức độ thấm nhuần này… – Ông Tiến muốn huênh hoang tí chút để lấy lại sĩõ diện.

– Nghĩa là chú thuộc bài đến mức nói không cần nghĩ?

– Đã bảo là vào máu rồi mà…

– Ôi, nếu thế thì phải nói chú thuộc bài còn hơn cả một cái máy ghi âm, hơn cả một cái lưỡi gỗ..!

…Tổ cha mày, thà chửi cha tao lên còn hơn là mày khen tao như thế!.. – Ông Tiến chửi thầm trong bụng như vậy, nhưng cái lưỡi ông Tiến lại nói:

– Trăm hay không bằng tay quen mà…

– Bài báo này có thể làm cho Trung tâm năm nay lại được vào diện bình chọn lá cờ đầu đấy chú ạ. Chỉ có một chi tiết nhỏ.

– Ấy chết, có chỗ nào tôi viết sai không? – Ông Tiến như bị điện giật.

– Chú ca ngợi Bạch Liên hơi lộ liễu, nêu lại chuyện đảng viên tiên tiến và chiến sĩ thi đua cũ rích làm gì.

– Tôi lại cho là chỗ này viết hãy còn quá khiêm tốn.

– Chú thấy có nên xem lại ý định chia tay với Trung tâm không?

– Cô vẫn muốn dùng tôi? – Mắt ông Tiến ngời lên long lanh, song ông vội cúi gập xuống vì bắt gặp luồng mắt của Bạch Liên.

– Vâng, nâng cao thanh thế chính trị của Trung tâm xét ra không ai bằng chú. – Bạch Liên vỗ vỗ lên vai ông Tiến, thân thiết.

Ông Tiến tần ngần, muốn ở lại lắm, hai bàn tay ông tự nhiên nắm lại, rồi lại mở ra, ngón nọ vân vê ngón kia, rồi lại nắm lại… Nhưng khi nhìn thấy thân hình Bạch Liên hấp dẫn quá, ông lại lo…

– Thế nào, quên mọi chuyện đi, chú đồng ý ở lại chứ. Chú có tài thật đấy, cháu không khách sáo đâu. – Bạch Liên giục, cái giọng bà chủ ra lệnh không còn nữa…

Ông Tiến đắn đo. …Mình thì thần kinh phân lập, nó thì hừng hực thế kia, ở lại đây nhỡ ra sẽ có ngày mình bóp cổ đè nó ra mất! Không hiếp dâm thì cũng án mạng!.. Phạm trọng tội như chơi! Không được! Dứt khoát là không được!.. Thà chết còn hơn! Ông cả quyết, nhưng hai cánh tay tự nhiên cứ thõng xuống như vô hồn. Ông đành nắm chặt hai bàn tay lại trong khi nói, trong lòng chỉ sợ cái đầu mình định nói một đằng, mà cái lưỡi của mình tự nó lái đi đằng khác thì bỏ mẹ… Ông nắm tay chặt hơn nữa, cả quyết:

– Không được. Dứt khoát không được!.. Không nên. …Ý tôi muốn nói là không nên lạm dụng lòng tốt của cô!

– Chú đừng bi kịch hóa một chuyện vặt như thế.

– Tôi quyết rồi. – Bàn tay ông Tiến đã mở ra nhưng lại nắm chặt ngay lại.

– Chú định làm lại cuộc đời chắc? Có đến nỗi như thế không? – Mắt Bạch Liên tròn xoe.

– Tôi đã làm xong cam kết.

– Nếu..???

– Tôi đi được rồi chứ? – Ông Tiến ngắt lời Bạch Liên, vì rất lo mình ngã lòng.

– Chú quyết thế?

– Vâng!

– Xin tuỳ chú. Bây giờ chú là người tự do. Chú sẽ đi đâu?

– Tôi trở ra Hà Nội, ngay chiều nay.

Bạch Liên thở dài với vẻ mặt ái ngại, đứng dậy mở tủ két, lấy cái gì đó cho vào phong bì rồi đưa cho ông Tiến:

– Đây là quà của Trung tâm. Xin biếu chú.

– Tôi không thể…

– Thôi, chú đừng khách sáo. Mọi việc phải sòng phẳng. Chúc chú đi đường mạnh khoẻ. Khi nào chú cảm thấy hứng thú, xin mời chú đến thăm Trung tâm, hoặc lại đến làm việc tiếp ở đây cũng được. Cánh cửa ở đây luôn luôn rộng mở…

Bạch Liên chủ động bắt tay ông Tiến, lại còn thân mật ôm lấy ông Tiến khá lâu, thân thiết vỗ vỗ vào lưng ông mấy cái rồi mới bắt tay, sau đó tiễn ông ra tận cổng trụ sở, chiếc taxi cho ông đã được gọi sẵn, vé máy bay cũng đã được Trung tâm điện thoại ra đặt trước…

Ngồi trong xe ông Tiến vẫn còn cảm thấy rạo rực bởi cái ôm đượm mùi âm ấm thơm thơm của Bạch Liên vương đọng trên người mình, kéo theo sự thèm khát khôn cưỡng lại được… Nếu cái khoảnh khắc này kéo dài thêm chút nữa thì thật là chết người! Không biết chuyện gì sẽ xảy ra!.. Đã thần kinh phân lập thì ai mà biết trước được điều gì…

Ông Tiến tặc lưỡi rồi tự an ủi, thốt lên thành lời:

– Ít nhất sự rèn luyện suốt đời đã diệt gọn được một lần cái ác đã bắt đầu nho nhoe trong mình!..

– Ôi chú vừa tiêu diệt được một vụ gì đấy ạ? Sao hồi này lắm vụ thế hả chú? – Người lái xe tắc-xi nghe không rõ lắm, ngoái hẳn cổ lại hỏi ông Tiến.

Ngồi trên máy bay trở ra Hà Nội, ông Tiến độc thoại với mình trong đầu:

…Ta đã đến chỗ phải tới mất rồi à?.. Cái đích phải tới hoá ra là thế à? Không còn gì nữa mà nghi ngờ, ta đã tới thật rồi!.. Từ nay ta không phải đau khổ về ta nữa… Không còn một cơn quẫn nào có thể hành hạ ta nữa! Có phải ta đã đánh đổi tất cả, vứt bỏ tất cả, để thoát khỏi cái trạng thái thần kinh phân lập khốn nạn này không? Ta đã giành được những gì và cuối cùng còn lại gì?..

Ta bắt buộc phải tính sổ! …Nhưng mà… ta cả gan đến thế cơ à? Xưa nay nhất cử nhất động ta đều theo khuôn phép, đều gắn ta vào đích.., bây giờ ta làm sao mà dám táo tợn đến mức tính sổ?..

Có lẽ… Phải rồi.., chính cái tát… Cái tát đã bạt ta văng tới cái đích cuối cùng ta phải đến. Ôi, dù sao vẫn phải cảm ơn con yêu tinh Bạch Liên! Từ nay… Đúng thế, từ nay ta được giải thoát… Ta được tự do! Thằng người ta theo đuổi trong ta đã chết thật rồi. Ôi thế là bây giờ ta còn lại là ta! …Ta có thể tìm lại ta được không? Hỏi trời à? Hỏi đất à? Biết hỏi ai bây giờ?.. Bảo cho ta biết đi, có thể làm lại cuộc đời được không? …Lê Hải và Nghĩa đã chẳng từng phát hiện ra con người đích thực trong ta là gì? Ta đâu có ngờ khi châm lửa đốt mấy quyển sách.., thực ra chỉ là đốt mấy lời giới thiệu đầy tâm huyết.., đấy cũng là lúc ta cho quỷ ác mượn bàn tay ta để hỏa thiêu con người đích thực của chính ta!.. Ôi bây giờ làm lại cuộc đời có được không? Làm sao con mụ Bạch Liên cứ như là đi guốc trong bụng mình? Như thế càng rõ là trong ta cũng vẫn còn một thằng người đích thực đấy chứ! Con người bị chính ta hủy hoại này có thể sống lại được không? Từ nay ta có thể tha hồ đi lại trên cõi đời thênh thang này cơ mà!.. Hay là quá muộn rồi? Sao ta cứ phải sống mãi với sự giằng xé trong ta thế này!.. Ôi giá mà ngay từ hồi ấy ta trung thành với những gì ta đã từng viết ra được về Lê Hải và Nghĩa! Giá mà đừng đốt mấy quyển sách ấy.., nghĩa là cứ trung thành với chính mình… Làm lại cuộc đời bây giờ còn kịp không?

…Sao đến tận hôm nay ta mới ngộ ra là cái ta mất còn đau đớn hơn ngàn vạn lần cuộc đời thất bại của ta?! Cái gì đã làm ta u mê thế này hả trời ơi?! Bà Hà ơi, giá như tôi biết không bỏ ngoài tai những lời nói của bà! Tôi ăn năn… Tôi xin lỗi bà…

Tối hôm đó ông Tiến trở về đến ngôi nhà được phân phối ở Hà Nội. Lưỡng lự mãi, đến nửa đêm ông mới dứt khoát cầm điện thoại lên gọi cho Thắng:

– Hãy coi ta như không có mặt trên đời này nữa!

– Bố đang ở đâu đấy?

– Ta đang ở trong nhà của ta, ngoài Hà Nội. Từ nay hãy để cho ta yên cuộc sống của ta!

– Không được!.. Bố vào trong này đi!

– Thà chết còn hơn!..

Ông Tiến cúp máy.

Tác giả: