Dòng Đời – Nguyễn Trung

Hai xe tăng đầu tiên của giặc đi thẳng vào hoả điểm của Nghĩa. Khi chúng lao qua chiến hào cuối cùng, B40 của ta mới đội đất đứng lên phát hoả. Cả hai xe tăng đứng khựng và bốc thành hai đám lửa lớn. Đội hình bộ binh giặc rối loạn, đại liên của ta bắt đầu hoạt động. Giặc lùi lại, nhường chỗ cho trọng pháo dập tới, rồi lại tiến lên. Giữa những khoảnh khắc chỉ được tính bằng giây phút khi giặc tạm lùi lại, hoả điểm của Nghĩa phải rút xuống địa đạo, nhanh chóng di chuyển sang vị trí khác để tránh pháo giặc nện xuống. Một cuộc chạy thi để cướp lấy cái sống… Cứ thế, từng đợt, từng đợt các đơn vị phục kích của Nghĩa lại xông lên giáp lá cà với giặc… Cánh quân của trung đoàn trưởng đánh vào ngang sườn đội hình địch bắt đầu giành lại thế chủ động, chia lửa cho hoả điểm của Nghĩa.

Vật lộn nhau chán chê đến trưa ngày thứ ba, giặc để cho B52 một lần nữa ném bom đào xới đất cát cả khu rừng rồi mới chịu bỏ cuộc. Các chiến sĩ bới địa đạo ngoi lên mặt đất…

Sáng ngày thứ tư, trong lúc Nghĩa đang họp ban chỉ huy tiểu đoàn của mình để rút kinh nghiệm trận đánh và điểm lại lực lượng còn mất thế nào, thì thiếu úy đại đội trưởng đại đội 3 dắt một chiến sĩ trẻ măng đến gặp Nghĩa:

– Báo cáo tiểu đoàn trưởng, đây là binh nhất Nguyễn Đăng Bảo, phạm tội đào ngũ, bị chúng tôi bắt về. Đề nghị xử nghiêm theo quân luật!

– Em không đào ngũ! Báo cáo, em chỉ bỏ trốn thôi ạ!

– Bỏ trốn là đào ngũ! Thế mà còn cãi! – giọng đại đội trưởng gay gắt.

– Không, oan cho em quá! Nhất định không phải em đào ngũ!

– Không được cãi. Nghiêm! – đại đội trưởng quát to.

Người chiến sĩ trẻ đứng nghiêm, không dám nói năng gì nữa. Đại đội trưởng báo cáo với Nghĩa việc đơn vị mình đã bắt được Bảo như thế nào ở trong rừng trong lúc đi tìm kiếm thi thể những chiến sỹ đã hy sinh.

Đại đội trưởng vừa dứt lời, Bảo lại kêu ầm lên:

– Không, oan cho em quá các anh ơi! Em không đào ngũ!

Nghĩa không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, liền nói với đại đội trưởng:

– Tôi đang bận họp. Anh để Bảo ở lại đây. Đưa cậu ta xuống hầm kia kìa. Dặn cậu ta chờ tôi ở đấy. – tay Nghĩa chỉ vào một cái hầm phụ của ban chỉ huy tiểu đoàn, rồi quay vào họp tiếp.

Gần hai giờ đồng hồ sau, làm xong báo cáo gửi lên trung đoàn, Nghĩa đi lại chỗ Bảo. Thoạt nhìn thấy Nghĩa, Bảo đã vọt ra khỏi hầm, hai tay ôm chặt lấy cánh tay Nghĩa:

– Oan cho em quá! Anh cứu em với, em không đào ngũ!.

– Cậu mấy ngày vắng mặt ở đơn vị rồi?

– Báo cáo, không kể hôm nay ba ngày ạ.

– Nghĩa là ngay lúc giặc bắt đầu đánh? – Nghĩa rất ngạc nhiên.

– Báo cáo, không ạ. Hết loạt bom đầu tiên, đến loạt bom thứ hai em vẫn ở vị trí của mình ạ. Đến loạt bom thứ ba em cũng không chạy, em run lắm những vẫn cố cắn răng xem lại tiểu liên của mình, kiểm tra lại các băng đạn… Nhưng bỗng nhiên có một anh người trần như nhộng, trên lưng là một mảng lửa to tướng vì na-pam, vừa chạy vừa hét, đến chỗ em thì anh ấy ngã lăn ra không chạy được nữa! Cứ vừa quằn quại vừa kêu rống lên! Trời ơi em hãi quá liền bỏ chạy. Được vài chục bước em rơi xuống một cái hố mối to ạ. Thế là em ngồi thụp xuống đấy.

– Suốt cả 3 ngày?

– Vâng. Nhưng em không đào ngũ! Em chỉ quá sợ thôi ạ.

– Nếu tôi không tin thì sao?

– Báo cáo, nếu em định đào ngũ thì từ chiều hôm qua em có thể chạy ra khỏi khu rừng này được một hai chục cây số rồi ạ!

– Sao cậu không chạy?

– Đã bảo em không đào ngũ mà! Nói đến thế mà không hiểu! Em chỉ quá sợ thôi!

– Thế sao chiều hôm qua không về điểm danh?

– Báo cáo.., em xấu hổ quá!

– Có ai biết cậu rơi xuống tổ mối đâu mà xấu hổ?

– Nhưng em thì em biết chứ!

Suýt nữa thì Nghĩa bật cười. Nghĩa động viên Bảo tả lại hết nỗi sợ và sự xấu hổ của mình, hỏi thêm về gia cảnh của Bảo. Thì ra anh ta là nhà con một, được bố mẹ chiều như chiều vong, lẽ ra được miễn nhưng vẫn tình nguyện đi bộ đội, vừa mới từ Thái Bình vào. Bảo đã dự một vài trận, nhưng đây là lần đầu tiên Bảo giáp mặt với cái chết thảm khốc như vậy. Ngồi nghe, Nghĩa tái tê, trong lòng gần như thốt lên: Chẳng ai quen được với cái chết!

Nghĩa lấy mảnh giấy ghi mấy chữ đưa cho Bảo:

– Đưa cho đại đội trưởng. Tự phê bình trong tiểu đội đi, không có chuyện bỏ trốn lần thứ hai đâu nhé!

Bảo ôm chầm lấy Nghĩa:

– Em cảm ơn thủ trưởng! Nhất định không có lần thứ hai đâu ạ!

– Bảo ơi, mình yêu cậu lắm! Cố lên nhé! – Nghĩa ôm xiết mãi rồi mới rời người chiến sĩ trẻ.

Trận ấy đơn vị Nghĩa thương vong nhiều. Tiểu đoàn của Nghĩa có 3 trung đội bị xoá sổ hoàn toàn vì không thực hiện được kế hoạch tác chiến bám sát thắt lưng giặc. Suýt nữa cả bộ chỉ huy của đơn vị Nghĩa bị tóm. Sau này nhớ lại, Nghĩa thấy trận chạm trán với giặc trong chiến dịch Lê Lợi năm 1970 cũng tại vùng này không vất vả bằng, có lẽ nhờ kinh nghiệm đánh bại chiến dịch Mini Junction City. Chiến dịch Lê Lợi của giặc quy mô hơn nhiều, nằm trong ý đồ chiến lược giành lại thế chủ động trên toàn chiến trường miền Trung.

Hình như chiến tranh chỉ rèn luyện thêm những phẩm chất vốn có của Nghĩa. Từ con người này và chung quanh anh bao giờ cũng là bầu không khí nhẹ nhàng, là hoà bình – vốn cha mẹ sinh ra tính nói năng nhỏ nhẹ, không hề to tiếng với ai, lúc nào cũng sẵn sàng một ý kiến bình tĩnh, một lời phân tích có đầu có đuôi, đôi khi là một sự nhường nhịn, một lời khuyên giải. Trong những lúc xảy ra việc gay cấn, kể cả những lúc tranh luận căng thẳng đến cực điểm giữa cái sống và cái chết trước trận đánh. Nghĩa luôn giữ được sự điềm đạm trời phú cho. Tuy là nhà binh, con người này hầu như không biết vội vàng. Trong phong cách bẩm sinh ấy, ý kiến của anh đôi khi chứa đựng những ý tưởng quyết liệt, có lúc làm cho các đồng chí của mình trong ban chỉ huy ngỡ ngàng.

– … Dứt khoát không xuất đầu lộ diện. Chỉ phối hợp với lực lượng cơ sở, mở đường đưa một tiểu đội đặc công đánh thẳng vào bộ chỉ huy chúng nó. Còn lại cả tiểu đoàn chủ lực chỉ ém sẵn chung quanh. Nếu chúng rối loạn, không kịp gọi phi pháo chi viện, thì xông lên san phẳng luôn, rút ngay. Nếu đặc công không đạt mục đích, ta lại chờ. Phải có gan giấu quân cho kỹ và chịu để giặc đấm lưng…

Một lần khác:

– … Địch càn đi quét lại vùng Gio Linh – Cửa Việt dữ quá, cơ sở mất trắng mấy năm liền không có cách gì gây dựng lại được. Hỗ trợ theo kiểu đánh tỉa không ăn thua. Dồn lực đánh cấp tập từ Khe Sanh, tiến sang tấn công chớp nhoáng vào Đông Hà, sau rút nhanh về đất Lào. Đánh cho địch phải co rúm lại mới giữ được cơ sở… –

Trong cả hai cuộc tranh luận gay gắt này, ý kiến của Nghĩa được chấp nhận.

Hơn một năm sau, không ngờ trận đánh bại chiến dịch Mini Junction City được coi như một khảo nghiệm đầu tiên của chiến dịch hạ thành Quảng Trị.

Phạm Trung Nghĩa là như vậy. Tuổi tác thời gian áp đặt cho mọi người chỉ làm cho ông chậm rãi hơn, ôn tồn hơn.

Từ ngày về Học viện Nghiên cứu quân sự, người ta thấy Phạm Trung Nghĩa có thói quen mặc quân phục. Đi làm mặc quân phục. Đi họp khu phố mặc quân phục. Đi đưa ma, dự đám cưới, thăm họ hàng… – mùa đông thì bộ quân phục dạ, mùa hè thì bộ quân phục vải, là ủi phẳng phiu, đầu tóc chải nghiêm túc. Lúc nào cũng giày da đen lau chùi sạch sẽ. Trời mưa thì ông đi ủng cao su. Tất cả toát lên một vẻ khoan thai, chỉnh tề. Người cao cao, dáng ông đi hơi khập khiễng do phải mang chân giả. Chân phải ông bị cưa bên dưới đầu gối. Xa xa, dù là nhìn từ phía sau lưng, vẫn có thể dễ dàng nhận ra ông.

Sau hoà bình lập lại, từ ngày có điều lệnh quân nhân phải ăn mặc chính quy lúc làm nhiệm vụ, ông có cái tật thường hay quên đeo quân hàm và nhiều lần bị phê bình về việc này. Ông phân trần: thích quân phục vì nó tiện lợi, nhưng không thích đeo quân hàm vì mỗi lần rời cơ quan, về đến nhà lại mất thời giờ tháo tháo gỡ gỡ, muốn đi làm một việc gì, hay có lúc tạt ra chợ, hoặc giả đi thăm ai đó – nhất là khi ngồi hàn huyên với đám bạn bè cũ, thấy nó bất tiện, rất bất tiện. Nể ông là thương binh 2/4, mọi người bỏ qua chuyện này.

– Chào anh Nghĩa. Về rất đúng hẹn. Hôm nay có việc gì mà đòi gặp tôi sớm thế. Ngồi xuống đây, làm điếu thuốc đã… – thiếu tướng Lê Hải – quyền giám đốc Học viện Nghiên cứu quân sự vừa đưa thuốc lá ra mời, vừa rời bàn làm việc kéo Nghĩa ra chỗ sa-lông.

Thiếu tướng tự tay pha trà. Khách chưa kịp trả lời, thiếu tướng đã nói tiếp:

– Trong những ngày anh đi vắng, tôi đã đọc xong “Báo cáo tổng kết chiến dịch Quảng Trị” của anh. Được lắm.

– Tôi có may mắn là tham gia chiến dịch này từ đầu cho đến khi kết thúc.

– Nhân chứng sống có khác. Công trình nghiên cứu này có phương pháp khoa học, phân tích khách quan, có sức thuyết phục. Có một điều nằm ngoài nội dung của công trình nghiên cứu này…

– Điều gì thế ạ?

– Anh đã làm được việc tổng kết với đúng nghĩa của nó. Cụ thể là không để khoe thành tích, không minh hoạ những quan điểm cho sẵn, mà là để tiếp tục tìm đường tiến lên phía trước.

– Có lẽ chỉ vì tôi có điều kiện kiểm nghiệm bằng người thực việc thực. Nói thấp chỗ này một chút là đánh giá thấp cơ hội, quá tự tô vẽ mình. Nói quá chỗ kia một chút là trong tương lai sẽ phải trả giá thêm nhiều sinh mạng, nhiều tổn thất.

– Đúng thế. Nói đơn giản, anh có tư cách làm công việc tổng kết.

Tác giả: