Dòng Đời – Nguyễn Trung

Hai cụ già đi tập thể dục buổi sáng, dừng chân trước dàn nước phun của cơ quan ông Chín. Hai cụ đều may-ô quần đùi, nện giầy vải, khăn mặt toòng teng ở cổ. Một cụ tấm tắc:

– Phong trào giữ Thành phố an toàn, trật tự, kỷ cương xanh, sạch, đẹp thế mà hay thật! Thành phố ta khang trang hẳn lên…

– Thiệt là chịu bác. Cả cái tên phong trào loằng ngoằng là thế mà bác thuộc được, nói trôi chảy không vấp!

Một hôm bà Chín thân chinh dắt thầy Bỉnh đến tận nơi trấn yểm rồng. Thầy xem xong, bèn bảo bà Chín về nhà thầy để làm lễ tạ.

Làm xong việc lễ tạ rất phức tạp đầy nến, hương và khói, thầy Bỉnh trở về ngồi xếp vòng tròn trên cái chiếu trải trước am thờ, bà Chín quỳ lom khom phía sau.

Thày Bỉnh phán:

– Xây được cả một thiên nhiên non nước trước mặt tiền trụ sở cơ quan như thế, có đến ba hay bốn con rồng thức giấc quẫy đuôi cùng một lúc cũng vô tư đi!

– Tạ ơn thầy ạ.

– Chịu khó lễ bái thì còn làm nên nghiệp vương.

– Xin thầy dạy cho… – Bà Chín vừa nói vừa rón rén đi lên phía am thờ trước mặt thầy Bỉnh, đặt vào cái đĩa Bát Tràng sâu sâu thêm một “ông Washington” nữa.

Thầy Bỉnh lại đung đưa cái đầu của mình trên cái thân hình béo ụ, tất cả dựng trên cái đít ngồi xếp vòng tròn. Thầy lễ ba lễ rồi một tay tung ba đồng chinh lên cái đĩa con con nông choẹt trước mặt, một tay bấm độn. Miệng thầy đọc một câu thần chú dài, nghe không biết nó là thứ tiếng gì. Không hiểu là thầy tung hay thày búng các đồng chinh, bàn tay siêu nghệ của thầy làm cho đồng nào cũng nhảy tưng tưng, chuyển sang quay tít, rồi nằm im, không một đồng nào phá rào nhảy xuống chiếu…

Thầy không thèm nhìn, mà sờ sờ ba đồng chinh xem sấp ngửa ra sao, ngẫm nghĩ một lúc:

– Quẻ này chưa được! –

Thầy Bỉnh đọc lại câu thần chú một lần nữa. Lần này thầy không bấm độn mà lại chắp hai tay vào nhau lễ lễ, hai mắt nhắm lại, rồi mới tung ba đồng tiền lên đĩa… Chờ cho tiếng ba đồng tiền nhảy tưng tưng trên đĩa nằm im hẳn, thầy Bỉnh hai tay dâng đĩa lên phía am thờ, cúi đầu lễ ba lần, hạ đĩa xuống, rồi mới mở mắt ra đọc:

– A ha, đã khấn được quẻ Thuần Phong, đi đâu được đấy, cầu gì được nấy…

– Thưa thầy thế là thế nào ạ? – Bà Chín mừng run lên.

Thầy Bỉnh giảng giải phải làm lễ giải các sao Thái Bạch, sao Kế Đô, sao Thất Sát.., dặn cách làm các lễ cầu tài, cầu lộc… ngay tại chùa La Hán ở quận 10… Ở đấy thày có ông sư quen, cứ nói là đệ tử của thầy Bỉnh gửi tới là mọi việc sẽ chu toàn… Thầy cẩn thận lấy giấy bút ghi chép tỉ mỉ từng việc cho bà Chín khỏi quên.

Bà Chín sướng lắm. Hai tay nâng nâng mảnh giấy, cúi đầu mấy lần tạ ơn.

– Còn một việc nữa, ý trời muốn thế. Quẻ Thuần Phong đã diễn giải như vậy.

– Việc gì nữa ạ?

– Sao Tuần, sao Triệt trong cung mệnh của ông nhà bị diệt, nên mệnh lớn mà họa cũng lớn.

– Thưa thầy con chưa chiểu ạ.

– Ông nhà phải đi làm lễ giải hạn có hình nhân thế mạng, liền đó phải làm lễ cầu tự, phải cầu tự con trai! Nếu không thì tuyệt tự!

– Tại sao thế ạ?

– Tuyệt tự trong sao Thái Bạch có nghĩa là phúc làm nên nghiệp đế vương sẽ bị tán. Lại thêm sao La Hầu chiếu mệnh năm ngoái chưa giải hết, tán nặng lắm, sẽ hạn lớn, khó thoát!

– Thầy làm con sợ quá… – Bà Chín run rẩy.

– Phúc rất lớn, nhưng họa trong phúc cũng lớn lắm, quẻ bảo thế.

– Xin thầy bảo ban cho…

– Nhất thiết phải làm lễ cầu tự sớm, phải kết hợp làm lễ cả giải hạn và giải sao để giữ lấy nghiệp đế vương.

Câu nói của thầy Bỉnh làm cho mảnh giấy trong tay bà Chín bay xuống đất. Bà cúi xuống nhặt vội lên, mắt ngước hỏi:

– Thưa thầy con làm lễ thay nhà con có được không ạ?

– Được, lễ không câu nệ. Nhưng cầu tự thì ông nhà phải tự làm lấy!

Bà Chín choáng váng, mảnh giấy rời khỏi tay, lại bay xuống đất một lần nữa, bà Chín lại phải cúi nhặt lên:

– Vâng con xin nghe lời thầy.

Trong vòng vài tuần, bà Chín làm xong đủ mọi lễ ở chùa La Hán, đúng từ A đến Z như đã ghi trong mảnh giấy của thầy Bỉnh. Bà cảm thấy mình hạnh phúc lắm, vì nhà mình sắp có phúc làm đến nghiệp đế vương. Niềm hạnh phúc lớn đến mức bà chấp nhận ông Chín phải đi cầu tự, coi đấy chỉ là chuyện nhỏ phải vượt qua… Còn hơn là…

Mà xưa nay cấm đoán có ăn thua gì với ông này!.. – bà nghĩ trong bụng như vậy, nên cũng không thấy gì lấn bấn cho lắm. Chỉ có điều lạ lạ, làm cho bà vừa thêm lo, vừa băn khoăn. Bà không sao biết được người lễ bái từ đâu đến, họ đông lắm, nối đuôi nhau hết ngày này sang đêm khác ở cái chùa con con đông như hũ nút này. Trong một số buổi bà thấy có cả mấy ông tai to mặt lớn đến làm lễ gì gì đó, bà nghĩ chắc cũng giải hạn, giải sao, giải tội, cầu phúc như bà thôi. Có lần bà bị chặn lại, chờ cho vị nào đó lễ xong bà mới được bước vào chùa trong. Có những người bà gặp là các đồng nghiệp thân quen của ông Chín hẳn hoi. Nhưng ở đây chẳng ai bảo ai, dù quen biết đến mấy cũng cứ coi nhau như là không quen biết, lại càng không gọi tên nhau ra trước mặt đám đông lễ bái này làm gì. Đôi ba lần bà Chín cũng phải chịu cái cảnh chân không có chỗ mà chen, người này đứng lễ lưng người kia…

Thời bao cấp ngày xưa cái chùa này gần như vô danh, ở trong một cái hẻm cũng vô danh. Tại sao chùa này mang tên là chùa La Hán? Đó là tên gọi chính thức, hay là tên gọi thuận miệng của những người đi lễ, vì chùa cổ nào mà không thờ các vị La Hán?.. Chẳng thấy có lời giải thích nào cả, mà khách đến lễ bái cũng không thấy ai quan tâm hỏi cho ra ngọn ngành. Nhưng bây giờ chùa La Hán nổi tiếng cả một vùng đất nước… Năm này qua năm khác người đi lễ gọi riết địa chỉ của chùa là hẻm chùa La Hán. Hầu như bất kể người lái xe ôm, đạp xích lô hay lái tắc-xi nào của Thành phố đều biết cái hẻm này ở đâu…

Bây giờ việc lễ bái nườm nượp, thế nhưng cứ hở hở kín kín lén lút thế nào ấy, người này chỉ sợ người kia biết mình đi lễ. Trong khi đó các xe ô-tô biển trắng biển xanh đủ loại của các vị đi lễ có hôm đỗ kẹt cứng suốt con đường 8-3 kề bên…

Có một lần bà Chín đứng làm lễ cạnh một bà dáng dấp không biết là con buôn hay nông dân giàu có, xiêm áo lòe loẹt. Bà Chín nghe rõ mồn một bà này đang đứng khấn lạy trời xin trời có mắt, cầu cho trời chu đất diệt Dương Đình Tạ tức Chín Tạ, ba đời năm đời chết sấp chết ngửa không có đất chôn vì cái tội kéo bè kéo cánh kỷ luật chồng bả, làm chồng bả mất chức… Bà Chín phải lùi lại, đứng dựa vào cột chùa một lúc…

…Trời ơi, thế là thế nào! Mà thầy Bỉnh bảo chùa nay thiêng lắm, cầu gì được nấy!

Đã mấy lần bà Chín toan đi cầu cứu thày Bỉnh. Nghĩ đi nghĩ lại thấy không ổn. Bà quyết định coi như không nghe, không biết chuyện này. Mình đã làm lễ giải sao giải hạn rồi!..

Xong xuôi mọi việc, một hôm bà Chín say sưa kể lể lại cho chồng nghe mọi chuyện, cứ như thể là vừa mới thắng được một phi vụ tột hảo, trừ cái chuyện không muốn nghe, không muốn biết.

Bà gút lại với chồng:

– Ông thấy chưa, tất cả mọi chuyện tôi làm là vì ông! Bây giờ ông tha hồ vô tư theo đuổi con đường công danh của mình. Thầy còn nói chịu khó lễ bái thì có thể làm nên nghiệp đế vương đấy.

– Vậy hả? – Chín Tạ ngắm nghía cái thân hình con mắm của vợ với cái nhìn nhiều ý nghĩa từ đầu đến chân rồi mới nói – …Ngày nào tôi chẳng đi qua dãy núi yểm rồng ấy. Thế còn cái việc cầu tự thì bà tính sao?

Bà Chín phải thở ra một cái thật dài rồi mới nói được với ông Chín:

– Số mệnh bắt thế thì phải thế, còn hỏi gì nữa?

– Bây giờ bà bảo thằng cha Bỉnh tìm sẵn địa điểm lo cho tôi cái sinh phần đi!

– Thế là thế nào? Đang khỏe như voi thế này?

– Vì thế mới cần cái sinh phần!

– ???

– Không đùa đâu!

– Ông tính toán cái gì trong đầu?

Trong phòng chỉ có hai vợ chồng, thế mà Chín ông ghé sát vào tai Chín bà thì thầm…

– Được, cầu tự như thế thì được! Chỗ ấy cũng đáng! – bà Chín gật gù.

– Bà thấy chưa? Thế là sẽ nên chị nên em nhé!

– Ông chỉ được cái…

Ông Chín không nói gì, chỉ đứng yên một chỗ, mắt cười cười đáp lại, hai ngón tay cái thọc vào sau cái thắt lưng da của mình, cả hai bàn tay vỗ vỗ vào bụng mình bạch bạch…

– Thế nào? – Bà Chín mắt nhìn chằm chằm vào hai bàn tay ông Chín đang vỗ vỗ trên bụng.

– Bà còn thắc mắc gì nữa? Bà đã đồng ý rồi cơ mà?

– Vừa mới kể xong, ông quên à? Tôi muốn hỏi ông hôm nào rảnh đến chùa La Hán trồng cây lưu niệm.

– Vậy hả?

– Đã chọn được chỗ tốt lắm. Phải cúng lễ xứng đáng mới được đấy, không tự dưng mà có đâu.

Vốn con người thực dụng, ông Chín nói không thèm nghĩ:

– Có nhất thiết phải làm cái việc tào lao ấy không?

– Thầy Bỉnh bảo ông là người trần mắt thịt quả không sai. Ông không đến mà xem, cả cái khuôn viên của chùa rộng là thế, mà bây giờ mọc kín cây lưu niệm, cứ như thể là vườn ươm cây của các vị chức sắc tứ phương, ghi danh ghi chức vụ đàng hoàng của từng cây. Trồng để cầu may cầu phúc mà…

– Tôi không rỗi hơi!

– Nho nhỏ cái miệng dùm. Trồng cây ở chùa mà sao ông nói hỗn thế, không sợ Ngài phạt hả?.. Nhưng mà…

– Còn cái gì nữa?

– Có điều thật đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu… Tại sao đi lễ gặp giáp mặt nhau một câu cũng không dám chào hỏi, thế mà trồng cây thì lại cứ trương cái tên cái chức của mình lên, trên các biển sơn như biển số nhà ấy!

– Sao không đi mà hỏi những người có tên trên các biển ấy?

– Chuyện trò với ông tức không chịu nổi. Ông có đi hay không thì bảo?

Tác giả: