Dòng Đời – Nguyễn Trung

Chờ Nghĩa đọc xong, người mặc thường phục thứ hai nói:

– Đồng chí đã đọc lệnh?

– Tôi đã đọc xong.

– Rất tiếc phải mời đồng chí đi cùng chúng tôi ngay.

– Có nghĩa là tôi bị bắt? – Nghĩa cố trấn tĩnh hỏi lại.

– Đồng chí nên hiểu là bị tạm giữ để điều tra, vì lý do an ninh.

– Đồng chí đã nghe rõ câu hỏi của tôi chưa? – Nghĩa hỏi lại.

– Rất rõ.

– Thế thì phải giải thích lý do chứ?

– Rất tiếc là chúng tôi chỉ có một mệnh lệnh là đưa đồng chí về chỗ tạm giữ.

Nghĩa đứng yên suy nghĩ hồi lâu.

– Tôi khuyên anh trước mắt hãy thi hành lệnh, đến chỗ tạm giữ chắc anh sẽ có dịp làm rõ mọi chuyện. – người thủ trưởng mới khuyên Nghĩa.

– Tôi có được phép tạt qua nhà lấy mấy thứ đồ dùng cá nhân không?

– Không cần, đồng chí ạ.

– Cho tôi gọi điện thoại cho vợ tôi được không?

– Mọi việc đồng chí cứ để chúng tôi lo, bây giờ xin mời đồng chí ra xe.

Vốn là quân nhân từng trải, Nghĩa rất hiểu quân lệnh và tình huống của mình lúc này. Nghĩa giữ được bình tĩnh, anh bắt tay chào người thủ trưởng mới rồi tập tễnh đi theo hai người thường phục, hai môi mím chặt.

…Hơn 3 giờ đồng hồ sau Nghĩa đến khu biệt giam. Ngồi nhìn đường đi, Nghĩa nhận ra ngay đây là nơi ráp ranh hai tỉnh 3 huyện nằm trong địa phận Thạch Thất. Năm nào trước khi đi B, Nghĩa đã hàng tuần lễ liền đeo quân trang tập đi bộ khắp vùng này. Nghĩa được ở một mình trong một túp nhà nhỏ, mái ngói, trên phủ lá cọ, có buồng vệ sinh riêng, tiện nghi sơ sài nhưng đầy đủ. Đang nhận nhà, một người thường phục thứ ba đến. Anh ta trạc tuổi như Nghĩa, cũng vóc người vạm vỡ, da bánh mật, khuôn mặt đầy đặn hiền hậu, nhưng trên đầu chưa điểm xuyết sợi tóc bạc nào.

– Đồng chí là đại tá Phạm Trung Nghĩa? – người này không bắt tay Nghĩa, nhưng hỏi Nghĩa với giọng từ tốn, hơi đượm vẻ lành lạnh.

– Vâng, tôi là Nghĩa.

– Hôm nay đồng chí nghỉ để tĩnh tâm. Sáng mai chúng ta bắt đầu làm việc. Yêu cầu đồng chí nghiêm chỉnh chấp hành nội quy rất đơn giản ở đây: Không ra khỏi nhà và không tiếp xúc bất kỳ ai ngoài tôi. Tạm gọi tôi là Thạch.

Nghĩa còn đang suy nghĩ điều gì, Thạch đã hỏi tiếp:

– Đồng chí nghe rõ những điều tôi nói không?

– Rõ.

– Đồng chí đồng ý chứ?

– Tôi đồng ý.

– Sáng mai chúng ta gặp nhau. Chào đồng chí. – Thạch chào, vẫn không bắt tay Nghĩa. Từ khi tới đến tới lúc về, Thạch vẫn giữ vẻ lành lạnh, nói không thừa một từ nào. Hai người thường phục dẫn độ Nghĩa cùng về theo.

Đường lên Thạch Thất nhiều chỗ rất xóc nên Nghĩa hơi mỏi. Lại không có việc gì làm, Nghĩa tháo chân giả ra rồi lò cò trong nhà. Lúc này Nghĩa mới có thời giờ quan sát ngôi nhà và chung quanh. Chỗ ở không tồi, các tiện nghi rất sơ sài, nhưng sạch sẽ. Trên cái giường bằng ván ghép có một bộ quần áo ngủ, chăn màn cá nhân. Tủ là một thùng gỗ có cánh, bên trong treo một bộ đồ bộ đội, quần áo lót. Trên bàn có một tệp giấy trắng và một cái bút bi. Trong phòng vệ sinh có khăn mặt, xà phòng, bàn chải đánh răng, một chậu rửa mặt và một phuy nước, góc trong là hố xí bệt, giấy vệ sinh là các mẩu báo cắt. Đúng, đây chỉ là chỗ tạm giữ, song điều này không hề giảm bớt mức gay gắt của không biết bao nhiêu câu hỏi Nghĩa tự đặt ra cho mình từ lúc ngồi lên xe đến đây, bắt đầu từ cái kiến nghị sống còn về vấn đề Campuchia cùng đi trình bày với Lê Hải cách đây ít hôm…

…Thạch vẫn còn gọi đầy đủ quân hàm của mình, chứ không gọi trống không, như thế là còn đang ở quá trình điều tra? Nghĩa là còn cơ hội làm rõ mọi chuyện?.. Câu hỏi này làm cho Nghĩa vững tâm đôi chút, nhưng ngay lập tức nó lại bị những câu hỏi khác dập vùi. Ngôi nhà đứng một mình trên một vạt chè rộng, xanh biếc. Cách xa độ hơn trăm thước là một chòi canh, có bộ đội đứng gác. Ngoài ra chung quanh không có gì khác. Theo thói quen gần như bản năng trong suốt cuộc đời chinh chiến, Nghĩa bước ra sân toan lò cò vòng quanh nhà để quan sát, nhưng nhớ ngay đến yêu cầu của Thạch, Nghĩa quay lại.

Nghĩa còn đang loay hoay với những câu hỏi khác, một chiến sĩ mang cơm đến, kèm theo một phích nước, lễ phép:

– Mời đồng chí xơi cơm. Theo nội quy, đề nghị đồng chí ăn xong để bát đĩa ra đầu hè, không rửa bát, nhà bếp sẽ làm việc này.

Đến quá nửa bữa cơm, Nghĩa ăn mà không biết mình đang ăn, vì có quá nhiều câu hỏi không trả lời được. Nghĩa hiểu tiếp tục tình trạng này thì nguy hiểm quá, cố lấy hết nghị lực tập trung mọi ý nghĩ vào ăn rồi phải đi ngủ. Cả chiều nay nữa cũng phải làm bằng được hai việc này, sức khoẻ và sự minh mẫn mới là thứ bây giờ mình cần… Nghĩa quyết định như vậy và cố không tự tra tấn mình bằng các câu hỏi và các câu trả lời tự mình đặt ra nữa. Loay hoay một lúc rồi Nghĩa cũng ngủ được. Sự khắc nghiệt của bao nhiêu năm chiến tranh cũng để lại cho Nghĩa một thói quen có ích. Trong chiến tranh, Nghĩa đã tập được một việc là bắt mình phải ngủ khi nào cần ngủ, mươi phút, nửa tiếng vào bất kỳ lúc nào điều kiện cho phép để lấy lại sức.

Sáng hôm sau, Thạch hỏi Nghĩa nhiều điều, nghe Nghĩa trả lời, hỏi đi hỏi lại một số điểm. Cuối cùng Thạch yêu cầu Nghĩa viết lại tất cả những gì đã nói, viết được mạch lạc thành từng vấn đề đã hỏi thì tốt, không có khả năng viết như vậy thì nhớ gì viết nấy cũng được, không câu nệ. Trước khi ăn cơm chiều, Nghĩa thực hiện xong yêu cầu của Thạch. Lòng dạ cồn cào như lửa đốt, Nghĩa lại nghĩ đến mẹ đang hấp hối ở nhà…

Sáng hôm sau nữa, Thạch lại đến rất đúng giờ như sáng hôm trước, cầm theo bản tự khai của Nghĩa, yêu cầu Nghĩa bổ sung, đưa thêm cho Nghĩa một số câu hỏi nữa.

Ngày thứ ba, ngày thứ tư và ngày thứ năm, đều một lịch làm việc như vậy. Tiếp theo đó là 3 ngày chất vấn liên tục. Trong quá trình chất vấn, Nghĩa được xem một số tài liệu có liên quan đến việc tạm giữ Nghĩa để Nghĩa lý giải, tự thanh minh hoặc tự biện hộ. Song càng về cuối, không khí giữa Thạch và Nghĩa càng cởi mở hơn, nhờ vậy đã đi đến những giải đáp chặt chẽ và thuyết phục.

Có nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi thoạt nghe Nghĩa đã thấy rùng mình vì tính chất cực kỳ nghiêm trọng của chúng. Khi được Thạch đưa cho đọc một số tài liệu có liên quan và yêu cầu trả lời, Nghĩa càng thấy rõ tính chất nghiêm trọng của những vấn đề, những câu hỏi ấy. Mất nhiều thời giờ nhất là những câu hỏi nghi vấn Nghĩa và Lê Hải có mối quan hệ gì với Quách Minh Châu, Lý Lam, Michael Fox, tại sao lại có tên Nghĩa và Lê Hải trong tài liệu dân vận của bọn Phục quốc, kế hoạch gây bạo loạn tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày n giờ g.., trong danh sách góp tiền cho bọn “báo đen” có tên gia đình ông Học, gia đình Lễ.., tài liệu Bàn về sự kiện đại tá quân đội Cộng hòa Phạm Trung Lễ được tướng Việt cộng Lê Hải mời cơm trước khi đi Mỹ nhập cư…

Trong nhiều buổi thẩm vấn, những câu hỏi liên quan đến công việc của Nghĩa ở Viện chỉ thoảng qua, có lúc bất chợt, có lúc gần như ngẫu nhiên, lúc gián tiếp… Nhưng Nghĩa vẫn đủ tỉnh táo cảm thấy những câu hỏi này có cái gì đó lạnh buốt, có cái gì đó rất hệ trọng, được ngụy trang rất tinh vi… Bằng cách này hay cách khác những câu hỏi như vậy còn tạo ra mối liên hệ với những câu hỏi hình như muốn truy tìm xem Nghĩa và Lê Hải có thể đã bàn bạc với Lễ những gì trước Lễ khi đi Mỹ… Nghĩa luôn luôn tự nhủ phải tự trung thực với chính mình, không được một giây phút nao núng để tránh tiền hậu bất nhất, tránh mắc bẫy… Có lần Nghĩa căn vặn với chính mình gần như trắng đêm về một số báo cáo lên cấp trên của Viện do Nghĩa và Lê Hải trực tiếp chuẩn bị. Những báo cáo này không thiếu gì những điểm ngược dòng, rồi đến cái kiến nghị có thể mất đầu như không hôm nào… Nhưng bút sa gà chết rồi, giấy trắng mực đen hẳn hoi, lời nói bay ra rồi… Nghĩa không ân hận về những công việc mình đã làm ở Viện, nhưng chẳng lẽ số phận dành cho những người làm tổng kết là như thế hay sao?.. Đôi lúc Nghĩa liên hệ đến thân phận bi thương của một vài sử quan ngày xưa…

Có một câu chuyện Thạch hỏi đi hỏi lại không biết bao nhiêu lần trong suốt những ngày thẩm vấn, lúc bất ngờ, lúc có sắp đặt như chỉ để dồn đến một câu trả lời tất định từ trước, lúc vu vơ không đâu vào đâu… Hình như toàn bộ câu chuyện này chỉ xoay quanh câu hỏi:

Ai là chủ xướng đề nghị giải pháp hòa bình giữa lúc chiến tranh đang ác liệt ở Campuchia?…

Nghĩa vặn lại Thạch nhiều lần:

– Truy người chủ xướng để làm gì?

– Xin lỗi, nhiệm vụ của đồng chí là trả lời, không được hỏi. – Thạch mặt lạnh tanh.

– Không rõ câu hỏi tôi không trả lời.

– Đồng chí phải trả lời.

– Nếu là để kết tội người chủ xướng thì tôi nhận mình là người chủ xướng!

– Trả lời có chữ nếu như thế là không đúng sự thật rồi!

– Không rõ câu hỏi thì tôi trả lời như vậy! Đó là quyền của tôi.

– Tôi chấp nhận câu trả lời, nhưng bỏ chữ nếu đi được không?

– Tôi không thay đổi câu trả lời đã nói ra!

– Đã nhận rồi nhưng tại sao lại phải có chữ nếu?

– Xin hỏi lại, truy người chủ xướng để làm gì?

– Tôi đã nói đồng chí không có quyền hỏi!

– Tôi xin nhắc lại: Nếu để kết tội, thì người chủ xướng là tôi.

– Đồng chí đã cân nhắc kỹ chưa?

– Rất kỹ.

– Đồng chí không thay đổi ý kiến của mình chứ?

– Không!

– Đồng chí có biết hệ quả câu trả lời đã nói ra của mình không?

– Tôi hoàn toàn ý thức được.

– Thế thì đồng chí rút chữ nếu lại đi!

– Không bao giờ!

-…

Tác giả: