Dòng Đời – Nguyễn Trung

… Ôi, có lẽ tất cả chỉ vì bao nhiêu năm trời xa cách!.. Lại sống dưới hai chế độ khác nhau!.. – ông Hai Phong nhiều lần tự than vãn với mình như thế và ôm nặng cho riêng mình nỗi bế tắc trong lòng…

Nhưng ông Ba Khang và ông Tư Cương lại bày tỏ sự thông cảm nào đó với ông, lúc này lúc khác cố giúp ông hiểu những điều ông chưa thể hiểu được về má Sáu, về các em trai mình…

Ông Ba Khang kể lại rành rọt lắm, bộc bạch rõ cả nỗi chua xót của lòng mình… Ông Hai Phong nhớ hết cả…

…Khi được Ba Khang và Bảy Dự báo cho biết hãng xe đò Cánh Nhạn của má Sáu sẽ bị cải tạo theo chính sách của nhà nước, má Sáu trở về phòng riêng của mình, đóng cửa suốt gần một ngày, không cho ai bén mảng tới… Đến giờ ăn, người giúp việc mời má Sáu sang phòng ăn, cũng bị má Sáu đuổi phắt đi. Ông Ba Khang sợ quá, chạy về nhà bảo vợ mình sang tìm cách hỏi thăm, an ủi má Sáu… Bà Ba Khang cũng bị má Sáu đuổi đi, một chuyện chưa hề xảy ra kể từ khi ông bà Ba Khang làm việc và thân quen với nhà này…

Không còn cách nào khác, vợ chồng ông Ba Khang và Bảy Dự ngồi chờ suốt buổi ngay trước cửa phòng má Sáu… Điều oái oăm và khổ tâm nhất cho Ba Khang và Bảy Dự là cả hai đều dựa vào gia đình bà Sáu Nhơn để hoạt động bí mật khi Sài Gòn chưa được giải phóng, cả hai lại đều là thành viên trong ban cải tạo xã hội chủ nghĩa của thành phố, cả hai quá biết gia đình bà Sáu là như thế nào… Nhưng đây là chính sách chung của cả nước, biết làm sao bây giờ…

Khi trời tối hẳn, mọi người thấy má Sáu mở cửa bước ra.

Dưới ánh đèn điện má Sáu trông phờ phạc như vừa phải trải qua một chuyến đi xa rất vất vả, nhưng vẫn giữ được dáng đi khoan thai… Má không nói không rằng, chỉ giơ tay ra hiệu mời mọi người vào phòng làm việc.

Khi mọi người ngồi vào bàn, má nói ngay:

– Ông Ba và cậu Bảy nói thế là tôi rõ cả rồi. Giải phóng muốn như vậy thì hãy để cho Giải phóng thử làm như vậy!.. Để rồi xem sao… Tôi giao mọi việc cho ông Ba. – má Sáu có thói quen gọi chính quyền mới là Giải phóng.

– ???…

– Mọi người vẫn chưa hiểu ý tôi? – má Sáu hỏi lại.

– Xin bà Sáu nói rõ ra… – ông Ba Khang thận trọng.

– Tôi nhắc lại, từ hôm nay trở đi ông Ba không còn là người làm thuê cho tôi nữa! Tôi giao cho ông Ba thay mặt tôi giúp Giải phóng thực hiện tốt cải tạo xã hội chủ nghĩa hãng xe đò của nhà này!.. Tôi đã dám đem tính mạng mẹ con bà cháu chúng tôi che chở cho cách mạng, cái hãng xe đò Cánh Nhạn này sá gì… Như thế rõ chưa? – má Sáu cố ý nói rành rọt, có phần nào đay nghiến mấy từ cải tạo xã hội chủ nghĩa.

– Dạ, rõ rồi ạ. – ông Ba Khang run run đáp lại, trong câu nói của ông hình như rơm rớm nước mắt.

– Nhưng – bà nói với Ba Khang và Bảy Dự – chắc chắn các con trai tôi thì khác đấy!

– …

Điều may mắn duy nhất là má Sáu không phải dự một buổi họp nào để học tập về chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ba Khang và Bảy Dự đã dốc hết sức can thiệp bằng được với Thành phố tránh cho má Sáu cực hình này, đến mức có lúc cả hai phải cùng lên tiếng: nếu yêu cầu này không được đáp ứng, cả hai sẽ xin ra khỏi Ban cải tạo, bị kỷ luật thế nào cũng sẵn sàng chịu…

Tuy nhiên, cũng có một sự cố xảy ra: Một hôm Hai Hân, vốn là công nhân xưởng in tham gia hoạt động bí mật, cũng là thành viên trong Ban cải tạo, cùng với hai người nữa đùng đùng kéo đến nhà má Sáu đòi khai báo tài sản… Má Sáu thẳng thừng:

– Các ông không có tư cách gì vào nhà chúng tôi, mời các ông về cho. Còn muốn nói chuyện cải tạo xã hội chủ nghĩa thì nhờ các ông mời giùm ông nào to nhất của Thành phố hay của cải tạo đến đây. Tôi không muốn nói chuyện với các ông!

– Bà không được hỗn láo với chính quyền cách mạng!

– Xin chào các ông. – dứt lời má Sáu bước vào nhà trong.

Nhưng cả ba không chịu về, còn nặng lời hăm dọa…

Má Sáu bỏ mặc họ ngồi một mình và sai người nhà đi tìm bằng được Ba Khang và Bảy Dự về…

… Rồi câu chuyện xảy ra khoảng ba năm sau còn gay cấn hơn…

Thời kỳ ấy ông Hai Phong vào lúc đang ốm nặng, thế mà cũng phải khẩn cấp thu xếp mọi việc thuốc men xin ra viện để vào Thành phố. Bà Ngân vợ ông phải đi cùng chồng, vì không dám để ông một mình đường trường mấy ngày liền. Mọi công việc ở Hà Nội ông bà Hai Phong phải giao hết lại cho các con mình là vợ chồng Vũ và vợ chồng Bảo Vân…

…Ông Hai Phong nghĩ bụng sống thì nhớ đời, chết mang theo, chứ không làm sao có thể quên được những buổi tranh luận lúc day dứt, lúc gay gắt mấy ngày liền giữa bốn anh em ông, có má Sáu cùng dự. Bà Ngân và ba người con dâu khác đều không được can dự vào câu chuyện…

Câu chuyện bấy giờ chỉ xoay quanh vấn đề đi hay ở của ba gia đình các em trai ông là Ba Tước, Tư Quang và Năm Thịnh… Thỉnh thoảng câu chuyện mới đụng đến vấn đề cải tạo, cũng chỉ là để làm rõ chuyện đi hay ở…

… Ông Hai Phong mấy ngày liền tìm mọi lý lẽ thuyết phục các em mình nên ở lại, nhưng vô ích. Ông càng giải thích, cả ba em ông càng bác bỏ quyết liệt hơn. Gay gắt nhất vẫn là Năm lửa – cả nhà gọi ông Năm Thịnh bằng cái tên nói lên đúng tư chất của ông này.

– Anh hãy nghĩ cho kỹ đi anh Hai! Em xin anh đấy… Nhà này có con đi làm cách mạng là chính anh đấy! Nhà này còn nuôi cách mạng mà vẫn bị đối xử như vậy… Thế còn những gia đình thường dân khác thì sao? Những gia đình trước đây đứng về phía chính quyền Sài Gòn thì sao?

– Chiến tranh mới kết thúc mà.. Rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đó… – ông Hai Phong đã cạn hết lý lẽ…

– Không phải là chuyện mới kết thúc! Mà là chuyện ăn cháo đá bát! Anh có hiểu không? – ông Năm Thịnh bốp chát lại ngay tức khắc.

– Không được nói xấu cách mạng! – Hai Phong vung tay, giận giữ.

– …

Có những lúc câu chuyện tắc nghẽn hàng giờ, vì ông Hai Phong không biết giải thích sao cho thủng, còn các em trai ông chán không buồn nói chuyện với ông nữa, xoay ra chụm lại bàn với nhau quyết tâm ra đi… Họ tính toán bây giờ còn đủ tiền làm việc này…

Mấy ngày liền má Sáu ngồi yên. Má chỉ lẳng lặng nghe các con mình bàn cãi, không hé răng nói một lời, nhưng đau khổ và sự căng thẳng lộ rõ trên nét mặt má…

Rồi sau khi lắng nghe các con cãi vã suy tính đến hết lẽ, má Sáu đứng dậy, tự tay đi rót nước cho các con mình, rồi chậm rãi nói:

– Các con uống nước đi – má Sáu cũng uống một ngụm.

Cả gian phòng vẫn im lặng, nhưng bây giờ là sự im lặng căng thẳng trong chờ đợi.

– Các con à… Lý lẽ bàn với nhau như thế là hết nước hết cái rồi đấy. Bây giờ các con nghe ý kiến của má… Hai Phong này, má nói với con trước, như thế là cầm chắc các em con không thể sống được ở đây, giữ các em con lại chẳng khác nào đem lửa dìm trong nước. Bà quay sang Năm Thịnh. Con không được hỗn với anh Hai, nghe chưa?

– Dạ, con xin má! Em xin lỗi anh Hai!.. – trong khi nói Năm Thịnh hai tay đưa ra trước mặt, chắp vào nhau, mặt gần như mếu.

– Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh, má hiểu lòng các con… Má đẻ các con rứt ruột ra, chiến tranh đã mấy chục năm rồi… Không có người mẹ nào lại còn muốn xa con cháu mình nữa… Má cũng vậy… Nhưng má rất hiểu các con khó có thể sống trong chế độ này… Không thể ở lại với má, – má Sáu nghẹn ngào, không nói tiếp được nữa…

Má cố đứng dậy, đi chung quanh bàn, nhìn kỹ từng người, ôm từng người vào ngực mình.., như thể lâu lắm má mới gặp lại các con mình.., cũng như thể má cảm thấy có lẽ sẽ sắp mất các con mình…

– Bây giờ đi hay ở, má cho phép các con tự quyết định!

Ông Hai Phong giật nảy người như sét đánh ngang tai… Ông định nói điều gì, nhưng chỉ ú ớ được mấy tiếng gì đó, hai mắt mở to nhìn mẹ mình…

– … Má cho phép, và má bắt các con phải tự quyết định! Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh, nghe rõ chưa? – Má Sáu gọi tên con mình.

– Chúng con rõ rồi ạ…

– Chúng con rõ rồi ạ…

– Các con phải tự quyết định, vì các con phải sống cuộc sống của mình để làm tròn trách nhiệm làm cha làm mẹ… Đi hay ở thế nào cũng được, nhưng phải bảo toàn tính mạng và phải lo cho tương lai đám trẻ!..

– Thưa má, chính vì thế…

Má Sáu không để cho Năm Thịnh nói hết câu:

– Trách nhiệm của các con đối với mười một đứa cháu của má đấy! Má giao tụi nó cho các con… Các con nghĩ kỹ đi… Má đã mất Út Thạnh, má đã mất bé Thơ rồi, má không muốn mất thêm ai nữa!.. Các con hiểu không?.. Các con phải tự quyết định!.. Trời đất ơi… các con phải tự quyết định!.. – má Sáu vừa nói vừa nấc lên.

– Trời ơi má! – ông Hai Phong kêu lên.

– Các con hãy cố hiểu lòng má!

Tất cả bốn anh em ông Hai Phong chạy lại ôm lấy mẹ, cùng nhau dìu mẹ mình về phòng nghỉ…

Ngay ngày hôm sau ông Hai Phong bảo vợ thu xếp cho mình trở ra Hà Nội, phần vì không chịu nổi gánh nặng tinh thần như vậy, phần vì bệnh hen lại lên cơn nặng, không thể xa bệnh viện mãi được… Nhưng trong thâm tâm ông Hai Phong hy vọng các em mình sẽ không dám bỏ mẹ ở lại một mình… Bước đường còn lại duy nhất, với hy vọng mong manh có thể níu kéo không cho các em mình đi di tản…

Những ngày tiếp theo, đại gia đình họ Huỳnh tại Sài Gòn cũng như ngoài Hà Nội cứ như là những ngày có đại tang trong nhà…

Tác giả: