Dòng Đời – Nguyễn Trung

Khi Yến bước xuống xe vào nhà, người đầu tiên chạy ra ôm chầm lấy Yến là Lựu.

Một luồng không khí mới, một niềm vui mới tràn ngập ngôi nhà ông bà Chính.

Yến hỏi Lựu rất nhiều về cuộc sống gia đình và rất mừng cho hạnh phúc của Bân và Lựu. Yến thực sự cảm thấy mình vừa trút được một điều áy náy lớn bao lâu nay phải mang nặng trong lòng.

…Thật ra để Bân thất vọng, không phải Yến vô tình. Yến rất quý Bân và thương cho mối tình tuyệt vọng của Bân. Nhưng Yến đã nghe theo một tiếng gọi khác trong trái tim mình và không thể làm gì khác là mong Bân hiểu cho Yến. Bây giờ thì Yến toại nguyện, cảm thấy mình hạnh phúc vì hạnh phúc của bạn.

Quên cả mệt nhọc sau chuyến bay dài, Yến cùng với Lựu và bà Chính bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho bữa cơm rất đông khách tiễn gia đình Bân tối nay. Đó còn là cách tốt nhất để họ chuyện trò với nhau trong thời giờ còn lại trước khi gia đình Bân lên Tây Bắc vào ngày mai. Lựu có dịp được nghe Yến kể các công việc của Yến đang làm. Lựu khâm phục và cảm thấy câu chuyện gợi ý cho mình nhiều điều sau này…

Bân lúc này vẫn chưa làm xong việc đi chào hỏi các nơi, có lẽ đến bữa ăn tối mới quay về kịp.

Quả nhiên, đến tối, khi các khách mời đã đông đủ, Bân mới về đến nhà. Chào hỏi mọi người xong, Bân tìm cách nán lại nói chuyện với Yến một lúc.

– Người dạy cho anh hiểu được em lại là cô giáo Lựu, và anh càng khâm phục em hơn!

– Anh có thể tự hào về cô giáo của mình, và hãy cố là một học trò ngoan của Lựu.

– Em nói đúng, anh đã tìm được hạnh phúc của mình.

– Cuối cùng thì chúng ta vẫn đứng vững trong cuộc sống này, có phải thế không anh Bân?

– Anh rất tự hào trong đời mình có những người bạn đường như Nam, như em… Em có biết anh bây giờ ước mong điều gì không?

– Em muốn tự anh nói ra.

– Anh ước mong cháu Trung sẽ biết trân trọng những giá trị anh phấn đấu đạt được.

– Nếu anh Nam cũng đang nói chuyện với chúng ta, chắc anh Nam cũng nói với anh như vậy về cháu Trung Nam…

Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng tíu tít, tiếng cười nói râm ran khắp nhà. Mang tiếng là cùng ở Hà Nội, song dịp tụ họp đông đủ như thế này không phải lúc nào cũng có được. Vợ chồng tướng về hưu Trần Thu, vợ chồng tướng về hưu Lê Hải, vợ chồng đại tá về hưu Phạm Trung Nghĩa, bố mẹ Yến, ông bà Chính cũng đã nghỉ hưu, một số bạn bè thân thiết khác của ông bà Chính…

– Có lẽ nên gọi cuộc họp mặt hôm này là liên hoan của thế giới về hưu chào mừng gia đình đại tá đương chức Nguyễn Bân. – Ông Trần Thu lên tiếng.

– Thế bác cho chúng cháu ra rìa ạ? – Yến hỏi lại.

– Chết, bác quên, nhưng cánh về hưu hôm nay chiếm đa số!

– Không phải thế ạ, đây là dịp để cháu được chào các bác và để các bác chính thức nhận cháu là cháu dâu của các bác ạ. – Lựu lễ phép tham gia câu chuyện.

Cánh trẻ phía chủ nhà, ngoài Yến ra có vợ chồng Mai, vợ chồng Loan. Nếu có cộng thêm cả thế giới trẻ con của họ vào nữa thì vẫn là thiểu số so với cánh già.

Đời sống kinh tế khấm khá hơn nhiều so với trước, nên bữa cơm sum họp vui vẻ với gia đình Bân có thể nói là thịnh soạn và đẹp, nhất là bà Chính, bà Nguyệt, bà Hậu đều là những bậc đầu bếp gia truyền có hạng. Nếu các cụ ngày xưa còn sống, chắc các bà sẽ được các cụ phong cho danh hiệu nấu bếp vào bậc “tôm cong bóc vỏ lão thành”! Các món ăn chẳng những được nấu ngon, mà còn được tỉa tót bày đặt trên bàn thật đẹp mắt.

Ông Chính trịnh trọng đứng dậy mở sâm banh:

– Trước khi chúng ta nâng cốc chào mừng gia đình cháu Bân, trước khi chúng ta nâng cốc chúc mừng nhau, xin cho phép tôi thay mặt mọi người dành lời đầu tiên để cảm ơn các bà nội tướng tuyệt vời của chúng ta. Cứ nhìn những gì chúng ta có được trên bàn tiệc hôm nay, tôi nghĩ yến tiệc trong cung đình ngày xưa chắc gì đã được nấu nướng cầu kỳ và được bầy đặt đẹp như thế này!

– Là các bà mẹ, chúng tôi chỉ muốn bày tỏ tình thương yêu của chúng tôi dành cho con cháu mình, nhất là hôm nay cô dâu Lựu ra mắt chúng ta. – Bà Chính đứng dậy nói thay cho các bà.

Ông bà Chính với tư cách là chủ nhà, mời tất cả mọi người nâng cốc trong khi Lựu rơm rớm nước mắt vì xúc động.

Có lẽ vì lâu lắm mới được gặp nhau, nhất là đối với Bân, nên câu chuyện trên bàn ăn gần như trọn vẹn dành cho sự thăm hỏi cuộc sống gia đình, công việc làm ăn sinh sống, sức khoẻ mọi người, chuyện học hành của các cháu. Có biết bao nhiêu chuyện để kể cho nhau nghe, ở Hà Nội, ở Thái Bình, trên Tây Bắc, trong trường học, trong xí nghiệp liên doanh của Yến…

Câu chuyện Yến kể làm nhiều người thích là đã giúp được hai cô gái chưa chồng lập ra hợp tác xã trồng nấm linh chi, tạo ra công ăn việc làm cho hơn 400 dân địa phương. Riêng đội quân của hai cô này đi thu mua mùn cưa đã gần một trăm người rải ra khắp 4 tỉnh lân cận để có đủ nguyên liệu làm môi sinh cho nấm. Hai cô gái này là hai chị em, mới học xong cấp 3, nhưng thông minh láu lỉnh dám “lừa” được cả chính quyền xã và huyện. Yến cho đấy là một mô hình kinh tế trang trại đội lốt hợp tác xã cho hợp thời trang. Chính quyền xã và huyện cũng cho phép hai cô này “lừa” mình để báo cáo được với trên là vẫn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Yến cử hẳn một chuyên gia vi sinh trong xí nghiệp liên doanh đến tư vấn cho hai cô gái việc trồng nấm, anh chàng này chưa vợ, may ra có thể sẽ có chuyện vui… Qua câu chuyện này hôm nay cả nhà mới biết Yến được tỉnh hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh X mời chủ trì chương trình của tỉnh xoá đói giảm nghèo và phòng chống dịch bệnh HIV/AIDS…

– Thế là cả dân, cả Đảng và chính quyền địa phương đó đều tìm cách lách? – Ông Chính hỏi vui.

– Đúng thế ạ. Trong trường hợp này là lách tích cực ạ. – Yến đáp lại. – Vừa rồi tỉnh con được mùa doanh nghiệp tư nhân nhờ có luật mới, có thêm hàng vạn việc làm mới. Nhưng chưa đầy một năm đã có một số doanh nghiệp xin rút xuống làm kinh tế gia đình, lý do là thuế môn bài đột ngột tăng cao…

Mọi người chưa hết mừng đã ngạc nhiên về chính sách không nhất quán, và càng ngạc nhiên lần đầu tiên thấy Yến coi X là tỉnh của mình!..

Nhưng khi mọi người ra bàn ngồi uống nước và ăn tráng miệng, câu chuyện chuyển hướng đến bất ngờ.

Khơi mào là nỗi băn khoăn của ông Trần Thu, ông hỏi Bân:

– Tình hình Thái Bình bây giờ đã ổn chưa cháu?

– Thưa bác tạm ổn rồi ạ. Bận ấy bố cháu cũng bị bắt lên huyện mất mấy hôm rồi lại được về. Ông cụ hiền, nhưng cục, ai lại cầm cán cuốc đánh bí thư đảng uỷ xã chảy cả máu đầu.

– Chết, sao lại đến nông nỗi ấy? – Ông Chính hỏi.

– Chuyện dài lắm bác ạ, mấy huyện khác trong tỉnh đại thể cũng cùng một nguyên nhân cả thôi. Tóm lại là dân thì tức cán bộ tham nhũng và hà hiếp dân quá xá. Còn cán bộ thì tranh ăn nên bới móc nhau, khích bên này đánh bên kia, cứ loạn cả lên. Tại xã cháu, dân làng phẫn nộ kéo nhau đi chất vấn ông bí thư đảng uỷ. Tính ngôi thứ họ hàng, ông bí thư phải gọi bố cháu bằng ông. Ông bí thư vừa thanh minh, vừa doạ dẫm. Bố cháu tức quá, túm cổ áo bí thư đảng uỷ lôi xềnh xệch ra tận con đường vừa mới xây, cả làng cùng đi theo. Tự tay bố cháu cuốc đường lên, được vài nhát đã thấy bên dưới toàn đất là đất. Dân làng làm dữ lắm, vì đường là do họ góp tiền lại xây. Thế nhưng ông bí thư không chịu nhận có chuyện tham nhũng, mà lại nạt nộ bố cháu là phạm tội phá hoại công trình công cộng và tài sản xã hội chủ nghĩa… Sẵn cuốc trong tay bố cháu phang cho mấy cái cán cuốc, dân làng cũng xúm lại đánh, ông bí thư phải chạy biệt cả tuần không dám bò về nhà.

– Dân Thái Bình cách mạng thế, nhưng đánh cán bộ cách mạng cũng dữ nhỉ! – Ông Trần Thu nhận xét.

– Nghe kể lại mà cháu hú vía. – Bân nói tiếp. – …May quá là không xảy ra án mạng! Đấy là chỉ mới nói đến chuyện làm đường, thực ra từ lâu đã tích tụ nhiều chuyện dơ dáy khác, vì vậy mới bùng nổ thành chuyện lớn theo kiểu tức nước vỡ bờ. Bên Quỳnh Thụ còn đến mức dân đốt nhà cán bộ, các chú các bác ạ.

– Cũng phải thế để cho tỉnh ra. – Vẫn ông Trần Thu.

– Câu chuyện ở xã cháu còn đau lòng ở chỗ đúng lúc mọi người đang to tiếng thì đến mục thời sự quốc tế, loa phóng thanh ở xã loan tin báo chí ta nói về những người dân Hàn Quốc quyên góp vàng, tiết kiệm chi tiêu đô-la, huỷ bỏ các việc đi nghỉ hè ở nước ngoài và làm nhiều việc nghĩa cử khác giúp chính phủ họ trợ cứu đồng tiền của nước họ (đồng Von) đang trong cơn khủng hoảng hoạn nạn. Bố cháu tức tối kể lại: Càng nghe cái loa, dân tình càng ức cho làng mình… Tình hình lủng củng mãi, cho đến khi phế truất hết cả dàn cán bộ trên dưới, trong tỉnh mới tạm yên. Những ông bà cán bộ này bán xới đi đâu rồi không ai biết…

– À thì ra cán bộ thì thay được, nhưng dân thì không thể thay! – Lê Hải buông một câu.

Vợ chồng ông Nghĩa về đến nhà đã gần bốn giờ sáng. Ông Nghĩa tự tay pha ấm chè, lúc này cũng thấy hơi đói, nên lấy thêm hộp bánh quy, bưng ra phòng khách. Bà Nguyệt đến ngồi bên, vừa rót nước cho chồng, vừa mở hộp bánh:

– Anh hồi hôm bị truy kích nhiều quá nên đói có phải không? Em định giữ anh ở lại ngồi chơi đến sáng rồi tiễn vợ chồng Bân luôn thể, nhưng nghĩ đi nghĩ lại nên dành quãng thời giờ ít ỏi này của gia đình Bân cho bên anh Chính, nhất là Yến chân ướt chân ráo vừa mới ở Genève về.

Tác giả: