Dòng Đời – Nguyễn Trung

… Rồi cũng sẽ đến lượt mình! Nghĩa chợt rùng mình. Khi người ta bắt đầu phải chia sẻ tâm tình với núi sông, với cỏ cây hoa lá…

Thấy bạn đứng im, Lê Hải không nói nữa. Quả là rất hiếm khi Lê Hải được ngắm nhìn Nghĩa trong tâm trạng như đang bị một điều gì đó cuốn hút. Hay mình đang gợi lại sự ưu tư của Nghĩa? Hay là chính Nghĩa cũng thương hại mình?

Ý nghĩ cuối cùng làm cho Lê Hải thấy nhói trong ngực. Đứng chờ bạn một lúc rồi ông mới nói tiếp:

– Anh Nghĩa đến thăm tôi chắc không phải vì quá say mê cái vườn nhỏ này!

– Đúng, cái vườn làm cho tôi suy nghĩ về anh, về tôi. – Nghĩa lúc này như người mới tỉnh ngủ. – Chị Hậu đâu anh?

– Nhà tôi hôm nay dạy buổi chiều, về đến nhà cũng phải hơn sáu giờ! Ta ngồi ngoài vườn nói chuyện đi.

– Nhất trí!

Hai người theo nhau vào trong nhà, một đi lấy chiếu, một đi bê ấm chén và cái phích nước. Một lát sau hai người lính già này đã có một nơi tri kỷ lý tưởng trên bậc tam cấp, trước cái vườn biết đồng cảm, biết nghe, biết nói… Lê Hải lắng nghe bạn một hồi rồi nói:

– Anh Nghĩa này, nói năng không đúng chỗ có khi đi tù thật đấy!

– Nhưng đây là hội nghị nghiên cứu và phát hiện vấn đề cơ mà. Tôi phát biểu theo đúng yêu cầu trong giấy mời!

– Thôi được, dù sao anh đã nêu những vấn đề đáng nêu.

– Theo anh, nên xử sự với Tiến như thế nào? – Nghĩa hỏi

– Biết người, biết mình thế là được rồi.

– Biết là thế nào?

Lê Hải suy nghĩ một lúc:

– Thấy được con tốt di chuyển trên bàn cờ, là biết được bàn tay điều khiển nó. Bây giờ không phải làm gì thêm nữa.

– Khi đã nghỉ hưu thì người ta cũng được phép nghỉ luôn cả đấu tranh chống lại quán tính của lịch sử, anh Hải nhỉ?

Lê Hải cười toáng lên, tay đấm thùm thụp lên vai Nghĩa:

– Chà cái anh chàng tai quái này! Biết ngay mà!

– Anh biết cái gì mới được chứ?

– Biết là anh sẽ ra đòn trượt! Hãy kiên nhẫn nghe một chút.

– Anh lại giở cái võ gì đây? – hai mắt Nghĩa mở to.

– Clausewitz(*) [(*) Karl von Clausewitz, Đức, 1780 – 1831, nhà lý luận quân sự nổi tiếng thế giới.] là ông thầy của chiến tranh tổng lực. Nhưng trong nghệ thuật quân sự ông này còn có một điểm rất gần với Tôn Tử(**)[(**) Tôn Tử (Tôn Vũ), Trung Quốc, 380 – 320 trước CN, nhà binh pháp đầy mưu lược nổi tiếng thời Xuân Thu chiến quốc.] : Có những trận đánh phải bỏ qua, có những trận phải tìm cách không đánh mà thắng, nhưng cả cuộc chiến tranh thì phải tìm cách đánh thắng.

– Anh đúng là vẫn chưa bỏ được nghề, nghĩa là tâm trạng anh còn bị giày vò nhiều lắm.

– Điều này thì tôi chịu anh. Biết về Tiến một cách có chứng cứ hẳn hoi như thế, tôi có thể quên hắn được rồi. Nhưng những Đoàn Danh Tiến khôn để cho cả đất nước phải chịu dại, thì… như anh đã nhận xét rồi đấy. Tôi vẫn chưa bỏ nghề được! Dù có ngồi ở cái xó vườn này cũng thế thôi…

– Tôi hôm nay gần như người ốm, anh Hải ạ. Đầu hội nghị thì người nóng ran đến phát sốt vì giận dữ, cuối hội nghị thì muốn buồn nôn trước thái độ bàng quan đến mức trâng tráo của Tiến, lúc nói chuyện với thủ trưởng mới thì ứ lên trong cổ cái cảm giác ghê tởm, vì thế mới bỏ giờ làm việc đến đây ngồi nói dóc với anh!

– Anh đừng nghĩ rằng tôi đang tìm cách ẩn núp trong cái vườn nhỏ này.

– Anh định học tập Cụ Hồ? Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao?

– Tôi không dám ví như thế. Anh đoán trúng đấy, tôi tự thú là không bỏ được nghề. Nghĩa là tôi không bỏ được tôi, có thế thôi.

Lê Hải đứng dậy đi đổ cái gạt tàn thuốc lá đã quá đầy, trong khi đó Nghĩa thay ấm chè mới. Lúc quay lại, Lê Hải nói tiếp:

– Cái khó lớn nhất đối với tôi lại chính là tôi, thế mới buồn cười chứ. Nó lại trở về câu chuyện cái biên giới mong manh của chúng ta năm nào.

– Anh Hải nhớ dai nhỉ.

– Lần này một bên là cách nghĩ mà tôi muốn học tập từ Clausewitz và Tôn Tử, một bên là sự đầu hàng có nguỵ trang. Nghĩa là nhiều lúc tôi rất sợ rằng mình đang nguỵ biện cho sự hèn nhát của mình!

– Ông tướng nào mà không có lúc, không một lần bại trận? Bại trận ở tiền tuyến, bại trận ở hậu phương! Có ông tướng còn bại trận ngay trong gia đình mình nữa…

– Trong trường hợp này có sự khác nhau đáng kể nào giữa bại trận và tử trận không?

– Không, nếu anh không bao giờ đầu hàng! – Nghĩa cả quyết.

– Rất chí lý đấy.

– Tôi thấy anh không đánh mất anh trong cuộc bại trận này.

– Anh phân tích đến cùng xem nào.

– Tôi tóm tắt lại thế này nhé. Phải nói rằng dự kiến chuyển Viện thành Học Viện chỉ là một cái cớ không hơn không kém! Đến bây giờ thấy Học viện chẳng mới khác gì với cái Viện khi anh ra đi, nó chỉ làm việc tồi hơn thôi!.. Việc thứ hai là anh đã đề nghị lên đề nghị xuống đối thoại về những điều phê phán anh để làm rõ mọi nhẽ. Họ một mực nói: Chuyện cũ rồi, đấy chỉ là lời phê phán, có thể đúng, có thể sai, có gì mà đáng đối thoại, nếu sai thì rút kinh nghiệm! Chấm hết! Chế độ hưu cho anh thì họ thực hiện đúng một trăm phần trăm! Nghĩa là kín võ một trăm phần trăm.

– Nghĩa là cờ đã vào thế chứ gì? Tôi không cựa vào đâu được!

– Đúng. Anh không dối lòng mình. Cái đá ngang này thiện nghệ hơn cái đá lên hoặc đá xuống nhiều lần! Viện trưởng mới cũng chỉ là một quân cờ trong ván cờ này thôi!

– Anh đi xa đến thế cơ à?

– Chị Hậu tinh lắm đấy, tôi nhớ mãi câu nói của chị trong bữa cơm tiễn anh chị đi nghỉ ở Cửa Lò. Ba việc nhập cục làm một…

– Biết thế mình cứ lẵng nhẵng mặc cả một chút có được không nhỉ? Kiếm một cái huân chương to hơn, lên thêm một bậc lương hưu, đòi cái nhà mới to hơn, tội gì. Khối người cho mình là kẻ khờ dại.

– Được, tôi mượn cách xem bói của Đoàn Danh Tiến để dự báo kết quả.

– Tiến đã bói cái gì?

– Tiến đã bói tôi là sẽ mất cả chì lẫn chài nếu xin nghỉ hưu. Anh nhớ chứ?

– Nhớ.

– Bây giờ tôi cũng bói anh sẽ mất cả chì lẫn chài nếu anh mặc cả.

– Tại sao?

– Vì thế cờ đã bày sẵn rồi.

– Giả thử trước đó tôi tự nguyện xin nghỉ hưu như anh thì sao?

– Anh thật giàu trí tưởng tượng quá. Anh có làm gì đi nữa thì câu chuyện vẫn chẳng thay đổi đáng kể, may ra thêm vài đồng bạc nữa trong sổ hưu.

– Phải nói là thêm một bậc lương nữa trong sổ hưu chứ.

– Vâng, tôi hơi thô lỗ…

– Nói thế thì hết nhẽ đấy. Hỏi thực lòng nhé, anh có cho tôi là kẻ hèn nhát không, anh Nghĩa? Là lính với nhau, nói thực đi!

Nghĩa thấy lòng mình se lại: “Hiển nhiên Lê Hải dù có là sắt thép hay gỗ đá vẫn không thể tránh nổi tâm trạng này. Ôi con người vẫn là con người!”.

Cả hai đều ngồi yên. Lê Hải uống xong chén nước, mãi một lúc sau mới nói tiếp:

– Tôi thấy kìm nén lòng mình khó quá. Nhưng tôi đã cắn răng lại, không lu loa, dù chỉ một lời, cũng không xuýt xoa cả với Hậu…

13.

Khách sạn Ông già Tom bên cạnh Academy A. P. Giannini(*) [(*) Amadeo Peter Giannini 1870 – 1949, người sáng lập Bank of America và National Trust of Saving Association ], trường đào tạo nhân viên tài chính cao cấp của tập đoàn First Bank of America (FBA), là nơi tổ chức buổi liên hoan tốt nghiệp năm 1985 của 196 học viên khoá học bốn năm đào tạo chuyên viên tài chính cho ngành bảo hiểm. Tín là người duy nhất được nhận giải thưởng A. P. Giannini của khoá này và là người đỗ đầu toàn khoá. Tín hoàn thành chương trình học trong phạm vi sáu học kỳ, tiết kiệm được một năm trợ cấp chi tiêu của bố mẹ. Vốn giỏi toán từ thời còn học trung học ở trong nước, lại được chuẩn bị kỹ về tiếng Anh, Tín cảm thấy học không vất vả lắm, dự định đi làm một vài năm rồi sẽ học tiếp. Tín chọn ngành này chủ yếu dựa theo lời khuyên của ông Học. Trường này ở gần New York và do ông Học chọn cho Tín.

Trong lễ trao bằng tốt nghiệp, Tín được vinh dự thay mặt toàn khoá đọc diễn văn cảm ơn các thầy, nhà trường và các bậc phụ huynh học sinh. Diễn văn có tiêu đề là “Đồng tiền và Mephistopheles”(*) [(*) Một trong 2 nhân vật chính trong tác phẩm Faust của đại văn hào Goethe.]. Các thầy và đồng môn ngạc nhiên về những ý tưởng của Tín vượt xa ra ngoài khuôn khổ coi đồng tiền chỉ là phương tiện tài chính đơn thuần – dù là đồng tiền thực hay đồng tiền ảo…

Tín lưu ý mọi người: Trong những môi trường và bối cảnh kinh tế – chính trị – xã hội nhất định, tiền sẽ có sự vận động tự thân của nó, mang trong nó những tín hiệu… – đấy là những thông tin không được xử lý hay không xử lý được, những năng lượng hầu như vô định và vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của con người và xã hội.., thách đố mọi thể chế mà con người có thể nghĩ ra được. Trong những cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ lớn đã xảy ra, người ta quan sát thấy đồng tiền ở vào môi trường và bối cảnh như thế, mọi cố gắng kiểm soát nó dù có thông minh như Mephistopheles đầy mưu ma chước quỷ cũng sẽ chẳng khác gì những trò chơi của những người ít trí tuệ! Nếu chịu chơi, thì khó biết trước cái giá phải trả sẽ như thế nào. Nếu chịu khuất phục, cái giá phải trả có thể sẽ còn lớn hơn! Có thể coi hiện tượng này là một big bang, được phát sinh từ những tác động qua lại của những tín hiệu trong đồng tiền. Thiết nghĩ mổ xẻ hiện tượng này là nguồn cảm hứng cho việc tìm ra những kết luận mới bổ ích.

Diễn văn gây tiếng vang lớn trong giới học thuật về tài chính tiền tệ.

Buổi liên hoan thật ồn ào, vì các học sinh được sống trong bầu không khí xả láng sau những năm học tập vất vả, nhất là sau kỳ thi tốt nghiệp khá nghiệt ngã. Lẽ đơn giản là các công ty tài chính dễ chấp nhận người xin việc làm có bằng của trường này. Song tối nay, “Đồng tiền và Mephisthopheles” vẫn là chủ đề trong nhiều câu chuyện.

Tác giả: