Dòng Đời – Nguyễn Trung

Trước mặt bác sĩ, ông khai không sót một thứ gì về thể trạng của ông, bác sĩ rất thoả mãn. Nhưng ông Tiến lại giấu tiệt cái tâm trạng không tả được của hoàn cảnh ông. Thậm chí ông cố nói năng cho mạch lạc, thỉnh thoảng nói một câu vui tế nhị, hoặc có một cái cười đúng lúc, đúng ngữ cảnh… Trong thâm tâm ông tự biện hộ cho mình:

…Nếu có bệnh, thì để bác sĩ phải tự tìm ra bệnh! Như thế mới đúng là bệnh! Không được làm nhiễu khả năng chẩn đoán của bác sĩ!..

– Trong công tác, hay trong đời sống kinh tế bác có gì khó khăn không?

– Không. Phải nói ngược lại mới đúng.

– Có điều gì làm bác u uất, hay có lúc nào bác thấy mình kém minh mẫn không? Hay trí nhớ suy giảm chẳng hạn?

– Tôi tiếp chuyện bác sĩ như thế này, bác sĩ cũng có thể xét đoán được rồi còn gì nữa.

– Đúng, bác rất minh mẫn, vẫn lạc quan yêu đời. Phải nói thể trạng của bác rất tốt. Bác đến đây đích thực vì nỗi lo gì ạ?

– …

– Bác chưa tiện nói thì để lúc khác trả lời cũng được. Xin hỏi tiếp: Bác sinh hoạt với bác gái có bình thường không?

– Bà nhà tôi sang Đức sống với các cháu từ nhiều năm nay rồi!

– A há! Hiểu. – Dứt lời, bác sĩ cầm cái búa cao su gõ gõ vào hai đầu gối của ông Tiến. Hai chân ông Tiến giật tưng tưng. – Tốt lắm! Rất tốt là khác!.. – Bác sĩ nhận xét.

– Vâng, chân đánh ten-nít mà.

Bất thình lình bác sĩ gõ nhẹ cái búa vào cái của quý của ông Tiến, nhưng mắt bác sĩ lại nhìn chằm chằm vào mặt ông. Một lúc sau bác sĩ nói:

– Sắc mặt bác ửng hồng nhanh thế này chứng tỏ khí huyết bác tốt lắm! Bác không có bệnh gì cả ngoài cái bệnh thiếu phụ nữ! Chữa như thế nào thì bác tự lo, vì bệnh này thuộc phạm vi bên ngoài bệnh viện…

Ông Tiến đỏ mặt thật sự. Lúc chia tay bác sĩ, mặt ông vẫn còn đỏ.

Sau lần khám bệnh hôm ấy, ông Tiến tự lên giây cót cho mình, để đi mò gái. Nhưng cái tính cảnh giác, cái tính ép xác và nhiều đức tính khác cần phải giữ lấy trong thời kỳ hướng vào cái đích cao xa… do lâu ngày quá bây giờ biến thành bẩm tính mất rồi. Theo dòng thời gian, cái bẩm tính tự mình ép xác tạo ra ấy đã làm méo mó con người tự nhiên của ông không biết từ bao giờ. Ông đau đớn thú nhận trong lòng:

– …Chết thật, thèm đàn bà là thế mà bây giờ cái mồm không nói nổi được mấy câu tán tỉnh! Thần kinh phân lập đến thế là cùng thôi! Chết mẹ mình rồi!..

Đã có lần ông đã phải tự thú với Thắng, con trai ông, là ông không có duyên nói chuyện với đàn bà… Loanh quanh luẩn quẩn với mấy bà nạ dòng đánh ten-nít thì chán lắm, khô không khốc và là đực cả với nhau mất rồi. Với mấy đứa ô-sin ông thấy phiền nhiễu quá, từng xảy ra hô hoán, may mà hàng xóm không biết. Đến bây giờ ông vẫn còn sợ hú vía. Đã thế lại hay bị mất cắp vặt trong nhà!.. Đi tìm ca-ve thì ông dứt khoát không chơi. Ông không cần tự giải thích cho mình tại sao, mà chỉ tâm tâm niệm niệm: …Đã bảo không là không! Thà chết còn hơn!.

Một lần câu chuyện đã đi xa đến mức một đối tác ten-nít mới đã nhận lời mời của ông vào quán uống bia ngay bên cạnh sân bóng. So với bà Hà vợ ông, bà này còn trẻ chán! Ít nhất là đến một chục tuổi. Gọn ghẽ, chắc nịch, loại này hiếu chiến phải biết!.. Nghe đồn loáng thoáng trên sân là chồng bỏ hay bỏ chồng gì đó.

Mỗi người đã uống hết lon Heinecken của mình, nhặt sạch đĩa lạc rang chung nhau, các ngón tay nhặt lạc đã có lúc đụng vào nhau… Thế mà ông Tiến vẫn chưa nói được câu nào ra hồn. Cuối cùng bà ta đứng dậy, tranh trả tiền thay cho ông Tiến rồi bỏ đi…

Ông Tiến sững sờ ngồi lại một mình, trong đầu ông ong ong tiếng xỉa xói.

…Mả mẹ cái thằng Tiến! Mày viết hết trang này đến trang khác, quyển này đến quyển khác, thao thao bất tuyệt tại các hội nghị, các diễn đàn… Thế mà hôm nay mày là thằng câm trước mặt đàn bà…

…Đồ chết rấp! Mồi đến tận miệng không biết vơ lấy mà đớp thì còn sống làm gì!..

Cứ thế, ông nguyền rủa mình, ông tiếc của trời… nhiều lúc ông thốt lên, đến nỗi chính tai ông nghe thấy:

– …Cái bụng thì muốn lắm, cái mồm lại khăng khăng không chịu nói ra! Vô phương mất rồi!

…Dù sao ông Tiến vẫn thầm cảm ơn bác sĩ. Lời chẩn của bác sỹ đã làm cho cơn quẫn định kỳ tiếp theo của ông chậm lại thêm vài tuần. Đi lùng sục trên sân ten-nit không thành, ông xoay sang đi phố, đi chợ. Cái giấy nghỉ hưu đút trong ngăn kéo rồi, đang thời kỳ nghỉ chế độ, thời giờ tha hồ xông xênh… Ông quyết đi khám phá cái hay cái mới trong đời, tại các công viên, trên mặt đường phố, trong các chợ, các siêu thị…

Ông chợt nhận ra đàn bà con gái nước mình bây giờ sao nhiều người đẹp thế. Thân hình đẹp, khuôn mặt đẹp. Trang điểm, ăn mặc mỗi người mỗi vẻ, hình như thi nhau làm đẹp. Có những cái đẹp thật khêu gợi. Đời sống khá lên rồi có khác! Những người tạo mốt thời trang bây giờ sao mà giỏi thế!.. Ông chợt nhớ đến những lời bình phẩm của con gái ông về cái đẹp khi nó chưa cùng với chồng sang Đức. Nhờ thế ông biết nhận xét những cặp vú, những đôi mông, biết trầm trồ cái eo cong, cặp giò thon dài… Những tiếng cười nói nhí nhảnh thánh thót rơi vào tai ông, lúc của cô này, lúc của cô kia, của bao nhiêu tuýp nữ khác nhau đang đi đi lại lại trước mắt ông… Có người dừng lại khá lâu, như đang mặc cả mua thứ gì đó, ông Tiến tha hồ mà ngắm. Có cô lúc ở quầy hàng quay ra, lại đi tới sát chỗ ông Tiến đứng, nhìn ông từ đầu đến chân rồi mới bỏ đi. Ông Tiến chịu không rõ là cô này khó chịu vì cái nhìn của ông , hay là chính cô ấy muốn nhìn ông…

Ông Tiến lang thang, ông Tiến thưởng thức… Thế nhưng hễ bắt gặp một cái nhìn ướt át nào đó có vẻ khả nghi, có vẻ tấn công ông, cái bộ nhớ tự động được cài đặt sẵn trong bẩm tính của chuỗi đời ép xác tự động ra lệnh cho ông ngay tức khắc:

– Đã bảo không là không! Thà chết còn hơn!..

Thế là cái cổ ông Tiến lái cái đầu ông quay đi, rồi vặn luôn cả thân hình ông Tiến quay theo, cứ như là người rô-bốt. Ông Tiến tránh xa những quán lập lòe xanh đỏ, vượt ra khỏi được tầm ngắm của những cái nhìn ướt át đầy xanh xanh đỏ đỏ…

Thực tình đôi lúc ông Tiến không rõ đấy là những cái nhìn ướt át thật, hay chỉ là cảm nghĩ của ông truyền đạt lên bộ não cái tín hiệu làm bật ra cái mệnh lệnh đã được cài đặt sẵn ấy.

– … Đã bảo không là không! Thà chết còn hơn!

Cơn quẫn định kỳ chỉ nhất thời bị đẩy lui. Càng lang thang, cái thèm khát trong ông Tiến càng nung nấu. Cái tính hồ nghi của ông về chính bản thân ông ngấm ngầm đẩy ông vào cơn quẫn mới.

– …Càng thèm khát, cái mồm càng câm! Rõ ràng thần kinh phân lập bước vào giai đoạn quá nặng mất rồi!

Ông Tiến chuyển hướng, đi vào đám quen biết cũ của mình, nhất là những người đã về hưu.

…Biết đâu đấy, kinh nghiệm của họ trụ lại trong quãng đời về hưu có khi lại là bài thuốc hay nhất cho mình!

Đường đời về hưu dẫn dắt ông Tiến đi đến nhiều nơi, song ông cứng đầu cứng cổ dứt khoát không thèm đến thăm ông trưởng Ban.

…Mình chẳng còn gì để nói với cái lão thất hứa này!

Nhưng ông Tiến lại chiến thắng được sự ngập ngừng của mình một cách dễ dàng khi quyết định đến thăm đại tá về hưu Phạm Trung Nghĩa, kẻ thù số một nhưng không tuyên chiến của ông hồi ông còn đương chức.

…Học tập kẻ thù là một trong nhiều đòi hỏi của đức tính thực sự cầu thị!..

Ông Tiến nhớ là chính tay mình đã viết hay chép lại câu này trong một tài liệu tuyên huấn nào đó, lâu lắm rồi… Ông cảm thấy vững tâm.

Ông Tiến không ngạc nhiên về thái độ cởi mở của ông Nghĩa, vì ông đã quá hiểu con người này. Ông cảm thấy câu chuyện của ông Nghĩa dẫn dắt ông vào một cuộc sống khác mà lâu nay ông bỏ qua. Ông không ngờ về hưu rồi mà ông Nghĩa có nhiều chuyện để nói đến thế, ông bị những câu chuyện của ông Nghĩa cuốn hút…

Chuyện trò với Tiến rôm rả là thế, nhưng đôi lúc Nghĩa vẫn nhớ lại những ngày ở Thạch Thất. Nghĩa cố tự chủ để không buột miệng nhắc lại chuyện cũ. Thỉnh thoảng trong thâm tâm Nghĩa vẫn rít lên: …Nếu hồi ấy người thụ lý sự việc của mình không phải là Thạch thì số phận mình và gia đình mình sẽ ra sao đây… Kể từ cái ngày đi Thạch Thất đến giờ đã gần hai chục năm trôi qua, thế mà ngồi đối diện với Tiến bây giờ Nghĩa vẫn cảm thấy hơi lạnh của lưỡi gươm oan trái như vừa mới sượt qua mình… Nghĩa rất mừng là không thấy Tiến đả động gì đến chuyện này. Quên chăng? Cố lờ đi chăng? Hay là con người này trở thành chai sạn – nghĩa là vô cảm đối với những chuyện như thế này… Dù sao từ chỗ làm mọi việc đến mức vô tình hay cố ý lùa mình vào “biệt thự” Thạch Thất, rồi đến việc chủ động đến thăm mình hôm nay… hình như Tiến đã đi hết con đường Tiến đã lựa chọn? Nếu không làm gì có chuyện bỗng dưng đến thăm mình như thế này? Dù sao ông ta cũng đã đến thăm mình, như thế là quý hóa rồi…

Nghĩ thế, mà đến cuối câu chuyện, ông Nghĩa vẫn chưa hết ngạc nhiên vì được ông Tiến đến thăm. Khi chia tay, ông Nghĩa tâm sự với khách:

– Bây giờ cho tôi thú thực, tôi cứ tưởng trong trí nhớ của anh Tiến không có tên tôi!

– Ngược lại, anh là người đầu bảng trong trí nhớ của tôi.

– Bảng nào hả anh Tiến?

– Bảng phe đối lập!

– Thôi chết, anh Tiến bây giờ cũng tiêm nhiễm phải chủ nghĩa đa nguyên, có phải thế không?

– Anh thật vui tính. Trước đây tôi ghen tức anh, nhưng bây giờ tôi thực lòng ghen tị với anh.

– Vì nỗi gì hả anh Tiến?

– Anh bây giờ tha hồ làm những cái anh thích. Tôi không ngờ quãng đời về hưu của anh lại lý thú đến thế.

– Đúng vậy anh Tiến ạ. Anh đã nghe tôi kể rồi đấy. Bây giờ giả thử một ngày là 48 giờ thì đối với tôi cũng không thừa.

– Tôi chịu anh đấy. Anh đọc nhiều, biết nhiều và đi cũng nhiều.

– Nhờ sức khoẻ trời cho và lòng ham muốn hiểu biết, anh Tiến ạ.

Tác giả: