Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Học hành thế nào mà bôn ba khắp thế giới thế? – Bà Hậu hỏi Tịch.

– Cháu cày mãi mới được cái đại học tại chức về Luật, cái chính là để vặn vẹo lại với mấy ông chính quyền thôi và để chắc tay khi ký các hợp đồng thôi, mặc dù chuyện gì cháu cũng phải thuê luật sư…

– Như thế cũng đã là ông nghè rồi đấy chứ!.. – Bà Hậu nói vui.

– Nhưng thời buổi này không có ngoại ngữ là chết đứt ạ! Nghề của cháu chỉ có ba chữ thôi, là đi, nghĩ và thuê. Cái chết của cháu là làm việc với nước ngoài thì phải mượn mồm người khác. Mọi chuyện qua phiên dịch nhiều khi tức như bò đá! Trình độ tiếng Anh của cháu mới chỉ đỡ được suất vé máy bay mang phiên dịch từ trong nước ra thôi ạ. Nghĩa là đi đâu chăng nữa, dọc đường cháu tự xoay xở lấy được. Cháu tính mãi rồi, vào tuổi cháu bây giờ mất quá nhiều thời giờ cho ngoại ngữ thì lại là đầu tư sai!

– Tính toán chi li gớm nhỉ!

– Ông bà trẻ tính, làm chính khách thì không đến lượt cháu rồi, nên chỉ cần ba xí ba tú mấy câu đủ tra tìm trên mạng và đi đường thôi. Mà quỹ thời gian của cháu không còn nhiều nữa ông bà trẻ ạ. …Cháu muốn hỏi ông trẻ một điều cháu rất phân vân…

– Hỏi đi, có gì mà ấp úng?

– Vâng ạ. Tại nhà các đại gia trong Nam ngoài Bắc cháu được đến thăm, cháu thấy treo ảnh nhiều ông to chụp chung rất thân mật với chủ nhà… Suy ra các vị ấy thấy hết mọi chuyện làm ăn trong cả nước. Nhưng đi đến đâu các vị ấy cũng nói rặt những điều vô cùng chung.

– Cậu đoán thế nào?

– Cháu đang hỏi ý kiến ông trẻ ạ. Có điều cháu nói ngay, những bức ảnh như thế cũng là những cái bùa hộ mệnh rất tốt của những hộ này đối với chính quyền địa phương.

– Có lẽ các vị ấy chỉ đủ thời giờ đến thăm hỏi để làm công tác dân vận thôi! – BÀ Hậu trả lời thay cho chồng.

– Bà trẻ nói thế cháu không chịu. Nếu bảo các vị ấy có đến thăm mà không thấy gì thì hơi quá đáng. Cháu chỉ có thể luận ra là: Có thể thấy mà không hiểu – vì kinh tế có nhiều chuyện lắt léo lắm, có thể hiểu mà không biết nên làm gì, quyết gì – cái bệnh thiếu sáng tạo và không dám quyết này cũng là chuyện thế gian thường tình… Nhưng luận kiểu gì cháu thấy cũng đều không hay. Trong khi đó có tỷ tỷ những chuyện thiêu đốt ruột gan bọn doanh nhân chúng cháu, về tiêu thụ đầu ra, về việc làm..!

– Nếu vậy làm cách gì cho các vị ấy sáng ra?

– Nói đi cũng phải nói lại cho công bằng ông bà trẻ ạ. Thực tình quê cháu không chịu khó mời mấy ông to lui tới về thăm liên tục thì còn lâu khu công nghiệp của tỉnh mới ra đời được, trong đó cháu cũng có phần. Quy hoạch tổng thể tổng thiếc ăn nhằm gì! Tỉnh nào cũng có những chuyện đại loại như thế, con không khóc mẹ đời nào cho bú! Cái cơ chế xin – cho vì thế không thể xóa được và chẳng ai dại gì mà xóa. Nhưng đấy lại là chuyện khác…

– Cuộc đời phức tạp nhỉ?.. – Lê Hải bị Tịch lôi cuốn.

– Cháu lăn lộn nhiều, thấy nhiều, có nhiều ý kiến lắm, nhưng ngặt một nỗi mình là người lành hẳn hoi mà không có cái mồm để nói, ông bà trẻ ạ!

– Trời đất ơi! – Ông Lê Hải kêu lên rồi vỗ vai Tịch – …Cậu biết không, một lần tôi được nghe kể chuyện: …Trên chiến khu mấy năm đầu kháng chiến chống Pháp, trong một cuộc họp tranh luận sôi nổi về dân chủ, Bác Hồ đi ngang qua, dừng lại nghe, thấy nhiều lý lẽ sôi nổi cao xa lắm, đưa ra nhiều điều diệu vợi lắm. Bác cũng giơ tay xin phát biểu: Theo tôi, dân chủ đơn giản và trước hết là để cho người dân được nói! Ôi suy nghĩ của Bác Hồ sao mà đúng với điều cậu vừa kể ra thế!..

– Ông trẻ ạ…

– Cái gì thế?

– Ông đừng giận cháu nhé?

– Làm sao mà cứ ấp a ấp úng như ngậm hột thị thế?

Tịch còn đắn đo một lúc nữa rồi mới nói:

– …Ông ạ, câu chuyện là thế này, trong làm ăn đến Đức rồi đến Áo cháu nhận ra một điều, ở đấy dân được làm những gì luật pháp không cấm và dân cho nhà nước những quyền gì, còn ở ta…

Tịch bỏ lửng rồi tiếp:

– Ôi!.. Nếu ông trẻ thực sự yêu nước, ông chịu khó dành ít thời giờ đi chơi với bọn doanh nhân chúng cháu đi… Hội của cháu toàn những thằng ngon lành, bà trẻ có thể hoàn toàn yên tâm!.. – Tịch vừa nói vừa cười một cách hóm hỉnh. – …Ông chỉ cần a-lô một tiếng cháu tự tay đánh xe về rước ông đi ngay, không cho cậu lái xe này đi cùng, bất kể lúc nào… – Tịch vỗ vỗ vào vai người lái xe của mình ngồi cạnh.

Ông Lê Hải im lặng, đầu hơi lắc lư. Tịch quay lại thấy lạ là câu nói khích của mình hình như không tác dụng.

– Tịch đang hỏi gì anh đấy! Anh được tự do mà… – Bà Hậu khẽ hích vào tay chồng.

Ông Lê Hải vẫn để đầu óc của mình ở đâu đâu. Những điều mắt thấy tai nghe đang hớp hết mất hồn ông…

– Bà cháu cho phép rồi, ông nói đi chứ ạ! – Tịch giục.

– Ừ ừ… Nhưng mà đi góp vui hay góp chuyện? – Lê Hải vẫn chưa ra khỏi những suy nghĩ của mình.

– Thế nào cũng được ông trẻ ạ, ông thử đi một lần mà xem, không một chuyện trong nhà ngoài ngõ, trên trời dưới biển nào mà chúng cháu không rờ tới… Ông trẻ không tưởng tượng nổi đâu. Ngay những gì ông trẻ thấy hôm nay vẫn là chưa thấy được, hiểu được tất cả đâu ạ!.. – Chính giọng nói của Tịch lúc này cũng lắng hẳn xuống.

– Hiện nay trong đầu các cháu đang lo cái gì nhất? – Lê Hải hỏi theo những suy nghĩ của mình đang bị cuộc sống trước mặt lôi cuốn đi.

– Dạ.., mỗi người có nỗi lo riêng, không ai giống ai ạ.

– Thế cậu lo cái gì nhất?

– Cháu có một kẻ thù không đội trời chung, đó là sự quá tải!

– Kẻ thù trong không khí à? – Bà Hậu chưa rõ ý Tịch.

– Bà hỏi thế mà đúng nhất đấy ạ! Kẻ thù này đúng là ở ngay trong từng hơi thở của cháu. Quá tải trên phương diện nào cũng dẫn đến hỏng việc, thất bát, và tệ nhất là thất bại. Càng có gan, càng phải tỉnh táo với kẻ thù này ạ… Cháu không có tài nhất nghệ tinh nhất thân vinh như Vĩnh ceramic, võ của cháu là năng nhặt chặt bị, nên càng phải cảnh giác với quá tải ạ.

– Trong đầu có cái gì nữa mà nói là năng nhặt chặt bị?

– Thưa ông trẻ, sang năm là cháu có thêm sản phẩm ống nước, nhựa cao cấp, công nghệ Đức hẳn hoi. Cuối sang năm cháu sẽ có thêm cửa sổ Euro, chỉ dùng cho biệt thự hay nhà xịn thôi… Từ lâu cháu chuyển sang giai đoạn khác rồi ạ.

– Giai đoạn gì thế?

– Cháu chuyển sang giai đoạn chỉ làm sản phẩm xịn thôi, ông trẻ ạ

– Thế bỏ cái mộng Bôhêm à?

– Dạ không ạ. Tạm coi ý tưởng này là lương khô, khi nào có nguồn cung cấp ga ổn định cho Thái Bình cháu sẽ đem ra xài.

– Có nhiều loại lương khô nhỉ? – Bà Hậu hỏi vui.

– Bà trẻ ạ, lăn lộn khắp mọi xó xỉnh trên đời này kiếm được hàng chục ý tưởng như thế, nhưng chỉ một hay hai ý tưởng cho ra sản phẩm là phúc của cháu to bằng cái đình rồi! Càng có gan càng không được quá tải bà trẻ ạ… Trong cuộc sống đời thường lại càng phải như vậy ạ.

– Cái triết lý quá tải của cậu hấp dẫn mình đấy! – Lê Hải khen.

– Cháu đã nói ông bà trẻ nghe rồi ạ… Kéo dài làm ăn kiểu thế này trong cả nước là bóc ngắn cắn dài, là thi nhau chụp giựt… Người thì chụp giựt thành tích, kẻ thì chụp giựt của, nhiều kẻ thì chụp giựt cả thành tích lẫn của cải… Cái ngày quá tải đã được gieo trồng rồi đấy ạ!

– Cháu có quá lời không Tịch? – Lê Hải nghiêm sắc mặt hỏi lại.

– Ông trẻ không có gan nghe sự thật có phải không ạ? – Tịch cũng thấy chột dạ.

– Tôi đang hỏi anh cơ mà.

– Vâng, thế thì cháu xin nói hết. Dân gian họ nói trắng ra, cách sống chụp giựt như vậy là vơ hết về cho mình, bỏ mặc mẹ ngày mai cho hậu thế! Cháu xin lỗi ông bà trẻ, họ nói nguyên văn như thế đấy ạ!

– Ngôn ngữ bốp chát thế mà không ai nghe hả Tịch?

– Cháu chịu, không tài nào trả lời được ông trẻ ạ! Họ còn nói kéo dài kiểu làm ăn thế này sẽ là tích tụ mãi cái cảnh nhà nọ ị lên đầu nhà kia… Rồi lại còn lấy cái việc hốt những bãi ị bậy buộc lòng phải hốt đi để kể thành tích chống tiêu cực nữa chứ! Ăn đơn ăn kép!

Bà Hậu bật cười, song biết mình vô ý nên im bặt ngay.

– Ôi đúng là cuộc sống đang có những chuyện như vậy… – Ông Lê Hải vẫn chìm nghỉm trong những suy nghĩ của mình nên không để ý.

– Nhưng anh Tịch này, xưa nay chỉ thấy nói sống chụp giựt, có nghe thấy nói chụp giựt thành tích bao giờ đâu? Thế là tranh giành nhau thành tích à? – Bà Hậu hỏi thực lòng.

– Dạ không phải thế đâu ạ. Chụp giựt thành tích ở đây có nghĩa là giành mọi cơ hội làm bừa, làm ẩu, động cơ tư tưởng là gây thành tích tô vẽ cho bản thân mình là chính, còn hậu thế sau này sống chết mặc bay! Trên thì được tiếng, có khi là cả tiếng lẫn miếng, dưới thì được miếng… Võ mị dân và làm hàng giả này cao thủ lắm bà trẻ ạ… Giả nhưng mà thật! Trong thật lại có giả! Giả giả, thật thật, thật giả, giả thật… tinh vi tuyệt trần đời!.. Nhưng ông bà yên tâm, không qua mặt chúng cháu được đâu ạ!..

– Tài cán gì mà dám ăn nói thế? Có chủ quan không Tịch?

– Thưa ông trẻ, vì có thêm cái máu con buôn, chúng cháu có con mắt nhìn thật và giả ạ!

– Thế không còn là đảng viên nữa hả Tịch? – Lê Hải túm ngay lấy ý này.

– Ông trẻ ạ, cháu nghĩ là đảng viên lại càng phải học cách nhìn thật và giả!

– Nhưng là đảng viên mà ăn nói thế à?

Tác giả: