Dòng Đời – Nguyễn Trung

… Chúng con lạy Bác, Bác đã phù hộ chúng con trong trận ra quân cuối cùng!..

Ra đến cổng cơ quan, Nghĩa đề nghị Lê Hải cùng với mình đến nhà ông Chính thắp hương cho Nam để giải tỏa những bứt rứt trong lòng.

– Tiện có xe của tôi, chúng ta đi ngay bây giờ được không?

– Vâng, tôi muốn đi ngay bây giờ.

Ngồi trên xe, hai người lính già tâm sự với nhau:

– Số phận làm cho anh và tôi dính líu quá nhiều vào vấn đề Campuchia, có phải không, anh Nghĩa?

– Làm sao kể được anh nghe tâm trạng tôi khi cháu Nam hỏi ý kiến tôi về nhiệm vụ đi Campuchia. Tôi không dám nghĩ đến, nhưng tôi đoán biết được những gì sẽ có thể chờ đợi cháu tôi ở đấy. Mấy năm qua ngày đêm thấp thỏm! Nếu lúc nào quên đi thì thôi, nếu không thì lại canh cánh nỗi lo về cháu tôi. Thế rồi…

– Tôi hiểu được.

– Mỗi lời tôi nói ra với cháu khi ấy, cứ như là một nhát dao chính tôi đang tự cắt vào da thịt mình. Tôi biết hiểm nguy nào sẽ dành cho cháu mình, nhưng tôi vẫn phải khuyên cháu mình lao vào! Đất nước ta ở vào tình thế nguy kịch quá, tôi không thể làm khác được anh ạ!.. Vì đau đớn quá, tiễn cháu đi rồi mà không biết bao nhiêu lần tôi cứ tự hỏi mình: Tại sao tôi lại khuyên cháu tôi đi vào chỗ chết?.. Ôi nếu lúc đó tôi có thể đi thay cho cháu!..

Lê Hải thông cảm, quàng tay lên vai Nghĩa, xiết chặt lấy người bạn chiến đấu của mình…

– Giả thử tôi không hiểu biết chiến tranh là gì thì đi một nhẽ! Giả thử trong nhà tôi chưa một ai chết vì chiến tranh, ít nhiều nhìn chiến tranh như đi xem phim… thì không nói làm gì! Hay là gia đình tôi chết cho chiến tranh như thế chưa đủ! Như thế vẫn là chưa đủ hả anh Hải?

– Bình tĩnh lại Nghĩa. – Lê Hải an ủi bạn.

– Tôi nhớ, tối hôm ấy chân tôi khuỵu xuống, khi cháu cho biết đang chuẩn bị lên đường ra trận…

– Thú thực, đến bây giờ tôi vẫn chưa dám nói được là mình đã hiểu hết thế nào là chiến tranh, anh Nghĩa ạ…

– Đành là thế… Nhưng nhìn ông viện trưởng mới, nghĩ đến cái chết của cháu tôi, tự nhiên tôi muốn nổ tung… Tôi cay đắng tự hỏi mình trong lòng …cháu tôi có đáng hy sinh như thế không? Cháu tôi hy sinh để cho những viện trưởng này sống và xử sự như vậy?

Lê Hải nắm lấy tay Nghĩa:

– Tôi hiểu và chia sẻ nỗi đau đớn của anh

Xe đỗ xịch đến nơi, cô Minh ra mở cửa cho hai người vào nhà. Kể từ khi cụ Tuyên bà mất, ông bà Chính đã nài nỉ được cô Minh ở lại Hà Nội trông giúp cháu bé Phạm Nguyễn Trung Nam một thời gian. Ông bà Chính chưa thể gửi cháu đi nhà trẻ vì cháu còn nhỏ quá. Bà Chính và mẹ Yến đang cùng nhau làm thủ tục xin nghỉ hưu để ở nhà trông cháu.

Ông Nghĩa bồng cún Nam lên tay rồi đưa cho tướng Lê Hải:

– Con của Nam đấy anh Hải ạ.

– Ôi cháu tôi ngoan quá. Hôm nay ông đến thắp hương cho bố cháu đây!

– Cháu ạ ông đi!

– Cháu ạ ông đi!

Cún Nam cười toe toét, tay khoanh lại đầu gật gật: ạ… ạ.., đáng yêu vô cùng.

Thắp hương cho Nam xong, hai người ngồi lại với nhau trước bàn thờ.

Pha xong ấm chè mời bạn, Nghĩa cảm thấy dần dần lấy lại được bình tĩnh:

– Anh Hải ạ, tôi nhớ hãy còn nợ anh một vấn đề mà tôi hứa sẽ nói. Đấy mới là lý do tôi mời anh tôi về đây thắp hương cho Nam hôm nay?

– Cứ cho là như thế đi. Đã đến lúc phải điểm lại tất cả những gì chúng ta đã làm sau 30 tháng Tư anh ạ. Hình như có nhiều việc chúng ta đã phạm chung một sai lầm lớn: Có lẽ chúng ta quá tin vào ý nghĩa của thời đại chúng ta đang sống là sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, nên tin rằng dư luận tiến bộ của nhân dân thế giới đủ sức khuất phục các giới cầm quyền trong cái thế giới đang nhâu nhâu chống lại nước ta.

– Anh muốn nói chúng ta đã phạm sai lầm là nhìn bàn cờ thế giới theo ý thức hệ?

– Anh muốn nói thế cũng được. Sự thực là chúng ta nhìn thế giới qua lăng kính cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta chống đế quốc xâm lược, suy nghĩ về thế giới bằng hơi thở của phong trào nhân dân thế giới chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, nhìn nhận thế giới bằng những tình cảm của nhân loại tiến bộ coi việc ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống xâm lược là lương tri của thời đại…

– Bây giờ anh hoài nghi những điều này?

– Không phải thế anh Hải ạ. Song thế giới không phải chỉ có chiến tranh Việt Nam! Thế giới còn rất rất nhiều chuyện khác anh ạ. Tôi nghĩ là chúng ta xem nhẹ tính chất phức tạp của các mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau.

– Có thật như thế không?

– Chính trong điều cốt tử này, chúng ta đã không hiểu hết chính mình, không biết rõ người, lại càng không biết chuẩn xác nước ta đang đứng ở đâu trong cái thế giới hỗn độn này anh Hải ạ.

– Hai phe bốn mâu thuẫn, trận tuyến rạch ròi thế sao lại nói là thế giới hỗn độn?

– Câu chuyện nằm ở đấy anh Hải ạ. Chúng ta đo nhìn thế giới bằng con mắt của người chiến sĩ giầu lý tưởng cao đẹp và đang chiến thắng, bằng các giá trị đạo đức của riêng mình.

– Anh định nói là chúng ta quá duy tâm?

– Không phải thế!.. Tôi nghĩ mãi rồi… Toác mặt ra bây giờ mới vỡ lẽ… Chúng ta không thấy hết bốn, năm cuộc chiến tranh khác trong cuộc chiến tranh của chúng ta chống Mỹ xâm lược! Gốc gác câu chuyện là ở chỗ này!

Lê Hải trợn tròn mắt vì kinh ngạc, sau đó lại nhìn Nghĩa chằm chằm.

– Anh không tin? – Nghĩa hỏi lại.

– Tôi hiểu các mặt phức tạp của cuộc kháng chiến của chúng ta, nhưng chưa đi đến suy nghĩ dứt khóat như anh nói.

– Anh Hải ạ, trước hết đấy là cuộc chiến tranh của chúng ta chống Mỹ xâm lược, nó còn là cuộc chiến tranh đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc, dưới góc độ nhất định đây còn là một cuộc nội chiến…

– Trời đất ơi!.. – Lê Hải thốt lên, nhưng Nghĩa hình như đang bị cuốn hút mạnh mẽ vào những điều mình đang nói nên không để ý thấy.

– Đây còn là cuộc chiến tranh giữa những giá trị khác nhau… Còn là một cuộc chiến tranh “chui” của bên ngoài, như báo chí phương Tây hồi ấy vẫn nói: Có kẻ quyết đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng!… Đã thế cuộc kháng chiến của chúng ta vừa là đỉnh cao của ba dòng thác cách mạng lúc đó, vừa là một trong những đỉnh cao của chiến tranh lạnh giữa hai phe nhưng ba bên Mỹ – Xô – Trung vô cùng rắm rối…

– Ý anh muốn nói khi ra khỏi chiến tranh chúng ta đã bỏ qua hết mọi hệ quả của bốn, năm hay sáu cuộc chiến tranh khác trong cuộc kháng chiến của chúng mình và chỉ nhìn thế giới bằng con mắt của người chiến thắng?

– Vâng… – nghĩ một lúc rồi Nghĩa cả quyết: – Tôi e là như thế! Chính vì hiểu thế giới đơn giản như thế, nên sau 30 tháng Tư chúng ta chậm hiểu nỗi mừng của người này là nỗi lo của người kia, niềm vui của người này là sự căm giận của kẻ khác, thuận lợi đối với anh là thách thức đối với tôi… Cả ở trong nước cũng như trên thế giới… Chính vì những điều oái oăm này, lại thêm niềm vui lâng lâng được thiên hạ coi là lương tri của thời đại, nên chúng ta đã chậm nhìn thấy một sự tập hợp lực lượng mới, phức tạp vô cùng, diễn ra gần như trong một đêm… đã nhâu nhâu chống lại nước ta, ngay sau ngày 30 tháng Tư…

– Sao anh không nói luôn là còn có những quan điểm định thừa thắng xông lên nữa chứ! – Lê Hải nêu lại một nhận định mà cả ông và Nghĩa đã nhiều lần phê phán trong các báo cáo tổng kết của Viện mình.

– Tôi van anh, xin đừng nói giễu nữa!.. Câu chuyện nghiêm trọng lắm, Việt Nam chẳng đang được chụp cho cái mũ tiểu bá là gì!

– Nhưng mà anh Nghĩa, ngay từ đầu Đảng ta vẫn nói cuộc đấu tranh cho độc lập của nhân dân ta gắn liền với đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội cơ mà.

– Ta nói gì cho nước ta thì tha hồ, đấy là việc của riêng nước ta anh ạ. Nhưng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và quan hệ giữa các quốc gia lại là hai chuyện khác nhau. Anh hãy nhìn lại quan hệ Xô – Trung, nhìn lại quan hệ từng cặp trong bộ ba Mỹ – Xô – Trung, nhìn vào bản đồ cả thế giới mà xem…

– Nhầm lẫn là ở chỗ này?

– Còn hơn thế, anh Hải ạ. Từ đỉnh cao vinh quang của một dân tộc đã chiến thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, hầu như trong một đêm chúng ta bị họ biến thành cái bia hứng đạn của biết bao nhiêu là vấn đề thời hậu chiến như anh đã thấy đấy.

– Chẳng lẽ cái thế giới nhâu nhâu này đã thực hiện được ý đồ của họ hả anh Nghĩa? – lúc này Lê Hải mới thực sự lắng nghe những ý kiến của Nghĩa, thôi không nói giễu những chuyện cũ nữa.

– Vâng, ở mức độ đáng kể anh ạ. Chúng ta bị động rơi vào một trận đồ bát quái đã được cài đặt sẵn đúng vào lúc ta vừa mới bước ra khỏi chiến tranh.

– Anh định đổ lỗi cho chiến thắng khiến chúng ta chỉ còn nhìn thấy mình mà không hiểu hết người?

– Có chuyện này, song nghĩ thế vẫn còn hời hợt lắm…

Nghĩa đứng dậy, bỏ dở câu nói, đi đi lại lại một lúc rồi mới nói tiếp:

– Càng ngày tôi mới càng hiểu nỗi đau của Bác viết trong Di chúc về phong trào cộng sản thế giới!

– Tôi hiểu chứ anh Nghĩa! – Lê Hải nói nhưng ngồi không động đậy, mắt nhìn thẳng như đang tìm kiếm cái gì ở phía trước: – Anh không thể tưởng tượng nổi đâu, những năm tháng ấy tôi ở miền Nam… Tôi thấy rất rõ đồng bào ta có nhiều điều ngậm đắng nuốt cay, bặm môi đến tím ruột tím gan.., nhưng vẫn tin vào thắng lợi cuối cùng, vẫn một lòng một dạ gửi gắm niềm tin và lòng biết ơn vào phe xã hội chủ nghĩa… Không tưởng tượng nổi đâu anh Nghĩa ạ.

Tác giả: