Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Cháu hỏi khó quá. Mỹ ở đây có nhiều loại lắm. Mỹ định ném bom nguyên tử xuống Việt Nam, Mỹ phản chiến, Mỹ lật Nixon… Cháu định hỏi Mỹ nào? Chỉ có thể suy đoán thế này, cánh Mai-cơn Fốc không thất nghiệp thì rõ ràng là họ còn việc làm!

Câu trả lời của ông già Học làm mọi người phì cười. Bà già Học bình luận:

– Ông già ơi, ông lẩm cẩm rồi. Không thất nghiệp thì đương nhiên là còn làm việc, thế mà ông cũng trả lời được!

– Câu chuyện nó ly kỳ ở chỗ đương nhiên đấy bà ạ. – ông già giải thích lại cho vợ.

– Anh Lễ có để ý không, tôi thấy cánh Lý Lam và Quách Minh Châu chơi thân với Mai-cơn Fốc đấy. Châu khoe với tôi là thỉnh thoảng họ vẫn gặp nhau.

– Vâng, Châu cũng khoe với tôi như vậy, anh Loan ạ. Chú ơi, cháu có một điều cháu không tiện hỏi trên điện thoại. Nhân thể tôi cũng xin tham khảo ý kiến anh Loan. Thảo và cháu mệt mỏi lắm rồi chú ạ, nhất là gia cảnh chúng cháu bây giờ. Thảo và cháu dứt khoát không tham gia một phe nhóm nào, chỉ muốn được yên thân sống dưỡng già. Như vậy có được không, thưa chú?

– Được. Và cũng nên như vậy. Cứ vin vào tình trạng sức khoẻ của Thảo. Song hai con thỉnh thoảng cũng phải cắn lại một miếng thì những người gây sự mới để cho yên. – Ông già Học trả lời.

– Chúng con định chờ đến khi tâm trạng hoàn toàn trở lại thăng bằng, chúng con sẽ kiếm một việc làm gì đó thích hợp, để cho vui thôi, chứ không phải để làm giàu. Nhưng làm chính trị thì dứt khoát không! Anh Lễ con biết rút kinh nghiệm rồi, tiền thì bao nhiêu anh phá cũng hết để chui vào túi kẻ khác. Tụi con nhất định không nghĩ đến chuyện làm giàu nữa!

– Đối với chính trị, bao giờ ba cũng đứng ngoài cuộc. Đấy là nguyên tắc cuộc sống của ba rồi, Thảo à. Muốn thế phải thật lỳ lợm và không bao giờ được mù tịt về chính trị. Hai con đừng quên điều này!

– Ý kiến của bác Học thế là rõ đấy, anh Lễ ạ. Ngay khi chân ướt chân ráo đến California, bác Học đã dạy tôi bài đầu tiên: Muốn sống ở đây theo ý mình phải biết lỳ lợm!

– Vâng. Chú Học ạ, cháu sẽ làm theo ý chú. Có cách nào đưa chú Thành và vợ chồng ông Tư Cương sang đây không hả chú?

– Phải, chúng ta sẽ tính. Đấy là những người chí cốt với gia đình ta.

– Ba ạ, sau 30 tháng Tư không có ông Tư Cương tụi con gay go to.

– Ông Tư thực sự là một giám đốc giỏi. Mấy năm trời ông ấy gần như toàn quyền quyết định mọi việc. Các việc chú điện từ bên này về không một việc làm sai, sổ sách phân minh như cái máy tính. Chú không nhầm khi chọn người…

Câu chuyện đang dở, hai cô tiếp viên xinh đẹp người Pháp bước vào. Đấy là hai cô trẻ nhất và đẹp nhất trong mấy cô đến phục vụ bàn ăn. Hai cô này trịnh trọng mời mọi người ra sa-lông thưởng thức món tráng miệng.

Trên xe đựng thức ăn tráng miệng, ngoài hoa quả và các loại bánh ngọt xếp trong từng ngăn, khay pho-mát để ở trên cùng, bày rất đẹp, có đến vài chục loại khác nhau, cùng với năm, sáu loại bánh mỳ đã được cắt thành từng miếng nhỏ. Bên cạnh đó, một xe rượu mang hình một xe tứ mã thu nhỏ của vua Louis XIV, trên xe có đủ các loại rượu mùi để dùng sau khi uống trà hoặc cà-phê.

Hai cô tiếp viên xinh đẹp đang líu lo mời từng người chọn hoa quả hay pho-mát, một người phục vụ khách sạn cầm một khay nhỏ, trên đựng một phong thư, lễ phép đưa cho ông già Học:

– Thưa ngài, Văn phòng của ngài yêu cầu chuyển gấp fax này đến tay ngài.

Mọi người chăm chú nhìn ông già Học mở thư ra xem. Ông già đọc đi đọc lại mảnh giấy cầm trong tay, mặt mày chau lại rồi sững người ra.

Thấy vậy, Hoài vội vàng bảo hai cô tiếp viên tạm lui. Mọi người gần như nín thở, các con mắt dồn về phía ông già Học, chờ đợi.

Mãi ông già Học mới nói:

– Tin dữ. Tôi không biết nói thế nào… Tin dữ! Đọc to lên!

Ông già đưa bức thư cho Thảo, rồi ngồi như rơi xuống ghế.

– “…Chúng cháu vô cùng đau đớn báo tin để chú thím và các em biết cháu Nam đã hy sinh trên chiến trường Campuchia ngày… tháng… năm…”

Thảo đọc xong, tay buông thõng. Gần như cùng một lúc, cả Thảo và Lễ cùng kêu lên:

– Trời ơi, cháu Nam!..

May có Hoài đứng bên cạnh kịp thời đỡ Thảo ngồi xuống.

Thượng uý uý bác sỹ quân y Phạm Trung Nam bị du kích Khmer Đỏ giết chết trên địa bàn tỉnh Siêmriệp là một sự kiện bi thảm. Nhân dân Campuchia ở cả vùng này xao xuyến. Tổn thất này còn là một đòn nặng đánh vào trạm quân y dã chiến của quân đội ta ở đây.

Mấy năm liên tiếp nạn sốt rét hoành hành cả vùng Siêm riệp, nhân dân địa phương và bộ đội ta là nạn nhân khốn khổ. Nhiều người dân, nhất là các trẻ em, chết một cách thê thảm trong những cơn sốt rét ác tính. Một số chiến sĩ ta đã chết vì không kịp cấp cứu. Ngay trạm quân y dã chiến của Nam bệnh binh sốt rét ngày một nhiều. Có hôm trạm của Nam phải lấy thêm bộ đội vào phục vụ, vì một số bác sĩ và y tá của trạm bị sốt rét quật ngã, nằm đắp chăn rên hừ hừ. Đã thế thiếu tá thủ trưởng đơn vị bị thương nặng, phải đưa về Sài Gòn, mãi trên chưa cử người thay. Nam tạm thời giữ quyền thủ trưởng đơn vị, mọi việc đã rối lại thêm rối.

…Trong một cuộc họp chi bộ của trạm căng thẳng và kéo dài hơn thường lệ, bàn mãi không kết luận được, cuối cùng Nam đứng lên, phát biểu rất gay gắt:

– Không thể khoanh tay nhìn dân ở đây, nhìn bộ đội ta chết vì sốt rét được! Nhân danh bí thư chi bộ, tôi hỏi: Tất cả các đồng chí ngồi đây có nhớ mình là người đảng viên không? Có còn lương tâm người thầy thuốc nữa hay không?

Chỉ có sự im lặng đáp lại. Chủ toạ thúc mãi, mới có người giơ tay:

– Thuốc chữa cho bộ đội ta còn chưa đủ, nói gì đến chữa cho dân địa phương?

– Quân nhân nào sốt rét thì đưa về trạm điều trị, người đâu mà đi xuống tận các đơn vị!

Ý kiến quyết liệt của Nam lại một lần nữa thổi bùng sự phản bác:

– Bảo vệ cái trạm xá chết tiệt này chưa xong, sao lại còn đi vào dân vận động? Để ăn đạn Khmer đỏ à? Đồng chí bí thư có điên không?!

– Thượng uý Nam muốn thăng vượt cấp thì cứ việc đi xuống các đơn vị, đi vận động dân. Nhiệm vụ của tôi là ở cái trạm này, tôi không đi đâu hết!

Đúng như dự kiến của chi uỷ, Nam hiểu là bàn mãi với cái tâm lý đầu hàng này là mất thời giờ vô ích. Trước cuộc họp này, ngay trong chi uỷ ý kiến vẫn còn dùng dằng chưa dứt khoát. Nam cố bình tĩnh gạn hỏi một lần nữa:

– Còn đồng chí nào có ý kiến khác không?

Cuộc họp im phắc. Chỉ có tiếng con mọt đang kèn kẹt nghiến tre nghiến gỗ đâu đó. Nam bình tĩnh cân nhắc lại một lần nữa quyết định của mình, kiên nhẫn chờ thêm một lúc rồi đứng dậy, giọng nghiêm trang:

– Tất cả các đồng chí đứng dậy!

Cuộc họp ngơ ngác. Chi uỷ ngoài Nam ra còn hai người nữa, nhưng chỉ có một đứng lên. Những người khác kẻ thì lục tục nửa đứng nửa ngồi, người thì nhổm nhổm chờ xem… Hình như phần đông không hiểu lệnh phát ra. Vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ làm gì có chuyện đang họp chi bộ bỗng nhiên bí thư chi bộ nhân danh thủ trưởng đơn vị hô lệnh đứng dậy.

Chờ một lúc, Nam lại nghiêm mặt, quát to:

– Tôi hạ lệnh tất cả các đồng chí đứng dậy!

Mọi người bật lên như các lò xo. Nam hô to:

– Tất cả đứng…

– Nghiêm!

– Nhân danh thủ trưởng đơn vị, tôi hạ lệnh: Tất cả cán bộ và chiến sĩ trong trạm phải triệt để thi hành lệnh phòng chống sốt rét theo kế hoạch tác chiến của ban chỉ huy trạm. Đồng chí nào trái lệnh sẽ bị đưa ra toà án quân sự xử theo quân luật. Là đảng viên, các đồng chí phải gương mẫu chấp hành lệnh này.

Mời các đồng chí ngồi xuống.

Chờ một lúc cho mọi người ngồi xuống và có đủ thời giờ trấn tĩnh nhận thức được lệnh phát ra, Nam tuyên bố bế mạc cuộc họp chi bộ…

Lời bàn lào rào về cái lệnh chưa từng có này lan ra mãi vào các lán trong đêm khuya…

Rời khỏi phòng họp, Nam không về lán ngủ của ban chỉ huy trạm, mà đứng lại một mình giữa sân. Trên trời sao Thần nông đã lên đến gần đỉnh đầu, lòng Nam nặng trĩu. …Rồi đây lại có nhiều thương vong mới vì cái quyết định xé ruột xé gan của mình?..

– Khuya rồi, cậu về đi ngủ đi. – Bân, chỉ huy phó của trạm, cũng là bạn thân của Nam ở đây, giục Nam.

– Mình nghiêm khắc với anh em quá có phải không Bân?

– Tình hình rất quyết liệt, không còn cách nào khác Nam ạ.

Không chỉ quyết liệt. Ai nói trước được sẽ lại có thêm bao nhiêu thương vong nữa vì quyết định này của mình?!

– Mình chia sẻ sự dằn vặt của cậu.

– Bân ơi, trong vòng 3 năm trạm mình phải hai lần thay thủ trưởng và đã có 19 liệt sĩ rồi! Như thế còn chưa đủ à?

Nam đi loanh quanh trong sân như kẻ vô hồn. Vốn hiểu bạn, Bân không nói gì thêm nữa mà để cho Nam sống với tâm tư riêng của mình. Cứ thế, anh lặng lẽ theo sau Nam không rời một bước. Khi về tới lán của ban chỉ huy, Bân thấy Nam không chuẩn bị đi ngủ mà lại ầm ầm kéo bàn kéo ghế dịch sang một bên…

– Cậu định làm gì thế này?

– …

Nam hình như không nghe thấy câu hỏi của Bân. Cũng có thể Nam không còn tâm trí nào để ý đến chung quanh. Bân ngây người đứng nhìn. Nam lục cục lôi giá vẽ ra đặt dưới chỗ sáng nhất của ngọn đèn điện vàng quệch, mở hộp mầu ra rồi đặt lên bàn. Những nét bút và những gam mầu dữ dội của Nam dồn nén biết bao điều day dứt lên bức tranh vẽ dở từ mấy tuần nay. Đêm khuya mát dịu, nhưng mồ hôi vẫn lăn từng cục trên mặt Nam…

Bân đứng cạnh Nam như vậy cho đến khi tiếng kẻng tập họp chào cờ buổi sáng của trực ban vang lên lanh lảnh…

Tác giả: