Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Anh Hải này, – Nghĩa cân nhắc một lúc – …nghĩ kỹ hãy trả lời nhé. Giả thử nước ta tuyên bố thẳng thừng đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, thì mọi tồn tại trong quan hệ Việt – Trung cũng như trong quan hệ Việt – Mỹ có tự biến đi không?

Lê Hải đắn đo, rồi dứt khoát:

– Không! Không thể dễ dàng tự biến đi như thế… Lợi ích quốc gia giữ vai trò quyết định nội dung mọi mối quan hệ! Kosovo, Iraq… có đi theo chủ nghĩa xã hội đâu mà Mỹ vẫn đánh!..

– Vậy thì phải tìm cách xử lý những yếu tố chủ yếu đang chi phối thời đại!

– Nghĩa là không thuận, không làm chủ được tốt những yếu tố này sẽ bị nghiền nát thẳng tay, có phải định nói như thế không anh Nghĩa?!..

– Hỏi được như thế là anh chịu rồi nhé!

– Chưa. Để đấy đã, còn phải nghĩ tiếp…

– Điều ngặt nghèo là phải tuân thủ luật chơi thì mới vào cuộc được với cả thế giới, không nước nào có thể đứng một mình, đó là một sự thật. Một sự thật khác lạnh lùng hơn, đó là ai làm chủ luật chơi thì kẻ đó chi phối thế giới. Cái thế giới của chúng ta bây giờ nó như vậy đấy.

– Tôi thừa nhận đấy là sự thật nghiệt ngã…

– Cho nên phải phát huy dân tộc và dân chủ làm bừng lên sức sống của đất nước thì mới đứng vững được trong cái thế giới này anh ạ!

– Phải bổ sung thêm mơ ước của Phạm Trung Nghĩa về Đảng thuần khiết nữa cho đủ tầm quan trọng!..

– Anh giễu tôi quá… Biết nói với anh thế nào bây giờ?.. Xin anh hiểu cho, đến nỗi ông chú Học tôi còn dám mạo hiểm đem danh dự của mình đặt cược vào Đảng ta, huống hồ tôi là con người do Đảng ta nuôi nấng rèn luyện nên!..

– Hay là ông chú anh, bản thân anh, rồi đến anh Tám Việt, cả tôi nữa, nói chung là cả cánh ta.., tùy mỗi chúng ta là một con người khác nhau, nhưng đã cùng nhau sống chung trong một bi kịch lớn. Chính điều này đang tấy lên trong tôi nỗi lo mới…

– Ôi anh Hải… Kinh nghiệm dạy ta mối lo khi thời cuộc chuyển đoạn… Có phải anh nghĩ thế không?

– Như thế có nghĩa là anh thừa nhận những nguy cơ tiềm ẩn trong thời cơ phía trước? – Lê Hải nhìn chằm chằm vào Nghĩa.

Ông Nghĩa cầm ly rượu lên, vân vê một lúc nhưng không uống. Ông đáp lại:

– Anh Hải ạ, bi kịch, thách thức hay thời cơ nhiều khi chỉ là một.

– Đến giờ phút này tôi chỉ thừa nhận anh có lý ở một điểm duy nhất thôi anh Nghĩa ạ, đó là Đảng phải làm đúng, làm bằng được công việc phải làm của mình!

– Nếu thế dứt khoát phải phát huy tự do dân chủ. Dân tộc và dân chủ là yếu tố dĩ bất biến của sự nghiệp chấn hưng đất nước anh ạ.

– Quả là thế… Giành được vai trò lãnh đạo có nghĩa là làm chủ được cái dĩ bất biến này trên con đường đi lên của dân tộc! Nhất trí thôi… Nhưng anh có nghĩ rằng đến một thời đoạn nào đó.., chính kết quả thực hiện cái dĩ bất biến này thách thức Đảng ta, anh có nghĩ thế không anh Nghĩa?

– Thách thức của dĩ bất biến đối với Đảng ta thật ra là vấn đề thường trực trong từng hơi thở của chúng ta! Anh có hiểu không?.. Thường trực trong từng hơi thở của chúng ta!.. Nhưng cũng là một cơ hội lớn của Đảng ta anh ạ!..

– Không phải chỉ là nguy cơ à?

– Tùy cách nhìn, tùy sự lựa chọn, anh Hải ạ.

– Chúng ta bàn rõ hơn nữa khía cạnh này xem nào…

– Câu chuyện là thế này… Suy cho cùng, chấp nhận dân chủ, chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần, là về nhiều mặt Đảng ta đã chấp nhận mọi chiều cạnh bản thân cuộc sống như nó vốn có, là chấp nhận quy luật hiển nhiên cuộc sống đổi mới không ngừng.

– Vậy theo anh vấn đề còn lại nằm ở chỗ nào?

– Trước sau cái gốc của vấn đề vẫn là năng lực và phẩm chất lãnh đạo của Đảng ta! Tất cả chỉ quy tụ về điểm này thôi.

– Như thế vẫn chỉ là nói lý thôi anh Nghĩa ạ! Anh vẫn thiếu sự nhạy bén về ma lực của quyền lực!

– Không! Anh nói thế tôi không chịu! Chính cháu Tân lần về nước gần đây vẫn khẩn thiết yêu cầu tôi đọc lại Tuyên Ngôn Độc lập và Hiến pháp năm 1946, những giá trị bất hủ!.. Cháu vẫn chê tôi là hời hợt và chưa thật cách mạng có chết không chứ!.. Nó bảo tôi phải đọc với những nhận thức của nhân loại hôm nay về tự do, dân chủ, quyền con người… Đảng ta đã xây dựng nên được những giá trị như vậy, chẳng lẽ Đảng ta bây giờ không đủ năng lực và phẩm chất phấn đấu thực hiện những giá trị ấy?

Lê Hải thừ người ra một lúc:

– Ôi, tuổi trẻ ngày nay… Con hơn cha là nhà có phúc!.. Anh làm tôi nhớ đến buổi tranh luận với cháu Tân ở nhà anh năm nào… Có đến hơn chục năm rồi đấy anh Nghĩa nhỉ…

– Vâng, hơn chục năm.

– Té ra suy nghĩ của cậu Tịch quê tôi và của cháu Tân nhà anh là cùng một dòng…

– Vậy thì hai chúng ta là ngược dòng?

– Không đến nỗi thế, nhưng lẹt đẹt… – Lê Hải bỏ lửng, vì càng hiểu rõ những điều Tịch đã nói với ông hôm qua.

– Anh chắc còn nhớ Tân lưu ý chúng ta những thập kỷ phía trước là thời gian vàng của nước ta, phải ra sức tận dụng.

– Nhớ. Tình hình bây giờ phát triển lên khác lắm rồi, chỉ có một con đường là Đảng ta phải tận dụng bằng được thời cơ vàng này anh Nghĩa ạ!

– Có sự tự giác và ý chí cách mạng đáng mong muốn ấy không? Hay đấy cũng chỉ là khát vọng của Phạm Trung Nghĩa?.. Đừng quên không bị dồn đến chân tường như vừa qua thì chắc gì đã có đổi mới!

– Quả là thế… Nếu không muốn một lần nữa bị dồn đến chân tường thì phải tự giác, anh Hải ạ!

– Hay trong trường hợp này không tưởng và cách mạng là một hả anh Nghĩa? – Lê Hải vẫn chưa chịu hẳn.

Ông Nghĩa lắc đầu lia lịa.

– Gần như là một thôi… Là sự thật sống còn! Mà cũng có thể là sự nhầm lẫn chết người! …Anh chắc cũng biết trong kinh Phật có sự tích phải bổ tượng Phật ra làm củi để đốt sáng bóng đêm… Bổ tượng Phật ra làm củi trong trường hợp như thế không phải là phá đạo! Có dám đạt tới như thế mới là đắc đạo!.. Nhầm lẫn hay không nhầm lẫn là ở chỗ này… Không tưởng hay cách mạng là cúi đầu chịu khuất phục.., hay là dũng cảm vượt qua sự nhầm lẫn này!

– Ôi, thế thì…

– Như vậy anh cũng thừa nhận phải bắt đầu từ giác ngộ sự vận động khách quan của sự vật có phải không?.. Đảng viên Lê Hải có nghĩ thế không?

– Sao lại vận vào chỉ riêng mình tôi? Thế còn đảng viên Phạm Trung Nghĩa lựa chọn gì vậy?

Ông Nghĩa cười, rồi giãi bày:

– Tôi à? Tôi lựa chọn Đảng là người phấn đấu cho tự do dân chủ và phát triển!.. Phấn đấu trở thành người đi đầu trong sự nghiệp này anh ạ!.. Ôi được như thế, sẽ là vận may, là phúc lớn cho dân tộc ta, cho đất nước ta!.. Trên con đường này, ta có thể phải trả giá này giá khác cho học phí… Không có con đường lát toàn bằng vàng đâu… Nhưng sẽ không phải làm đi làm lại, càng không phải trải qua con đường đầy đau khổ như nước Nga đang trải qua… Dân tộc độc lập tự do và trí tuệ văn minh nhân loại ngày nay cho phép chúng ta ước mơ như thế…

– Tôi thừa nhận ngày nay Đảng ta có những tiền đề hoàn toàn mới cho sự nghiệp cách mạng của mình…

– Vâng… đi với cả dân tộc, có sự hậu thuẫn của cả dân tộc, Đảng ta sẽ bất khả chiến bại! Ôi, đấy sẽ là phúc lớn cho đất nước,… Đảng lãnh đạo thì phải như thế!..

– Như thế phải xây dựng Đảng trở thành đội ngũ tinh hoa của dân tộc…

– Rèn luyện để trở thành đội ngũ tinh hoa của dân tộc là lẽ sống của Đảng. Anh với tôi, ai nhắm mắt, ai mở mắt đây?

– Con đường để chiến thắng quán tính lịch sử? – Lê Hải hỏi lại.

– Chính xác!

Lê Hải chỉ gật gật chấp nhận, vì hiểu điều này rất hệ trọng. Một lúc sau Lê Hải hỏi gặng:

– Anh Nghĩa, thế lý tưởng người đảng viên cộng sản còn lại là gì?

Câu hỏi làm cho Nghĩa lúng túng:

– Còn lại cái gì à?.. Tôi đã vấp nhiều lần trong khi tìm cách đi đến tận cùng của vấn đề anh Hải ạ… Tôi đi đến kết luận: Lịch sử, hiện tại và tương lai đã chắt lọc, đã xác định vận mệnh, và cuối cùng đã lựa chọn cho người đảng viên cộng sản Việt Nam chúng ta lý tưởng sống vì sự nghiệp mưu cầu hạnh phúc của nhân dân ta, vì vinh quang của dân tộc! Tôi còn muốn nói thêm, không làm được như thế không còn là Đảng Cộng sản Việt Nam nữa, không còn là người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nữa!.. Tự tôi, tôi đã tìm cách giải phóng mình khỏi mọi trói buộc để xác định và lựa chọn lý tưởng như thế…

Lê Hải trầm ngâm hồi lâu rồi mới nói:

– Tự giải phóng mình khỏi mọi trói buộc… Anh Nghĩa ạ, tôi nhận thức được sự trung thành của anh với lý tưởng… Có lẽ sự trung thành này làm rõ thêm lý tưởng, nghĩa là giúp chúng ta giữ được lý tưởng… Tôi tán thành!.. Nhưng mà sẽ gian truân lắm đấy anh Nghĩa ạ…

– Vâng, tôi hiểu… Nhất là đội ngũ tinh hoa của dân tộc, Đảng của dân tộc thì phải thường xuyên chịu sự sát hạch của dân tộc! Mà khác với trước, dân tộc ta bây giờ là một dân tộc tự do và có trí tuệ.., chủ nhân ông của một quốc gia độc lập!

– Đòi hỏi với Đảng như vậy thì khắt khe lắm đấy!.. Gần đây anh Tám Việt còn kể cho tôi nghe có những đảng viên kỳ cựu gửi quyết tâm thư lên Trung ương: Nếu Đảng từ chối mình là đảng của giai cấp, nếu cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, họ sẽ làm đơn xin ra khỏi Đảng, xin lập đảng mới đấy!

– Tôi cho đấy là những suy nghĩ chân thành vì đất nước, có thể hiểu được. Đảng phải lựa chọn lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia là trên hết! Xin anh nhớ cho sự nghiệp chấn hưng đất nước ta phải được thực hiện ngay trên quả đất này, trong cái thế giới này, cọ xát với cả thế giới này, chứ không phải là một mình nước ta riêng lẻ tọa hưởng trên cung trăng, muốn làm gì thì làm!..

Tác giả: