Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Nghi ngờ như vậy là chính xác đấy ạ, anh và em hoàn toàn khớp nhau chỗ này…

– Thật vậy hả? …Hay là Bạch Liên bây giờ có nhiều đường dây mới?

– Dạ, đó là cái chắc. Chỗ anh chỉ là một mối thôi, có thể vẫn là mối quan trọng… Nhưng chưa phải là chỗ dựa cao nhất đâu ạ.

Ông Chín ngồi im, hai môi bặm chặt. Ông cảm thấy bất an, cố tỏ ra bình tĩnh để không lộ ra với Thắng.

– Anh nghe chưa rõ ạ? Có lần Bạch Liên đã nói ra miệng với em là anh chưa phải là chỗ dựa cao nhất đâu ạ. – Thắng bồi thêm câu nữa.

Chín Tạ chết lặng, hai mắt nhắm lại một lúc.

– Thực tình em định cảnh báo anh điều này lâu rồi, nhưng chỉ sợ làm anh phật lòng.

Chín Tạ vẫn ngồi im, cân nhắc các suy nghĩ, mãi mới đáp lại:

– Thôi được, tôi giao nhiệm vụ cho cậu: Bận gì thì bận, cậu phải chủ động giữ liên hệ thường xuyên với Bạch Liên. Nên nhớ là cả hai người cùng hội cùng thuyền với nhau đấy, cậu hiểu chưa?.. – Ông Chín định dặn Thắng không lúc nào được rời mắt khỏi Bạch Liên… Nhưng ông đắn đo, chỉ nên nói đến mức ấy là đủ.

– Bạch Liên là con người sòng phẳng, nhưng kiêu ngạo. Cô ta nhiều tham vọng lắm ạ. – Thắng muốn khơi sâu sự ngờ vực trong lòng ông Chín và chuẩn bị dần trận địa mới cho mình.

– Chỗ này thì cậu đúng. Người nào cũng có cá tính. Cậu không được vì thế mà làm hỏng các mối quan hệ truyền thống trong nội bộ Trung tâm Bình Tiến.

– Anh nhắc nhở thế là em hiểu. Anh yên tâm. Sự thưa thớt giữa hai chúng em là do hoàn cảnh công việc thôi ạ, ít nhất về phía em là như vậy. Còn về phía anh… – Nói thế, nhưng Thắng theo đuổi những toan tính khác trong đầu.

– Thôi, đừng nói linh tinh! Hồi này chị mở rộng làm ăn quá mạnh với cánh hàng hải, không biết lượng sức mình… – Ông Chín đổi giọng để chuyển hướng câu chuyện. – …Tôi đã phải khuyên can.. Cậu cho người giữ liên hệ tốt với bên hải quan, có gì còn giúp chị một tay. Riêng việc này tôi giao hẳn cho cậu.

– Anh không giao cho Bạch Liên ạ? – Thắng hỏi lại cho chắc ăn.

– Dứt khoát không. Cần người ngoài cuộc cho tỉnh táo.

– Gần như hai hay ba tuần một lần em vẫn rủ bọn hải quan đi săn, có chuyện gì nói cho nhau nghe hết.

– Có gì đặc biệt không?

– Theo em biết mọi việc đến nay là ổn. Anh đừng lo. Họ kể cho em nghe chuyến tàu trước có vận đơn đứng tên chị, trục trặc một tí, nhưng rồi cũng chẳng có gì đáng quan ngại. Tuy thế em thấy chị nên ngồi ở hậu trường, cứ không đứng tên vận đơn như trước đây là vẫn hơn…

Ông Chín ớn lạnh xương sống, vì thấy Thắng đã biết hết mọi chuyện. Định dặn thêm Thắng đôi điều thì chuông điện thoại reo.

– …Cháy cái gì?.. Thế hả? …Cháy to không… – Ông Chín như hét vào cái điện thoại.

Trực ban của lãnh đạo Thành phố báo cho ông Chín biết khách sạn City Tower bị cháy.

Đây là lần thứ hai Thành phố có một cao ốc bị cháy, nhưng lần này thiệt hại về người và của lớn hơn nhiều. Cả Thành phố nháo nhác, suốt từ khi xảy ra vụ cháy lúc gần giữa trưa cho đến khi dập được vụ cháy lúc gần tối. Nói đúng hơn, đến gần tối lửa đốt mọi thứ chán rồi, không thèm cháy nữa… Cả tuần sau, cả tháng sau người dân vẫn tiếp tục nhức nhối về vụ cháy này.

Vụ hoả hoạn này chẳng những cướp đi mấy chục sinh mạng, huỷ hoại bao nhiêu của cải, mà còn thiêu cháy luôn bao nhiêu thành tích huy hoàng của phong trào xây dựng Thành phố trật tự, an toàn, kỷ cương…

Lửa khói đùng đùng nuốt chửng toà nhà. Khói đen cuộn lên hung dữ che lấp dần bầu trời Thành phố. Hơi nóng hút về những cơn gió hú kinh người. Lửa và khói lúc vút lên, lúc táp trái, lúc táp phải, như hăm doạ, như giễu cợt hàng nghìn con người chung quanh bất lực đứng nhìn…

Đám cháy quá lớn, vì thế mấy chiếc xe phun nước không khác gì đồ chơi con nít, chỉ tia ra được mấy dòng nước nhỏ như từ ống tiêm phun vào núi lửa hung dữ. Mấy tốp lính cứu hoả – người có quần áo phòng cháy người không – lao vào gần đến lửa lại phải bật ra vì hơi nóng… Mấy đội tự vệ cứu hoả lúc đầu cũng chạy đi chạy lại. Càng về sau dân tình tò mò kéo về xem càng đông, các đội tự vệ cứu hoả giữ trật tự không nổi, cuối cùng họ đành hoà vào vòng người đứng xem đen như kiến vây quanh cao ốc đang cháy…

…Càng liếm lên cao, lửa càng gây ra nhiều tiếng nổ ầm ầm, át hết những tiếng kêu la thảm thiết của những người bên trong toà nhà. Một số người liều chết nhảy xuống từ những cửa sổ tầng cao… Xe phun nước được một lúc thì hết nước, tìm đường chạy ra mà vô cùng chật vật. Mấy xe khác được điều động từ mấy tỉnh bên đến tiếp viện, cái vào gần đến nơi thì tắc đường, cái chết nằm chắn giữa đường cái, vì hết xăng… Tất cả ngao ngán làm nhân chứng cho vụ thảm hoạ đau đớn của Thành phố. Cái thực chất, cái nghèo, cái dốt, cái bất lực, cái ẩu, khả năng yếu kém trong quản lý đô thị, cái phô trương, và biết bao thứ rỗng tuếch khác mà những mỹ từ hào nhoáng nhất cũng không hàm chứa nổi.., tất cả những thứ này chưa bao giờ bị thiêu đốt một cách phũ phàng và đầy tủi thẹn như trong vụ thảm hoả lớn này. Bao nhiêu thứ lực lượng, bao nhiêu thứ quân Thành phố có trong tay lúc này không biết đứng chôn chân ở đâu hết cả. Nhưng nếu huy động được thì chẳng lẽ đè lên người đứng xem đông nghịt mà xông vào lửa? Mà xông vào được thì cứu bằng cách nào? Lực lượng trên trời thì lại chưa bao giờ được tập dượt để đối phó từ trên cao với hoả hoạn như vậy…

Một tuần sau báo chí Thành phố viết chín mươi chín phần trăm (99%) cao ốc và nhiều khách sạn của Thành phố vừa mới được điều tra sau vụ cháy vì lý do này hay lý do khác… không đủ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định của pháp luật… Không biết con số này chính xác đến đâu…

…Chẳng lẽ cứ phải chờ đến xảy ra có hoả hoạn lớn mới có dịp kiểm tra sức khoẻ toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước của Thành phố?

Một nhà báo nào đó nêu ra câu hỏi xé lòng đối với người có suy nghĩ…

Ngọn lửa thiêu trụi City Tower hai ngày sau liếm vào nhà ông Chín Tạ: Công an Thành phố báo cho ông bà Chín biết tại phòng 613 của khách sạn này người ta tìm thấy xác hai nạn nhân bị chết ngạt vì khói, một nam một nữ, thi thể và nhiều thứ trong phòng còn nguyên vẹn, vì lửa không táp tới. Các chứng cứ, hiện vật xác minh được cho biết hai nạn nhân đó là Dương Đình Tấn, con trai ông bà Chín, và Lê Thị Lan Hương, chưa rõ quê quán và nghề nghiệp…

Ông bà Chín người bỗng dưng đen xạm lại như là bị đám cháy ám lửa ám khói, vì nỗi mất con, vì lo tai tiếng.

Người đầu tiên đứng bên ông bà Chín lúc khó khăn này là Bạch Liên và Thắng. Một lần nữa họ lại tự chứng minh là hai túc hạ không thể thiếu được trong nhà ông bà Chín.

Sau những lời an ủi cần thiết, Bạch Liên khuyên ông bà Chín tổ chức mai táng cho Tấn càng lặng lẽ, khiêm tốn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đám tang được tổ chức ngay tại bệnh viện cấp cứu, từ đó ra thẳng nghĩa trang. Hầu như ai biết thì chủ động đến chia buồn, tang chủ không thông báo trên báo chí và cũng không mời ai cả.

Bạch Liên còn phân công cho ông Chín phải đích thân nói với lãnh đạo Thành phố chỉ thị báo chí không đưa tin hay viết lách gì về cái chết của Tấn.

Thắng không tham gia được ý kiến nào đích đáng, nhưng được cái sai chạy việc gì thì làm đến nơi đến chốn.

Mọi việc diễn ra khớp đến từng chi tiết theo sự đạo diễn của Bạch Liên. Trong nỗi đau đớn chung của cả Thành phố, báo chí cũng để cho Hai Tấn an nghỉ nơi chín suối, không nỡ soi mói gia đình nạn nhân.

Chuyện rắc rối nhất là vợ Tấn đòi hết tài sản của chồng và nhất định ra ở riêng, bao gồm cả việc chia đôi cái nhà đang ở. Bà Chín thì lại chỉ muốn con dâu cắp đít ra đi cho khuất mắt, với bốn năm cái va ly quần áo dày dép là quá đáng lắm rồi.

Bà Chín bảo:

– Cái nhà này là tiêu chuẩn nhà nước cấp cho ông Chín, không phải cho chúng mày.

– Nhà nước cấp cũng phải chia, vì con trai con dâu đều là thành viên trong gia đình. Chồng tôi cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới thành hình cái nhà to đẹp như thế này! – vợ Tấn cãi lại.

– Chồng chết chưa kịp chôn đã trở mặt đòi chia của hả! Những ngày đi chơi trai sao im hơi lặng tiếng thế?

– Đừng có ăn nói hỗn láo! Bà hãy nhìn lại cái xác con trai bà! Nó chết cháy trong cái nhà này chắc?

– Bà không chia thì mày làm gì được bà?

– Thách đấy! Ngày mai cả cái Thành phố sẽ biết từng cái tổ con chuồn chuồn trong cái nhà này!

– Bà thì đập vào cái mồm mày! – Bà Chín đã rút dép ra khỏi chân.

– Có gan thì cứ đánh đi! Càng đánh càng tù mọt xương. – Vợ Tấn vẫn đứng hiên ngang, hai tay chống háng, cái mồm dẩu hẳn vào mặt bà Chín, khiến bà phải lùi lại, tay cầm dép thõng xuống.

Lại phải đến Bạch Liên ra tay:

– Thôi cháu nghe cô. Cô sẽ thu xếp ổn thoả việc này cho cháu. – Bạch Liên dắt vợ Tấn sang phòng bên.

Hình như Bạch Liên có biệt tài điều khiển mọi người trong cái nhà này, từ ông Chín trở xuống. Vợ Tấn ngoan ngoãn đi theo Bạch Liên, để lại phía sau cái nhìn ngơ ngác của mọi người.

…Không khí đau buồn sau đám tang này chưa bao giờ diễn ra trong nhà ông Chín, vì có quá nhiều điều hệ trọng chiếm hết lo toan của mọi người. Song dù sao bầu không khí trong nhà đang tốt dần lên. Nội chiến gia đình xảy ra do những việc rắc rối sau đám tang này đã chấm dứt, nhờ quý nhân Bạch Liên phù trợ…

Tác giả: