Dòng Đời – Nguyễn Trung

Sau cuộc họp ấy Nam triển khai ngay chiến dịch phòng chống sốt rét được cả ban chỉ huy trạm và chi uỷ chuẩn bị chu đáo. Trung đoàn Z của bộ đội ta chốt giữ địa bàn Siêmriệp phối hợp và hậu thuẫn cho đơn vị Nam.

Bốn năm tháng sau, nhờ việc phòng chống tốt hơn, nạn sốt rét lui dần, riêng trong dân địa phương có thể nói là đạt kết quả trông thấy. Hầu như giúp nhân dân địa phương phòng chống sốt rét trở thành nhiệm vụ chính trong công tác dân vận của chiến sĩ ta. Du kích Khmer đỏ tiếp tục bắn lén quyết phá chiến dịch này. Tại mấy xã đã có bộ đội ta bị bắn chết trong khi tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh và giúp cứu chữa những bệnh nhân sốt rét. Nhưng trạm quân y và trung đoàn Z quyết không chùn bước. Vì trạm xá quá tải, Nam còn chia địa bàn Siêmriệp thành từng vùng, yêu cầu tập kết những bệnh nhân nặng nhất và sắp xếp lịch đến chữa tại chỗ cho bộ đội và cho dân, kết hợp với kiểm tra tình hình.

Một lần trên đường đi đến làng Sămrakong gần đền Ăng-co-vát, xe của Nam bị Khmer đỏ phục kích…

Cuộc họp chi bộ của trạm về quyết định chống sốt rét hôm ấy được ghi lại vào quyển Lịch Sử Truyền Thống của K8, đại tá thủ trưởng K8 dành cho những trang trang trọng nhất.

Lúc này đứa con trai đầu lòng của Nam vừa tròn một tuổi.

Yến gần như chế đi sống lại nhiều lần sau khi đại tá thủ trưởng K8 đến tận nhà báo tin Nam đã hy sinh. Ngoài giấy báo tử ra, ông đại tá mang đến cho Yến một ba-lô quần áo của Nam, một va-li nhỏ đựng đầy sách và đồ vẽ, một bọc vải bạt lớn, bên trong là một hòm to làm bằng gỗ dán. Hòm đựng các tranh của Nam, nhiều tranh đã vẽ xong, một số tranh đang vẽ dở, những bản ghi phác hoạ các mô-típ…

…Ôm chặt đứa con trong lòng, nước mắt đầm đìa nhìn những kỷ vật còn lại, trong lòng Yến bao lần hét lên: Không! Không! Lẽ nào? Ôi, anh…

Đứa con trong tay giữ cho Yến không chết được và không được chết trong cuộc sống này!..

…Hôm lập bàn thờ cho Nam, vợ chồng tướng Lê Hải đến thắp hương và chia buồn với ông bà Chính, với bố mẹ Yến và vợ chồng Nghĩa. Vợ liệt sĩ Lâm và con gái cũng đến thắp hương chia buồn. Cô Minh, người giúp việc ngày xưa, bây giờ đã gần bảy mươi, cũng lặn lội từ Mọc Xá ra đây san sẻ bớt nỗi đau của nhà họ Phạm. Hai vợ chồng ông già Tư Cương nhờ ông Thành coi nhà để ra Hà Nội chia buồn với gia đình Nam…

Cái chết của Nam làm cho cụ Tuyên bà không thiết sống nữa. Cụ không khóc. Ai hỏi gì cụ cũng không nói. Nài ép cụ ăn uống một chút gì rất khó. Thỉnh thoảng cụ chỉ rên lên thảm thiết:

– Ôi Nam ơi, cháu ơi…

Nỗi lo của cả nhà bây giờ là làm sao níu kéo cụ lại sống cùng con cháu.

Tướng Lê Hải và bà Hậu ngồi bên cụ hồi lâu, lòng ngậm ngùi không biết nói gì. Bà Hậu nước mắt chảy quanh.

Một lát sau Lê Hải gọi Nghĩa riêng ra một chỗ:

– Thật là hoạ vô đơn chí, lúc này tôi phải nói cho anh biết một tin không vui nữa.

Nghĩa im lặng chờ đợi.

– Sáng nay tôi được tổ chức mời lên để thông báo quyết định của trên cho tôi nghỉ hưu. Tôi có ba tháng để bàn giao công việc.

– Anh làm đơn xin nghỉ hưu từ bao giờ?

– Tôi chưa bao giờ làm đơn xin hưu, nhưng tuổi tác thì cũng đáng nghỉ rồi.

– Như thế là anh buộc phải nghỉ hưu?

– Đúng thế.

– Anh được giải thích như thế nào?

– Dài lắm. Tóm lại thế này. Lý do một: Tuổi tác. Lý do hai: tình hình mới, công việc không thích hợp với tôi nữa.

– Anh im?

– Tôi chỉ hỏi lại một điểm thôi: Có vấn đề chính trị hay vấn đề lập trường quan điểm gì trong chuyện này không? Trước sau người ta chỉ nhắc lại: tình hình mới, công việc mới, tôi không còn thích hợp.

– Người ta nói rõ là anh không còn thích hợp?

Có nhận xét ấy.

– Nếu vậy các báo cáo tổng kết những bài học quân sự của Viện ta lâu nay có vấn đề! – ông Nghĩa cả quyết.

– Nhưng mà chúng ta luôn luôn làm việc với tất cả tinh thần trách nhiệm, khách quan, thực sự cầu thị!

– Nghĩa là đến bây giờ anh vẫn bỏ ngoài tai mọi điều xì xèo về quan điểm lập trường của Viện ta hả anh Hải?

– Nhiệm vụ của chúng ta là nghiên cứu, tổng kết, chứ không phải là nghe ngóng dư luận, cũng không phải là ghi công chấm điểm cho người này, làm vừa lòng người khác.

– Câu chuyện như thế là rõ đấy, anh Hải ạ. Anh định thế nào?

– Chấp nhận nghỉ hưu, nhưng rồi sẽ làm rõ ngọn ngành.

Nghĩa thừ người ra một lúc, rồi bỗng dưng như người câm, tay run lên trong tay Lê Hải.

– Anh Nghĩa, anh làm sao thế?

– Tôi thiết tha yêu cầu anh chuyển ngay kiến nghị đã thảo xong của chúng ta về vấn đề Campuchia lên cấp lãnh đạo cao nhất.

– Anh ý thức được tính nghiêm trọng của kiến nghị này chứ?

– Nghĩa im lặng.

– Đừng quên quyết định phong hàm đại tá cho anh chưa ráo mực đâu!

– Tôi vô cùng đau đớn, nhưng hoàn toàn tỉnh táo. Tình thế đất nước đến lúc này tôi không cầm lòng được nữa.

– Nghĩ lại một lần nữa đi, có phải vì quá xót thương cháu mình chết không?

– Anh Hải, tôi hiểu tôi đang nói gì với anh. Chúng ta không còn nhiều thời gian!.. Nhất thiết nó phải được trình lên trên trước khi anh nghỉ hưu!

– Hơn một năm nay chúng ta đã mất trắng nhiều đêm vì kiến nghị này rồi!

– Với quyết định cho anh nghỉ hưu, chúng ta sẽ không còn cơ hội trực tiếp trình bày kiến nghị của chúng ta. Chậm một ngày là thêm thương vong một ngày anh ơi!

– Đang lúc binh lửa đùng đùng thế này mà lại đề nghị tìm giải pháp chính trị và sớm rút quân? Dễ bị khép tội phản nghịch lắm đấy!

– Anh Hải ạ, bị khép tội gì cũng cam lòng! Ta đã làm trọn nghĩa vụ cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi diệt chủng rồi. Bây giờ họ phải tự làm lấy công việc của họ. Ta phải tự cứu lấy dân tộc mình!

– Anh có thể sẽ phải cùng đi với tôi lên đoạn đầu đài vì kiến nghị này. Anh có ý thức được như vậy không?

– Tôi chấp nhận. Đằng sau Khmer đỏ là Trung Quốc, ta phải nhanh chóng bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc và khôi phục lại tình hữu nghị. Không thể làm khác được! Đừng chần chừ nữa, anh Lê Hải!

Lê Hải ngẫm nghĩ, tính quyết đoán sự mất còn được rèn luyện suốt cả đời người đưa ông đến kết luận dứt khoát, ông nắm chặt lấy tay Nghĩa:

– Đúng là không còn thời gian để trì hoãn nữa, ngay sáng mai anh và tôi cùng lên xin gặp Quân uỷ Trung ương. Được không? Một hai tuần nữa sẽ có quyết định chính thức về việc cho tôi nghỉ hưu. Vì thế đây sẽ là lần xuất quân cuối cùng của tôi, cũng có nghĩa là lần ra quân chung cuối cùng của hai chúng ta.

Nghĩa xúc động, ôm chầm lấy Lê Hải, mãi mới nói thành lời:

– Vâng, sẽ là lần ra quân chung cuối cùng của hai chúng ta anh ạ…

Ánh điện ban đêm rọi lên hai khuôn mặt hai người lính già. Họ nhìn nhau trong cái nhìn thấu hiểu tình đồng chí, tình đồng đội của nhau lúc này.

Họ nhìn nhau trong cái nhìn của người chiến sĩ sẵn sàng để lại phía sau tất cả trước khi bước vào trận đánh, nhưng lần này là cuộc chiến khác hẳn mọi cuộc chiến, trong suốt cuộc đời chinh chiến của mình họ chưa một lần bước vào…

Mọi người đến chia buồn với ông Chính bà Hương, nhưng chỉ có ông Chính tiếp khách. Hai ngày nay bà Hương khóc lóc vật vã trong buồng, bỏ cả ăn uống. Ngoài việc tiếp khách, chốc chốc ông Chính và Loan phải thay nhau chạy vào an ủi bà Hương rồi lại quay sang an ủi Yến ở buồng bên cạnh.

Thím Tuấn và cô Minh quyết định ở lại với cụ Tuyên bà trong những ngày khó khăn này.

Chiều đến, khách về hết. Yến cố trấn tĩnh bế cháu sang chơi với bà Hương để mong bà khuây khoả. Giữa nước mắt của mọi người, bé bi bô gọi bà, gọi ba… Bé càng vui đùa, nước mắt mọi người chung quanh càng nhiều.

Đến giờ ăn của bé, cô Loan mang lên cho cháu bát bột để mẹ Yến cho ăn. Bé ăn ngon lành, cười đùa, khoa chân múa tay. Một thìa bột của bé là lã chã nước mắt của mẹ, có lúc Yến nấc lên. Cuối cùng Yến ngã vật xuống nức nở, thìa bột văng ra bên cạnh. Cô Loan phải thay mẹ cho cháu ăn…

Tập 2
Nước Đứng

10.

Giáo sư Đoàn Danh Tiến cầm trong tay hai mảnh giấy đẹp, ít chữ, nhưng vô cùng quan trọng: Bằng giáo sư, giấy chứng nhận.

Ông đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần mấy hàng chữ ít ỏi này. Đứng lên, ngồi xuống, đi đi lại lại trong phòng làm việc, có lúc ông định phi về nhà báo cho bà Hà biết tin vui này rồi quay lại cơ quan ngay, nhưng không chắc vào giờ này bà có nhà, lại sắp có cuộc hẹn nữa…

À giữa buổi thế này mà xin xe thì khó đấy!..

Đọc hết từng chữ trên hai mảnh giấy đẹp ấy, ông Tiến quay ra nâng niu quyển sách của ông.

– Thành quả trí tuệ một đời người lao động mẫn tiệp! Mình thì nhận bằng giáo sư, còn Lê Hải thì bước ra khỏi vũ đài cuộc đời. Ta đang bước vào vũ đài của những người trong cuộc… Hay vô cùng! Cái mình có, Lê Hải không bao giờ có thể có… – Ông tự lẩm bẩm thành lời với mình như vậy rồi thả mọi suy nghĩ của mình bồng bềnh theo thời gian.

… Con đường tới vinh quang này sao mà gian truân đến thế! Từ những ngày còn chân đất đánh khăng, thả diều trên cánh đồng Vũ Yển, đến tỉnh đoàn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Giáo sư… Ôi, những người đã đi cùng ta, đã chiến đấu cùng ta trên con đường vạn dặm này, những ân nhân, những đối thủ… Cả nước mày mò, tranh luận mãi về định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng rõ ràng cho đến nay không ai vượt qua được cái công thức của ta nêu ra:

“Đảng + chính quyền + xí nghiệp quốc doanh = 1”

Sự thống nhất đến tuyệt đối! Tính chất triệt để đến hoàn hảo!

Tác giả: