Dòng Đời – Nguyễn Trung

Song điều làm ông Tám ngạc nhiên nhất là ngoài một số chuyên gia có tâm huyết, còn hầu hết những thứ nhà nước bỏ tiền đóng thuế của dân ra nuôi như Viện này Viện nọ, Sở này Sở nọ… đều đứng ngoài cuộc… Khi ông Tám tìm gặp được anh bộ đội phục viên nọ, anh ta nói thẳng với ông:

– Mấy Viện ấy đứng ngoài cuộc là phúc bảy mươi đời cho tôi đấy ông ạ. Còn hơn là họ phá chúng tôi. Để họ dính vào thì chắc chắn tụi tôi lụn bại!..

Một số công nghệ cần thiết, anh bộ đội phục viên kia đều mua được từ mấy viện này, 3 kỹ sư anh ta đang trả lương cũng là người đang ăn lương của mấy Viện này. Nhưng cả mấy Viện ấy thì lại không làm được việc gì nếu như không phá việc gì!.. Ông Tám nhìn ra một điều gì đó…

– Cái gì bây giờ làm anh lo nhất? – Ông Tám hỏi.

– Một đống lo nhất, chứ không phải chỉ có một cái lo nhất, ông Tám à.

– Những gì vậy?

– Ngay trước mắt là bệnh đốm trắng của tôm, là xử lý môi trường… Tôi có tiền mà không đứng ra thuê được các Viện ký hợp đồng nghiên cứu cho tôi xử lý những chuyện này!

– Sao vậy?

– Một là tại đây chưa có chuyện Viện ký hợp đồng với tư nhân! Các nơi khác người ta làm đầy ra rồi! Hai là đề tài của tôi khó nhá lắm, được kết quả tôi mới trả tiền nên họ ngại. Có thưởng, có đền hẳn hoi…

– Thuê chui được không?

– Khối việc thuê chui rồi. Nhưng loại việc này đụng chạm đến khoa học, tôi không thích thuê chui. Lỡ ra mất trắng, ai đền cho?

– Nhưng vẫn phải có cái gì làm anh lo nhất chứ?

– Ông ơi, nước nhập khẩu bây giờ đòi tỷ lệ thuốc kháng sinh trong tôm không được quá vài phần triệu… Vài phần triệu, ông nghe rõ chưa? Ngành nuôi tôm bên Thái Lan đang chết dở. Nói thế ông hiểu nỗi khổ của chúng tôi chưa?

– Chẳng lẽ anh chịu bó tay à?

– Tôi đang đi vận động các hộ nuôi tôm trong tỉnh hè nhau lại thuê chuyên gia Mỹ chuyên về thức ăn và môi trường của tôm. Tôi đã thấy Thái Lan làm như vậy. Nhưng một chữ tiếng Mỹ bẻ làm đôi tôi không biết, nhỡ thuê phải gián điệp hay chuyên gia rởm thì bỏ mẹ!

– Có đủ tiền thuê chuyên gia Mỹ không?

– Tiền thì lo được, nhưng cái khoản tiếng Mỹ và làm sao chọn được chuyên gia đích đáng thì chịu! Tỉnh Bến Tre đi sau nhưng lai làm tốt hơn chúng tôi…

– Tốt hơn chỗ nào?

– Lãnh đạo tỉnh và các cơ sở nghiên cứu bên ấy nhảy vào cuộc…

– …

…Cuộc sống quả là rắc rối! Nhà nước của dân, do dân, vì dân ơi!.. – Ông Tám rên lên trong đầu.

Lại đến hẹn, ông Tám chủ động gọi điện thoại về nhà. Ông vui mừng là mọi chuyện ở nhà đều ổn, nghĩa là ông có thể đi tiếp. Mừng hơn nữa là ông không thấy bà Tám phàn nàn về việc ông đã đi quá lâu.

– Ông ơi, tôi vừa nhận được một cái thư viết tay của ai đó gửi cho ông. Thư viết trên một mảnh giấy trắng, không tiêu đề, không đóng dấu, tên người gửi viết không rõ.

– Chắc lại anh chàng vu vơ nào đó mời tôi ra làm cố vấn cố veo gì đấy?

– Thư mời thì đúng, nhưng không mời ra làm cố vấn!

– Bà chịu khó đọc cho tôi nghe xem nào!..

Cái thư mời của anh chàng vu vơ nào đó lôi ông Tám một mạch từ Ninh Thuận lên tuốt An toàn khu ở Việt Bắc thời kháng chiến chống Pháp: Tổng công trình sư công trình thuỷ điện Na Hang mời ông Tám lên dự lễ khởi công xây dựng công trình này.

Na Hang ngày xưa nổi tiếng là nơi rừng thiêng nước độc và là nơi giam cầm tù chính trị thời Pháp thuộc…

– …Bảo là đời này đã quên Tám Việt thì oan cho đời quá!…

Ông Tám tự xin lỗi như vậy trên đường từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội.

Từ Hà Nội, ông bạn vàng của ông cho xe đón ông lên thẳng Na Hang. Hai người biết nhau từ hồi xây dựng công trình thủy điện Trị An, kết bạn với nhau vì cùng một tính cách: Nói là làm, làm quyết liệt. Khi ông Tám còn làm việc, hai người chỉ thỉnh thoảng gặp nhau trên điện thoại.

– Em cứ gửi cầu may cái thư mời, chứ có giấy má gì đâu, thế mà anh đến thật! – ông giám đốc nói với ông Tám. Ông xưng hô như vậy vì kém ông Tám gần hai mươi tuổi.

– Cậu đã mời, thì dù phải lội bộ lên đây mình cũng đi. Mình cứ nhớ mãi cái ngày cùng với cậu lên đây khảo sát thực địa cho công trình này. Hồi ấy từ Hà Nội bò lên đây chúng mình phải mất hai ngày đường!

– Đã ngót nghét cả chục năm nay rồi còn gì nữa anh. Anh và em là hai người đầu tiên đi thăm thú thực địa cho công trình này, nên không thể không mời anh được!

– Nhưng bây giờ đi lại sướng quá! Nhận được điện thoại của bà xã, mình đang ở Ninh Thuận, mình đi xe đò ra Đà Nẵng rồi bay luôn ra Hà Nội. Tối hôm qua còn ngủ ở Hà Nội thế mà trưa nay đã ngồi đây ăn cơm với cậu rồi!

– Nghĩa là anh vẫn chưa nhận được thư mời của em?

– Bà xã mình đọc cho nghe qua điện thoại rồi nhờ người mua luôn vé máy bay cho mình!

– Thế mới là anh Tám! Ăn cơm ở đây, để anh nghỉ ngơi một lúc rồi em đưa anh về nghỉ ở nhà em. Anh sẽ là khách của nhà em đến bao giờ anh không thích ở đây nữa thì thôi!

– Sao, lập gia đình rồi à?

– Vâng, em bây giờ là công dân Na Hang!

– Từ bao giờ vậy?

– Khảo sát và thiết kế xong công trình này, huyện Na Hang kết nạp em làm công dân của huyện. Mất đúng 5 năm anh Tám ạ!

– Đất lành chim đậu?

– Nói như anh cũng đúng.

– Thế mà cậu không báo cho mình biết!

– Anh ơi, xưa nay em vẫn chúa ngại cầm bút viết thư. Cái thư em viết mời anh lên đây có lẽ là lá thư duy nhất kể từ ngày hai anh em ta lên thăm thực địa ở đây. Vì em không còn cách nào khác để liên hệ với anh.

– Mình cứ nghĩ là cậu quên mình rồi. Cô ấy làm gì, mấy con rồi?

– Vợ em là con gái Na Hang, năm ngoái vừa mới đậu cái “bằng bộ trưởng bộ y tế” huyện này. Tụi em chưa có con. Nghĩa là khi em lên đây nhà em mới bắt đầu vào học đại học Y, năm ngoái tốt nghiệp. Cô ấy xin trở về công tác tại Na Hang, thế là chúng em tổ chức lễ cưới…

– Đi Nam về Bắc mãi rồi cũng phải có một nơi dừng chân, có phải không?

– Chính em cũng không tưởng tượng nổi đường đời của mình, anh Tám ạ. Em là con trai Hà Nội, tốt nghiệp Bách khoa em đi B luôn, cho đến khi vào tận Sài Gòn, rồi xây hết cái này cái khác, gặp anh ở Trị An, sau đó em lên Xê Xan, đi Đa Nhim, rồi lên Ya Ly(*) [(*) Tên các công trình thủy điện ở miền Trung.] … Em trở lại Hà Nội nhưng xe đi quá đà, đưa em vọt lên Na Hang!

– Còn đi tiếp nữa không?

– Trước mắt em phải lo xây dựng xong thuỷ điện Na Hang đã…

– Cậu vẫn năng nổ hình như không có tuổi! Giá mà nhuộm cái tóc muối tiêu của cậu đen đi một tý thì hay đấy!

– Không được anh ạ. Nếu thế em sẽ bị cơ cấu vào lãnh đạo mất!

– ???

Bản Na Hang, rồi huyện Na Hang, giờ đây đang trên đường trở thành thị trấn Na Hang…

Sau bao nhiêu năm bây giờ trở lại, ông Tám được chứng kiến một sự thay da đổi thịt khác thường của vùng đất ma thiêng nước độc này. Đường sá phục vụ cho việc xây dựng công trình và cho việc xây dựng thị trấn mới đã hoàn thành. Na Hang náo nhiệt, ngày đêm rầm rập bước chân người đi về một tương lai đã được quy hoạch khang trang…

Đi cạnh người bạn vong niên tóc đã muối tiêu nhưng tính cách không hề thay đổi, ông Tám quan sát vùng hồ chứa nước sẽ hình thành, tìm hiểu kỹ lưỡng vùng quy hoạch thị trấn mới.., chỗ này chỗ khác ông bắt gặp những nụ cười rạng rỡ của mọi lứa tuổi… Ông đã biết các khu dân cư Đa Nhim, Ya Ly, Xê Xan… thay đổi như thế nào… Trong tiếng động cơ các loại xe, các loại máy ầm ầm trên công trường vọng về, ông vừa đi vừa mường tượng rõ rệt về một thị trấn Na Hang trong một ngày không xa…

Trong niềm vui khôn xiết của mình về Na Hang, về cuộc hàn huyên với người bạn vong niên giờ đây tóc đã muối tiêu, bỗng dưng trong lòng ông nhói lên nỗi xót xa về những vụ tham nhũng đã xảy ra kìm hãm sự phát triển của Mường Tè trước đây(*)…[(*) Thuộc tỉnh Lai Châu.]

Đêm hôm trước khi chia tay, hai người nói chuyện với nhau gần đến sáng về dự án thuỷ điện Sơn La. Ông Tám bất ngờ về thái độ ngang ngạnh của bạn mình.

– Nói thực đi, cậu mệt mỏi, hay quá thận trọng?

– Cả hai tâm trạng này đều không thể có được trong máu nghề nghiệp của em.

– Nghĩa là cậu tin rằng cậu đã cân nhắc tỉnh táo mọi khía cạnh?

– Em vốn có máu lạnh trong xử lý mọi thông số kỹ thuật, kinh tế và môi trường em có trong tay. Em tin rằng đối với công trình thuỷ điện Sơn La, phương án thuỷ điện kết hợp với thuỷ lợi để bổ trợ cho thuỷ điện Sông Đà tối ưu hơn, an toàn hơn so với phương án thuỷ điện cao hay đơn thuần. Không thể cứ làm thuỷ điện là chỉ dành mọi ưu tiên cho điện. Vả lại tỷ trọng thủy điện của nước ta quá lớn rồi, nên thủy điện kết hợp với thủy lợi là tối ưu nhất!

– Thì phương án thấp kết hợp với thủy lợi đã được chấp thuận rồi đấy thôi.

– Thật là may. Tranh cãi chật vật lắm đấy anh ạ.

– Những dữ liệu và thông số về động đất ở vùng này có đáng ngại không?

– Ai mà biết được ông trời đánh xúc xắc như thế nào ạ!?(*) [(*) A.Einstein có câu nói nổi tiếng về thế giới tự nhiên: “Thượng đế không chơi trò đánh xúc xắc!”.]. Địa tầng vùng này có các nếp gãy, chung quanh thường có động đất, tuy có xa xa một chút. Song chung quanh khu vực Thái Bình Dương đã có lúc xảy ra động đất tới tám hay chín độ rích- te (Richter), bán kính hoạt động có thể cả nghìn cây số… Mấy trận sóng thần ở ven biển Đông đã cảnh báo điều này.

– Thế thì nguy hiểm lắm?

Tác giả: