Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Chồng con của Hoài ra sao hả con?

– Chồng Hoài tên là Nhân, bác sĩ nha khoa mợ ạ. Nhà có tiền chạy, nên thoát được quân dịch. Vợ chồng Hoài có ba gái một trai. Theo ông quản gia thì cuộc sống nề nếp, sung túc. Ông quản gia kể: Nhân là con ông giáo Nguyễn Hiểu, một nhà Hán học nổi tiếng, hiện còn ở lại thành phố. Ông quản gia nói là bác sĩ nha khoa mà sang California thì đời sống kinh tế sung túc lắm.

– Vợ con của Lễ thế nào? Con có tìm đến nhà Lễ không?

– Vợ Lễ tốt nghiệp đại học luật mợ ạ, nhưng ở nhà làm nội trợ. Vợ chồng Lễ có một gái, một trai. Chắc chắn tất cả vẫn đang ở Sài Gòn. Ông quản gia cho con địa chỉ. Theo những điều ông quản gia kể thì có lẽ gia đình Lễ rất khó khăn. Vào đúng lúc Sài Gòn bắt đầu nhốn nháo, Lễ bị Nguyễn Văn Thiệu hạ lệnh tống giam, không biết vì lý do gì. Khoảng một tháng trước khi Sài Gòn giải phóng Lễ mới được thả, được phong lên đại tá. Theo ông quản gia đấy chỉ là phong miệng thôi, chẳng thấy Lễ đeo lon mới. Hơn nữa lúc này Sài Gòn nhốn nháo lắm rồi… Khi tướng tá và quân ngụy xô nhau di tản, Lễ cũng chạy ngược chạy xuôi tìm cách đưa cả gia đình đi. Nhưng hình như không kịp. Từ khi Lễ vào trại cải tạo, vợ Lễ hoang mang lắm, không tin ai cả, không dám tiếp người lạ. Chính vì thế con định tìm cách đi thăm Lễ sớm rồi mới đến thăm cô ấy và hai cháu. Con nghĩ phải tìm cách đi thăm Lễ càng sớm càng tốt. Lúc này gia đình Lễ rất cần chúng ta.

– Giá mà chú cứ ghé thăm thím Lễ một tý thì hơn. – bà Hương vợ ông Chính thốt lên.- Em cân nhắc kỹ rồi, chắc mươi hôm nữa em lại vào lại mà…

– Con có lấy được địa chỉ của chú Học và Hoài ở bên Mỹ không?

– Dạ có ạ. Anh Chính và con đã bàn với nhau sẽ viết thư sớm cho vợ chồng Lễ, chú thím Học và Hoài.

– Thế còn nhà bác Sương?

– Về họ hàng nhà mình trong ấy ông quản gia biết ít thôi, nhưng có biết bác Sương. Theo ông quản gia, bác mất có lẽ đến chục năm nay rồi mợ ạ… Các chị con bác Sương đều có gia đình, nhưng di tản hết rồi.

Câu chuyện dần dà biến thành cuộc hỏi và trả lời giữa cụ Tuyên bà và ông Nghĩa. Cả một quá khứ hơn ba chục năm về trước sống lại, bị chiến tranh ngắt quãng nhiều đoạn, nhưng cụ còn minh mẫn và đặt ra những câu hỏi rành rẽ… Có thể lòng thương yêu vô bờ bến dành cho chồng con và những người ruột thịt đem lại cho cụ nghị lực bền bỉ và sự minh mẫn lạ thường, mặc dù cụ chỉ còn như một tàu lá khô, lìa cành bất kỳ lúc nào. Ông Chính là con cả trong nhà, nên hiểu nhiều nhất tâm trạng mẹ mình trong những câu hỏi đặt ra.

Cả nhà đồng ý Nghĩa phải quay vào Sài Gòn sớm, và mọi người sẽ góp sức thực hiện việc này. Nếu không đi nhờ được máy bay quân sự thì đành bán những gì có thể bán được hoặc đi vay loanh quanh đâu đó mua vé hàng không dân dụng, cùng lắm là đi nhờ ô-tô.

Tiễn Nghĩa ra đến cổng khu tập thể. ông Chính còn đứng lại nói chuyện với em một hồi lâu nữa.

– Anh vừa mừng Lễ và Hoài còn sống, vừa bàng hoàng về việc Lễ vào trại cải tạo và cái chết của Mạnh. Sau khi nói chuyện điện thoại với em, cả đêm hôm qua anh không ngủ được. Chú Tuấn, chú Phương là liệt sĩ. Cậu không còn nữa, gia đình Minh không còn nữa, em là thương binh. Không thể so với những tổn thất của đất nước, song chiến tranh đã cướp đi của gia đình chúng ta nhiều quá…

– Cuộc chiến tranh này ác nghiệt quá anh ạ.

– Mong sao… – ông Chính dừng lại không dám nói tiếp ý nghĩ của mình. Ông đang nghĩ đến mẹ.

– Mọi điều lành dữ sau chiến tranh đều có thể, anh ạ. Nhưng bây giờ hãy còn quá sớm để ngẫm nghĩ điều gì.

– Chúng ta có đủ lý trí, thế mà vẫn phải gắng gượng vượt lên sự tan nát trong lòng… Huống chi mợ… Anh rất lo cho mợ… Nhất là bây giờ cậu không còn nữa… Cháu Nam suy diễn đúng đấy, chỉ còn thiếu cảnh ngộ em và Lễ bắn vào đầu nhau nữa thôi! Cùng sinh ra từ một nhà…

– Ruột gan em thắt lại khi thấy mợ rú lên vì câu nói của Nam! Ngồi trên máy bay trở về Hà Nội, em cố gạt hết mọi lý lẽ để tìm câu trả lời: Giả thử đụng độ với nhau trên chiến trường, em và Lễ có dám nhìn thẳng vào mặt nhau mà bắn không?.

– Chiến tranh đã kết thúc, nhưng câu trả lời không dễ, có phải không?

– Em thực lòng không có câu trả lời. Dù đấy chỉ là câu hỏi duy lý!

– Đành chịu số phận sắp đặt?

– Vâng ạ.

– Ôi thân phận con người chúng ta!

– Anh ạ, trong chiến tranh em đã chứng kiến nhiều cảnh gia đình bị chia thành hai chiến tuyến… Nhưng đến khi chính mình phải đối mặt với cảnh ngộ này… Ôi, không tưởng tượng nổi anh ạ! Anh cũng không thể bắn vào đầu em được, có phải thế không anh Chính? Anh có thể nhằm vào em mà bắn được không?

– Nghĩa! Anh hiểu. Thấy người đứt tay, hoàn toàn khác với chính mình bị đứt tay!

– Từ vài hôm nay, lúc nào nghĩ đến điều này, người em cứ bừng bừng như phát sốt.

– Mợ quá mong em. Suốt từ sáng, cứ chốc chốc mợ lại nói một mình điều gì lầm rầm, đứng ngồi không yên, chân tay lẩy bảy. Có lúc mợ còn khóc nữa làm anh sợ quá. Sáng nay anh đành phải gọi điện thoại đến cơ quan xin phép vắng mặt, không dám để mợ ở nhà một mình như thế này.

– Gần như suốt cả chuyến bay, em cố hình dung Lễ và Hoài bây giờ như thế nào, cuộc sống của Lễ trong trại cải tạo. Ngày xưa có biết bao nhiêu kỷ niệm giữa anh em chúng mình, rồi cả Mạnh nữa…

– Anh vẫn thường chế giễu Lễ là công tử nhõng nhẽo, còn Hoài là công chúa bà già.

– Anh còn nhớ hôm ba anh em chúng mình được cậu mợ cho phép dắt nhau đi chơi bằng tầu điện đến Cầu Giấy không? Lần đầu tiên em được ra ngoại thành! Hoài bé quá không được đi cùng, khóc mãi. Ba đứa chúng mình suýt lạc nhau trong rừng nứa ở đền Voi Phục, sau đó đi bộ đến chùa Láng. Lúc trở về, Lễ vừa khóc vừa bò ra đường, anh và em phải thay nhau cõng nó từ chùa đến bến tầu điện…

– Nhớ. Hôm đó tụi mình bị mắng vì về nhà quá muộn.

– Còn bây giờ? Có lúc em nghĩ, Lễ sống sót vào trại cải tạo là nhà mình vẫn còn có phúc lớn! Thà như thế còn hơn…

– Đúng thế. Vẫn hơn là anh em nhằm vào nhau mà bắn…

– Tự tay em đã có những lần bắn Mỹ, bắn dữ dội. Có lần em đã cầm lấy AK của một chiến sĩ vừa ngã xuống, trút cả băng vào tên lính Mỹ trước mặt, lẽ ra chỉ cần một viên là đủ. Nhưng khi nhằm vào những lính ngụy, em vẫn thấy có gì đó gợn gợn trong lòng mình… Bây giờ em càng hiểu rõ hơn điều này.

– Chuyện gì xảy ra đã xảy ra rồi.

– Em lo chưa biết chúng mình sẽ còn phải gánh chịu thêm những hậu quả gì nữa sau chiến tranh anh ạ. Sau khi cậu và gia đình em Minh mất, sức khoẻ và tinh thần mợ sa sút rõ rệt. Bây giờ mợ lại phải chịu thêm sự giày vò mới… Anh Chính ạ…

– Gì vậy em?

– Em lo thời gian của mợ không còn nhiều.

– Chính vì thế em đã quyết định xin giải ngũ?

– Vâng. Em tự cho mình là đã làm trọn phận sự với đất nước, bây giờ em muốn sống tất cả vì mợ, vì gia đình. Gia đình lớn của chúng ta tan vỡ, mất mát quá nhiều, bây giờ là lúc tự chúng ta phải lo hàn gắn lại.

– Anh sẽ hiệp lực cùng em. Đêm nay anh sẽ làm ngay việc viết thư đi Mỹ, mai gửi sớm. Chiều mai đi làm về, anh sẽ đạp xe xuống Bạch Mai báo tin thím Tuấn biết. Thím hồi này bắt đầu hay quên rồi.

– Ở tuổi thím, di tật tai biến mạch máu não như thế, trời để cho sống ngày nào biết ngày ấy thôi anh ạ.

– Thím có sự chịu đựng quá sức tưởng tượng, nếu không còn gay nữa. Cũng may là thím có Cúc bên cạnh.

– Chỉ khổ cho Cúc là chuyện chồng con lận đận quá Nghĩa ạ.

– Cuộc sống oái oăm là thế, em rất thương Cúc.

– Cúc lo được cho mọi người, nhưng lại lo cho mình không xong, có phải không Nghĩa?

– Còn anh em mình bây giờ phải lo chạy thi với thời gian. – ông Nghĩa xiết mãi tay anh trong tay mình.

Nghĩa ra về đã lâu. Nén hương trên bàn thờ cụ Tuyên bà thắp sau khi Nghĩa về đã cháy gần một nửa. Cụ thường thắp hương như thế khi xúc động trong lòng – không kể rằm, mùng một hay giỗ chạp gì cả. Cụ ngồi yên trên giường trước bàn thờ, hai tay chắp vào nhau, mắt ngước nhìn đâu đâu. Suy nghĩ của cụ hình như đang chờn vờn đuổi theo làn khói nhang mảnh mai bay lên không dứt. Ông Chính rất hiểu tâm trạng của mẹ trong những phút như thế. Ngồi nhìn mẹ một lúc, ông lặng lẽ rút sang phòng bên. Bà Hương, Nam, Loan thu dọn các việc đang làm rồi cũng đứng lên đi theo.

Ông ơi, ông sống khôn thác thiêng hãy phù hộ cho Lễ chóng được tha… Minh ơi, Thu ơi hãy phù hộ cho anh con… Các chú ơi hãy giúp các cháu… Lạy trời lạy phật cho tôi sức khoẻ để được gặp mặt các con các cháu tôi. Đất nước thống nhất rồi nhưng bây giờ gia đình tôi kẻ còn người mất. Lễ ơi, Hoài ơi bao giờ mẹ được gặp các con các cháu của mẹ… Trăm lạy thánh mẫu, ngàn lạy thánh mẫu, hãy phù hộ cho, các con các cháu tôi… Mạnh ơi, cháu còn nhớ bác không?

Cụ Tuyên bà ngồi yên, nhưng thỉnh thoảng vẫn lấy khăn tay lên thấm thấm nước mắt. Từng mảng đời xô dạt, va đập vào nhau, vỡ tung toé trong ký ức cụ. Không biết bao nhiêu đêm cụ khóc thầm vì nhớ Lễ và Hoài. Thời gian, sự vất vả của những năm tháng tản cư ra kháng chiến. Bom đạn, bệnh tật doạ sống doạ chết hàng ngày. Rồi lại đến những năm tháng sơ tán khỏi Hà Nội thời đánh Mỹ. Nhiều lúc nỗi nhớ héo hắt về hai đứa con lưu lạc làm cho ruột gan cụ khô quắt. Lại thêm những năm tháng canh cánh nỗi lo cho Nghĩa ngoài mặt trận, sống chết không biết thế nào. Những năm tháng đánh Mỹ, ông bà giáo sống chung với vợ Nghĩa để an ủi con dâu và đỡ đần thêm, vì vợ Nghĩa một nách hai con nhỏ. Mỗi lần có thư xa từ đâu về, dù là của ai, bà giáo Tuyên đều tìm một chỗ, khoanh tay ôm ngực ngồi chờ đợi. Không bao giờ bà giáo dám tự tay bóc thư đọc, vì trong lòng nơm nớp không biết lành dữ ra sao, miệmg lẩm nhẩm cầu trời cầu Phật. Chờ ông Giáo hay vợ Nghĩa đọc cho nghe xong rồi, bà mới thở phào buông tay xuống, lúc này mới tự mình cầm thư đọc lại… Cứ thế những lời tụng niệm nhiều lúc tự nó cứ vọng lên trong lòng… Năm năm, tháng tháng, ngày ngày, tích góp từng điều thiện nhỏ, từ trong ý nghĩ đến trong việc làm, cụ chỉ mong sao ở hiền gặp lành, mong đức từ bi thấu hiểu và độ trì cho hai đứa con lưu lạc và đứa con trên chiến trường… Tất cả đành trao gửi cho số phận…

Tác giả: