Dòng Đời – Nguyễn Trung

Thế mà chúng nó vẫn còn muốn đánh bật mình đi, dìm mình xuống bùn đen. Mẹ kiếp, khi phải làm kế hoạch 3 để cứu xí nghiệp và cứu sống nhau, thì xúm nhau lại nhân danh bảo vệ chế độ kiên quyết cản mã mình. Bây giờ lại xúm lại nhân danh bảo vệ quyền lợi công đoàn moi móc tan hoang xí nghiệp. Đời chẳng lẽ mất dạy đến thế à? Nghĩa là mình vĩnh viễn không thể giành lại được địa vị làm người của mình nữa à? Hay là mình đểu chưa đủ để thành người?

Trời ơi, có phải thế không? Mình đểu chưa đủ đểu để thành người?..

“Cái chuyện đấm con người ta gãy răng còn chưa giải quyết xong, đồng chí tính xem có nên như vậy không?.”

Đấy là lời nhắc nhở, lời khuyên can, lời cảnh cáo, lời hăm doạ, lời thách đố, lời dạy đời, lời miệt thị, lời cáo buộc, lời mặc cả, chuyện mua bán, món hàng đổi chác?

– Đù mẹ! Nói năng gì mà một câu mà có đến tám, chín, mười nghĩa!..

Hai Hân vùng đứng dậy, mở toang cửa, rú ga cái xe máy Honda đen tong tọc của mình, vọt đến thẳng nhà Tư Cương, quên cả việc ra đi phải khóa cửa.

Trời tối, có mưa lớn lại càng tối. Ông bà Tư Cương đã nấu xong cơm chiều nhưng chưa đến giờ có điện, đành nán chờ. Từ hơn một năm nay không còn cái lệ cắt điện ngày chẵn hay ngày lẻ nữa. Dân cả thành phố thở phào nhẹ nhõm. Thường thì vào giờ này thành phố phải có điện rồi. Có lẽ tại mưa lớn, rơ-le của trạm biến thế nào đó tự ngắt cũng nên…

– Hay là ta thắp tạm cái đèn dầu vậy, chờ như vầy cơm canh nguội hết trơn? – bà Tư hỏi chồng.

– Mùa này mưa to thì nhanh tạnh thôi. Nếu bà chưa đói chúng ta ráng chờ chút nữa…

Ông Tư dứt lời được một lúc, mưa tạnh, đèn điện bật sáng choang. Cả hai ông bà đều reo lên:

– A có điện!

Trên gác, hàng xóm bốn chung quanh, cũng đồng thanh reo.

Ông bà Tư đang dọn cơm thì có chuông reo.

– Ông cứ bê các thứ lên nhà đi, để tôi ra mở cổng cho. Ai lại đến vào giờ này nhỉ, cũng may là vừa mới có điện!

Một lát sau bà Tư trở vào, theo sau là người khách lạ, áo mưa trùm kín mít.

Khách cởi xong áo mưa, vuốt lại quần áo tóc tai rồi mới lên tiếng:

– Xin chào! Tôi là khách không mời mà đến. Hình như nhà ta chuẩn bị ăn cơm. Tôi đến xin ăn đây!

– Trời đất, ông Hai? – ông Tư không nói được hết câu.

Trong khoảnh khắc ông Tư chết đứng. Từ khi cải tạo cái nhà in đến giờ, kinh nghiệm đã dạy ông: Cứ mỗi lần Hai Hân đến là đều có chuyện chẳng lành. Hôm nay lại có chuyện dữ gì nữa đây?..

Ông bà Tư Cương cứ ngây ra nhìn nhau. Cả hai đều không biết nên mở đầu câu chuyện như thế nào.

Bà Tư là người đầu tiên phá vỡ sự im lặng:

– Ông Hai đến vào giờ này chắc chưa ăn cơm, xin mời ông dùng bữa với chúng tôi.

– Xin nhận lời ngay ạ. Nhưng tôi tự dưng đến thăm thế này thì nhà làm gì có cơm mà mời?

Ông Tư đã cảm thấy ngay cái cách nói lạ lạ của hai Hân, cũng mạnh dạn đỡ lời cho vợ:

– Ông nhận lời là quý hoá lắm rồi, mời ông ngồi uống chén nước là bà nhà tôi chuẩn bị xong ngay.

Ông Tư đưa Hai Hân ra chỗ sa-lông, nơi gia đình Lễ vẫn thường tiếp khách, pha ấm trà:

– Lâu lắm tôi mới lại có dịp gặp ông.

– Bác Tư ơi, bây giờ nếu thực lòng bác muốn giữ tôi ở lại ăn cơm với bác, tôi đề nghị chúng ta trở lại cách xưng hô với nhau như ngày xưa đi. Nếu không tôi xin đứng dậy ra về, đỡ phiền cho bác gái phải vào bếp.

Ông Tư không hiểu tai mình có nghe lầm không:

– Có gì đâu mà phiền, mời ông ngồi chơi uống chén nước là bà nhà tôi chuẩn bị xong ngay thôi mà.

Hai Hân đứng dậy:

– Bác vẫn chưa hiểu tôi, nếu bác không trở lại cách xưng hô cũ giữa chúng ta với nhau, tôi không nói chuyện được. Chào bác, tôi xin về.

– Chết, cậu Hai, sao cứ đùng đùng vậy, chúng tôi mời thật lòng mà! – ông Tư níu tay Hai Hân lại.

– Dạ, bác gọi tôi là cậu Hai như cũ, tôi thấy nhẹ hẳn người. Nhà cửa vắng vẻ quá. – Hai Hân cố tạo ra không khí ấm áp cho câu chuyện.

– Dạ, ông Thành thì đi Mỹ rồi. Gia đình Thắng dọn về nhà mới. Chỉ còn gia đình Vũ ở đây, nhưng sinh hoạt bên nhà bà Sáu Nhơn là chính.

– Bây giờ bác không sợ tôi đưa người nhảy dù vào đây chớ?

– Thì cậu cũng phải thông cảm cho tôi, từ cái ngày cải tạo đên giờ, hễ cứ lần nào gặp cậu là y như rằng cậu gây cho tôi không chuyện này thì chuyện khác. Không phải chỉ mình tôi, ông Thành cũng nghĩ thế! Mười năm rồi còn gì nữa, thành thói quen mất rồi.

– Đến bây giờ bác vẫn chưa hết sợ sao?

– Chưa. Mặc dù chẳng còn gì để mà sợ.

– Như thế là bác còn nhiều điều để mà ghét?

Thấy ông Tư im lặng, Hai Hân do dự một lát rồi nắm lấy tay ông Tư:

– Trước khi nói chuyện với bác hôm nay, tôi có lời xin lỗi đã. Xin lỗi vì cái tội đã làm cho bác sợ. Nói thật lòng, tôi xin lỗi về mọi điều cư xử không đúng đối với bác, chứ không phải vì công việc cải tạo cái nhà in Ánh Sáng.

– Sao tự dưng cậu lại nghĩ đến chuyện xin lỗi?

Hai người uống nước. Hai Hân nói lại đầu đuôi câu chuyện, nhất là những việc đang nổi cộm trong xí nghiệp, rồi tìm cách giải thích thêm cho ông Tư:

– Bác phải thông cảm cho tôi. Con người đã đội trên đầu mình cái tên là đầu trộm đuôi cướp, là lưu manh côn đồ, là gì gì nữa… Con người ấy không còn gì để mất! Tôi là như thế, nghĩa là không còn là người nữa!

– Thôi đừng nhắc lại ngày xưa!

Hai Hân không để ý đến sự khuyên can của ông Tư, anh vẫn một giọng buồn buồn:

– … Tôi nghe lời bác Ba Khang. Cứ nói cho oai là được bác Ba giác ngộ cách mạng đi. Nói to tát nó là như thế. Thực ra là lúc ấy thâm tâm tôi chỉ một ý chí tìm đường chiếm lại quyền làm người của mình, đơn giản có thế thôi. Là người mà không được coi là người thì tôi không chịu được, mà tôi có đui què mẻ sứt gì! Tôi không ngu dốt hơn nhiều thằng có học khác. Tôi còn có phẩm chất bằng vạn kẻ giàu sang danh giá khác. Tôi đã từng cho kẻ ăn mày, người tàn tật, hay một con điếm khốn khó cả nắm tiền tôi có trong tay, mặc dù tôi chưa biết ngày mai tôi sống bằng gì… Nhưng cái hận là người mà không được đối xử như người thì tôi không chịu được!.. Bác cứ nhìn các sẹo đây này. – Hai Hân vạch hai ống tay, kéo hai ống quần lên đến quá đầu gối, phanh ngực, rồi quay lưng lại vén ngược áo lên…

Sống bao nhiêu năm trời với Hai Hân, đã được nghe nhiều về Hai Hân, được nghe nhiều điều chính miệng Hai Hân kể ra.., ông Tư kinh ngạc hôm nay mới biết trên người Hai Hân có nhiều vết sẹo đến thế. … Hèn gì không bao giờ thấy anh chàng này cởi trần! – ông Tư nhớ lại.

Có lẽ, võ nghệ cao đã giúp Hai Hân không có vết sẹo nào trên mặt. Tuy vậy, đối với ông Tư, thật sự bất ngờ…

– Bác thông cảm, tôi quyết tâm chiếm bằng được cái chức giám đốc xí nghiệp in, bằng bất kỳ giá nào! Trong khi đó người ta lại muốn chọn người khác. Người ta không biết làm như thế là đánh một đòn chết người vào quyết tâm của tôi. Đã thế có lúc bác lại còn lôi cả lời thề độc của tôi ra xịa lại tôi, bác còn nhớ chứ?

– Thế mà tôi cứ nghĩ rằng cậu coi tôi, Bảy Dự, Ba Khang… là kẻ thù không đội trời chung! ông Tư vừa hồi tưởng lại mọi chuyện, vừa rót nước cho Hai Hân nói tiếp.

– Trong tiến hành cải tạo, tôi đã làm bất kể việc gì, miễn là tôi đạt mục đích! Thậm chí có những việc tôi chủ định làm quá đi, để chắc thắng, dứt khoát không chịu thất bại. Tôi quá lời với Năm Thịnh cũng cùng một lý do như đã đối xử với bác, với bác Ba, với Bảy Dự mà thôi…

– Nghĩa là chính sách nói một, cậu làm hai!?

– Gần như thế. Chỉ có một điều duy nhất…

– Là gì?

– Bác nhìn lại mà xem, tôi không tơ hào một chút gì cho riêng mình, đến ngày hôm nay cũng vậy… Tôi chỉ muốn khẳng định tôi là tôi, với bất kỳ giá nào!

– Tôi vẫn biết cậu là con người quyết liệt…

– Bác còn nhớ mấy lần bác yêu cầu tôi ký vào cái bản kiểm kê tài sản nhà ông Học?

– Tôi hiểu điều này. Tôi còn biết nhiều chuyện khác trong xí nghiệp qua vợ chồng Thắng ở trên gác hai. Tôi biết vợ chồng cậu vẫn chui rúc trong cái hẻm cũ… Nói thế này cậu đừng cho tôi là phản động, cậu là người giám đốc trong sạch đầu tiên mà tôi biết trong cái Thành phố này đấy. Hay là bây giờ tôi như ếch ngồi đáy giếng?

– Ha ha ha… Nhận xét này nghe được đấy! – Hai Hân cười chua chát. – Thế mà tôi cứ lo chưa đủ đểu để thành người! Bác Tư, bác có biết điều thay đổi lớn nhất đã đến với tôi không?

Tư Cương hết rót nước cho Hai Hân lại rót cho mình, rót xong vẫn giữ hồi lâu cái ấm trong tay, trong đầu cố tìm cách trả lời. Ông đặt ấm chè xuống, lắc đầu:

– Chịu. Không đoán được.

– Tôi đã đạt được mục đích. Đạt tốt là khác! Bác biết đấy, những năm đang có chiến tranh với Pôlpốt, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc, trăm ngàn khó khăn… Làm riết các nhiệm vụ, dần dần tôi thấy mình có ích cho nhiều người, thấy ngày một rõ hơn ý thức trách nhiệm. Nhất là những năm gần đây, một lúc tôi phải lo cho cuộc sống của bốn năm trăm con người, cũng có nghĩa là vài trăm gia đình bác ạ. Tôi ngày đêm chỉ còn có lo và lo thôi. Tôi quên dần hoặc không còn nghĩ đến việc trả thù đời, nghĩa là không tự ti nữa. Có thể nói trách nhiệm trong công việc đã thuần dưỡng tôi, biến đổi tôi. Câu chuyện bây giờ là sự phá bĩnh, nói cho đúng hơn là tệ nạn ăn cắp trong xí nghiệp đụng thẳng vào ý thức trách nhiệm của tôi, đang muốn đánh đổ ý chí tự khẳng định mình của tôi!

Tác giả: