Dòng Đời – Nguyễn Trung

Đến nước Mỹ rồi đây mình sẽ sống ra sao? Lại bắt đầu một chu kỳ mới của cái vòng luẩn quẩn?

Thảo và Tín cũng có lúc bỡ ngỡ, xuýt xoa trước những cảnh quan chưa bao giờ được thấy. Riêng Thảo đôi lúc còn ngắm nhìn Lễ, hiểu rất rõ tâm trạng của Lễ… Có lúc Thảo kéo Tín sang ngồi với mình, cùng xem phong cảnh, cùng trò chuyện, để cho Lễ được hoàn toàn một mình trong cái thế giới riêng của mình. Câu chuyện nào với con Thảo cũng kéo Huệ vào, trong lòng vừa nóng ruột đến Hà Nội, lại vừa mong sớm đến Mỹ để hiểu tường tận về cái chết của con gái mình.

Có lúc cả hai mẹ con Thảo hoàn toàn bị những cảm xúc chưa hề biết đến bao giờ xâm chiếm.

Cuộc sống thanh bình của đất nước ngay trước mặt, lòng dạ xốn xang lần đầu tiên sẽ được gặp những người thân thương, ao ước được đến thăm thủ đô của nước mình, cảm nghĩ rồi đây sẽ phải xa những người thân, xa đất nước, những câu hỏi về tương lai…

Không hiếm những lúc cả khoang tàu của gia đình Lễ yên lặng, vì mỗi người theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình, trong lúc con tàu cứ dập dình lắc lư theo nhịp riêng của nó… Tuy vô tư hơn cha mẹ mình, song Tín hiểu được và biết tôn trọng tâm trạng của cha mẹ.

Thảo đôi lúc cảm thấy ngực đau nhói, phần nào vì bệnh tim cố hữu trong chuyến đi dài, nhưng phần nhiều hơn vì câu hỏi xé lòng: Vì sao một nước, một nhà rồi mà vẫn người còn người mất, vẫn sẽ phải mỗi người một nơi một ngả?.. Cùng với những năm tháng nặng nề vì cảnh ngộ gia đình mình, Thảo đã bao lần trả lời câu hỏi này mỗi lúc một cách khác nhau, nhưng cùng chung kết cục là không trả lời được!… Hay là chính bản thân mình đã trở thành sợi dây của trận kéo co bất tận không phân thắng bại?.. Con tàu chạy ra Hà Nội, nhưng không ít giây phút ý nghĩ của Thảo hướng về ba má anh chị em mình tại phương xa nơi nước người…

Thảo cố giữ trong lòng câu hỏi không trả lời được cho riêng mình…

…Bước xuống ga Hàng Cỏ, Lễ nghẹn ngào nấc lên không thành lời trong vòng tay của Chính:

– …Anh ơi, trên sân ga này, cậu mợ, anh, anh Nghĩa đã tiễn chú thím Học, tiễn Mạnh, em và Hoài. Bây giờ cậu không còn nữa, Minh không còn nữa, Mạnh không còn nữa…

Niềm vui đoàn tụ bắt đầu bằng nước mắt.

Sự ân cần của ông bà Chính, ông bà Nghĩa, các cháu Mai và Tân ngay lập tức làm cho Thảo và Tín cảm thấy mình đang trở về nhà. Nỗi xúc động ban đầu lắng dần. Đi được vài bước ra đến cửa nhà ga, Lễ nhìn quanh rồi kêu lên:

– Ôi! Nhà ga ngày xưa không còn nữa các anh các chị ạ!..

– Nhà ga cũ bị bom Mỹ phá hỏng rồi em ạ…

Mấy cái xích lô đưa anh em con cháu họ Phạm về nhà. Thảo và Tín ngơ ngác nhìn đường phố đã đành. Mắt Lễ cũng như dán vào hai bên đường, nói nói chỉ chỉ, lúc nói một mình, lúc nói với người đạp xích lô, gần như suốt dọc đường:

– …Bên này là nhà của Công ty đường sắt Vân Nam thì đây phải là khu nhà Đấu xảo, sao lại khác thế này nhỉ? Cái nhà lớn này hồi đó không có…

Phố Hàng Bông Nhuộm đằng kia kìa!

Bên kia là Toà án này, mình hãy còn nhận ra, đã có lần ra tận đây bắn chim, pô-lít thu mất súng cao su…

Đường này ra Tràng Thi, đến Thư Viện Quốc Gia…

Đường này đi đến cửa hiệu Gô-đa(*)[(*) Godar – siêu thị Hà Nội Plaza ngày nay.], thỉnh thoảng mình được cậu mợ dắt đến đấy… Đúng lối này ra Nhà hát Lớn, Nhà hát Lớn đằng kia…

– Bác ngày xưa chắc đẻ ở Hà Nội… – người đạp xích lô vừa bắt chuyện, vừa nói thêm cho Lễ biết nhiều tên phố đã thay đổi, bắt đầu từ nhà ga là phố Hàng Lọng…

Ngó nghiêng mấy lần, thấy đoàn xe xích lô đến cổng, Loan chạy vào đỡ bà. Cụ Tuyên bà nhờ cháu đưa ra tận bậc thềm nhà để đón con cháu. Yến phải trực ban, đến tối mới về, nên không được chứng kiến những giây phút đáng ghi nhớ này.

Nhìn thấy cụ, Lễ nhảy bổ từ xe xích lô xuống, chạy lại ôm chầm lấy mẹ, ông Chính và Nghĩa cũng chạy vội lên đỡ lấy hai người.

Cả hai mẹ con Lễ lặng đi hồi lâu, nước mắt sụt sùi, chẳng ai nói được câu nào, mọi người chung quanh nín lặng, trời đất như tụt xuống…

Một lúc sau bỗng dưng Lễ quỳ thụp xuống ôm lấy chân mẹ, nức nở, trước sau chỉ một điều:

– Con lạy mợ! Con lạy mợ… Con xin mợ tha tội…

Ông bà Chính, Thảo, Loan và Tín đều lặng đi. Bao nhiêu xót thương thầm kín lâu nay như bùng lên xâm chiếm nỗi lòng mọi người. Thảo thấy người mình hẫng hụt lảo đảo, phải bám vào Loan và Tín để khỏi ngã và cũng bật lên khóc theo chồng…

– …Ôi mợ già đi nhiều quá, nhưng con vẫn nhận ra mợ. Mợ ơi, mợ có nhận ra con không mợ? Mợ nhận ra con chứ ạ? Cậu mợ tha thứ cho con chứ ạ?.. Con lạy cậu mợ…

Cụ Tuyên bà nghẹn ngào không nói được, Lễ càng giục:

– Mợ nhận ra con chứ ạ? Con của mợ! Con là Lễ của mợ đây ạ!

– Ôi Lễ con!.. – mãi cụ Tuyên bà mới thều thào được, nước mắt ròng ròng…

Ông Chính phải dìu cụ Tuyên bà ngồi vào ghế, Lễ bước theo vào quỳ dưới chân mẹ. Cụ Tuyên bà rẽ hai mái tóc của Lễ, vừa gạt nước mắt trên mặt Lễ vừa rên rỉ:

-…Ôi Lễ! Sao trông con lại già hơn cả anh Nghĩa con?

Chờ cho mẹ mình nguôi đi, Lễ mới đứng dậy dắt Thảo và Tín ra trước mặt:

– Thưa mợ, đây là Thảo ạ, con dâu của mợ ạ. Cháu là Tín, cháu nội của mợ đấy ạ. Em và con chào bà đi.

– Con lạy mợ ạ. – Thảo quỳ phục xuống chân cụ Tuyên.

– Cháu lạy bà ạ. – Tín cũng quỳ theo mẹ.

– Thế Huệ đâu? Sao lại không thấy Huệ? – cụ Tuyên bà ngó kỹ xem còn sót ai rồi mới hỏi.

Chưa ai nói được câu gì, tiếng khóc tự bật ra. Thảo chắp hay tay trước ngực nức nở:

– Chúng con lạy mợ. Chúng con có lỗi với mợ. Chúng con đã không giữ được cháu… – Thảo gần như ngã rụi xuống, Tín phải đỡ vội lấy mẹ.

– Mợ ơi, Huệ mất rồi, chúng con khổ quá mợ ơi!..

Cụ Tuyên bà hai tay phải bám lấy Lễ để ngồi cho vững, giọng run lên, nói không ra hơi:

– Trời ơi! Thế là thế nào? Cả nhà nói đi! Thế là thế nào?! Sao không ai nói gì với mợ?.. Trời đất ơi, cháu tôi…

Nói đến đây hai tay cụ Tuyên bà buông thõng, đầu ngoẹo sang một bên. Ông Chính bà Hương phải đỡ vội lấy cụ.

– Con có lỗi với mợ. – ông Chính tìm cách an ủi cụ Tuyên bà. – Lẽ ra con phải kể cho mợ biết từ lâu, nhưng hồi này mợ yếu quá… Chúng con sẽ kể mợ nghe… – ông Chính quay sang bà Hương: – Em đỡ mợ đi nghỉ đi. Kiếm ghế cho Thảo ngồi nghỉ tạm một lúc…

Mọi người làm theo lời ông Chính, rồi tất cả lại quây quần chung quanh cụ Tuyên bà. Lúc này ông Chính mới kể lại cho mẹ nghe mấy bức thư của chú thím Học và của Hoài về cái chết thê thảm của Huệ. Mọi người thấy rõ cụ Tuyên bà cố gắng chịu đựng. Cụ không hỏi nhiều, không tự nói điều gì, nhưng thỉnh thoảng thở dài, tay gạt nước mắt…

– …Trời đất ơi… Khổ thân cháu tôi!

Khi Thảo kể lại trước khi ra đi Huệ nhờ bố mẹ chào bà, chào các bác các anh chị ngoài này, cụ Tuyên bà nấc lên.

… Tối hôm ấy các gia đình họ Phạm có mặt đông đủ tại nhà ông Chính. Có không biết bao nhiêu chuyện để nói, để khóc, để hỏi thâu đêm… Thời gian và không gian hầu như không giữ được cái trật tự vốn có. Quá khứ và hiện tại hòa quyện vào nhau, đuổi bắt nhau… Câu chuyện cứ tự nó dẫn dắt mọi người đi suốt từ Bắc vào Nam rồi lại từ Nam ra Bắc, khắp các chiến trường, các vùng quê thời tản cư, thời sơ tán, hết chuyện Hà Nội lại đến chuyện Sài Gòn, sang cả Mỹ, cả Pháp… Nhưng mỗi khi câu chuyện mon men đến gần trại cải tạo Bảo Lộc thì Lễ là người đầu tiên lái nó đi hướng khác… Có lúc câu chuyện vô tình đụng chạm đến trại cải tạo, thậm chí có khi chỉ đụng chạm đến chuyện cải tạo nói chung, Lễ không làm sao chịu nổi sự dị ứng nhức nhối, phải khẩn khoản xin mọi người nói chuyện khác… Bao trùm lên tất cả là Lễ, Thảo, Tín đều chung một cảm nghĩ: Đây thực sự là đại gia đình của mình, được đối xử nồng ấm như những đứa con lưu lạc đâu xa mới về… Đó là gia đình của mình!.. Nỗi đau đớn mất Huệ được bù đắp phần nào…

Ngay tối hôm ấy, Lễ,Thảo,Tín thắp hương vái cụ giáo Tuyên và gia đình Minh. Trong lời khấn Thảo cũng nhắc đến Huệ…

Theo nguyện vọng của Lễ đã báo trước ra ngoài này, ngày hôm sau vợ chồng ông Chính và vợ chồng ông Nghĩa đưa gia đình Lễ về quê viếng mộ cha và các mộ của gia đình Minh.

Đây là lần đầu tiên trong đời Lễ được đặt chân lên vùng đất sinh thành ra họ tộc mình, trong lòng xốn xang một cảm nghĩ khó tả.

…Anh Nghĩa đã cố nhồi nhét hết nhẽ cho mình, thế nhưng mình không tài nào xua đuổi được tâm trạng ghẻ lạnh lẩn quất đâu đó trong tâm khảm. …Con đường mình đi đã đi gần hết đời người… Hay là trên đời này vẫn tồn tại một bức tường chắn, mình không bao giờ có thể vượt qua? Hình như chỉ có tình cảm máu mủ ruột thịt từng lúc, từng lúc xua đuổi được sự ghẻ lạnh này trong con người mình. Từng lúc từng lúc xoay ngược được tất cả… Từ ngày hôm qua lại càng như thế. Ta có thể thắng, có thể khuất phục được sự ghẻ lạnh này không?.. Ôi những kỷ niệm xa xưa mẹ kể lại đêm qua, những lời dạy dỗ của cha, cái áo mẹ đưa anh Nghĩa cầm vào…

Chân bước đi, nhưng Lễ không làm sao phân biệt được mình đang trên đường về quê hay đang trở lại quá khứ thời thơ ấu bị đánh mất… Phong cảnh đồng quê ngoài Bắc hàm chứa một điều gì đó sao mà thân thương hiền hoà, sao mà sâu lặng! Mỗi bước đi một ngỡ ngàng…

– Làng ta kia kìa, chỗ cây gạo đỏ ấy!

Tác giả: