Dòng Đời – Nguyễn Trung

28.

Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ ký được hơn một năm, quan hệ kinh tế hai nước năng động hẳn lên. Đông đảo người Việt ở nước ngoài hoan nghênh các nhà lãnh đạo Việt Nam không từ một cố gắng nào để khép lại quá khứ và kiên trì theo đuổi chính sách quan hệ hoà bình, hợp tác và hữu nghị lâu dài với Mỹ. Một số nhà hoạt động chính trị nổi tiếng trên thế giới, kể cả ở Mỹ, coi chính sách của Việt Nam hướng về tương lai như vậy là dũng cảm và đầy phẩm giá của một dân tộc có truyền thống văn hoá lâu đời…

Thế nhưng cánh Lý Lam vẫn tìm mọi cách khuấy động trong cộng đồng người Việt ở Mỹ phong trào chống lại bước tiến quan trọng này trong quan hệ Việt – Mỹ. Một số chính khách cực hữu ở Mỹ cùng với một nhóm có thế lực trong báo Chánh đạo trực tiếp chỉ đạo Lý Lam tiến hành những hoạt động chống phá. Lúc đầu là các bài báo, những cuộc họp, những cuộc vận động lấy chữ ký, những cuộc mittinh lúc đông, lúc vắng.., tập trung vào các khẩu hiệu: Không được trả công cho sự xâm lăng Cộng Hòa Việt Nam của Việt Cộng bằng Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ! Không được phản bội các lính Mỹ đã chết ở ViệtNam!.. Trong khi đó những loại người như Michael Fox hay Quách Minh Châu từ lâu đã bỏ nghề chống Hà Nội và chuyển sang nghề khác. Với thước đo trong xã hội Mỹ, các cuộc mit tinh một vài chục người được coi là đông rồi, bởi vì nhịp sống, sự bận rộn và quỹ thời gian của mọi người ở đây cũng như ở nhiều nước công nghiệp khác hiếm khi cho phép có những cuộc tụ họp đông đảo hơn, trừ những hiện tượng trong đời sống thể thao, âm nhạc và những sự kiện đặc biệt như biểu tình của người Mỹ chống chiến tranh, chống ô nhiễm môi trường… Có cuộc mitting, đám Lý Lam trưng cờ và khẩu hiệu lên, ngồi chờ mãi rồi lại cuốn cờ và khẩu hiệu đi, vì giờ thuê phòng họp mit tinh đã hết và không có người đến dự. Nhưng cánh Lý Lam không nản. Khi Hiệp định đã được ký kết, Lý Lam quay sang làm rùm beng những phản ứng trong nội bộ Mỹ đối với việc thực hiện Hiệp định. Không thể nói cánh Lý Lam đã khơi mào các vụ kiện cáo Việt Nam về cá basa, về hàng may mặc.., song hoạt động của cánh Lý Lam đã làm cho những vụ việc này phức tạp thêm nhiều…

Nói về cá ba sa, khi sự việc xảy ra, người của cánh Lý Lam được chỉ đạo đến gặp các chủ trang trại nuôi cá catfish(*) [(*) Thuộc họ cá da trơn, nhưng không phải là cá ba sa.] tại vùng đồng bằng sông Mississippi, vận động họ thúc giục các nghị sĩ quốc hội 6 bang miền Nam nước Mỹ, từ Arkansas, Mississippi… đến Tenneessee, xúc tiến vụ kiện này. Yêu sách đề ra là phải bảo hộ nghề nuôi cá catfish của Mỹ… Tiếng nói chống Việt Nam ở Mỹ lại có dịp bùng lên, thuận lợi cho các quyết định chính trị của Mỹ ngược dòng với bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ.

Chuyện Mỹ áp đặt cô-ta đối với hàng may mặc Việt Nam cũng có một lịch sử ra đời tương tự.

Những tin tức báo chí tiếng Anh và tiếng Việt tại Mỹ chung quanh những câu chuyện ngược dòng này làm Lễ nhức nhối. Nếu Lễ không nhầm, hình như mọi lần đến thăm ông Học trong năm nay, câu chuyện giữa hai chú cháu hầu như thường xoay quanh những sự việc ngược dòng này.

Lễ tâm sự với chú mình:

– Gia đình cháu lâu nay thoát được cái nạn Lý Lam và tay chân đến quấy rầy. Song bây giờ lại là chuyện cánh Lý Lam quấy rầy cháu qua báo chí. Chúng chửi rủa những người thờ ơ với hoạt động của chúng. Báo của bọn chúng cháu không mua, nhưng chúng cũng tìm cách đút lén vào nhà, có khi kèm cả các tờ rơi… Cháu không hiểu bọn này muốn chống lại đất nước đến bao giờ nữa!

– Chống lại đất nước là một nghề kiếm sống của họ rồi. Có mài được gạch thành gương soi thì họ vẫn là họ thôi! Chỉ có chết họ mới bỏ được…

– Cánh Lý Lam điên khùng đến mức ủng hộ ý kiến của một số luật sư ở mấy bang phía Nam nước Mỹ đòi áp mức thuế 190% đối với cá basa của ta chú ạ. Thật không tưởng tượng nổi! Hành động chống Hà Nội như vậy khác với hành động phản lại đất nước ở chỗ nào hả chú?

– Vừa mới đây, chú đọc một bài phê phán của Grey Rushford. Ông ta coi quyết định của Bộ Thương mại chẳng khác gì việc ném bom napalm lên hàng ngàn nông dân nuôi cá basa ở ven sông Cửu Long. Cháu xem, người Mỹ có lương tri còn phải nhức nhối về chuyện này. Rushford là tổng biên tập chương mục chính trị trên The Asia Wall Street Journal đấy.

– Cháu thấy chừng nào Việt Nam chưa gia nhập được WTO(*) [(*) World Trade Organisation.] , Mỹ còn tha hồ đơn phương bắt chẹt chú ạ.

Cũng đã mấy năm liên tiếp ông bà Học không có điều kiện về thăm đất nước, kể cả khi biết bà Sáu Nhơn ốm nặng sắp qua đời, rồi đến khi nhận được tin báo tang… Nguyên do là nhãn áp của ông Học sau khi thay thuỷ tinh thể thường xuyên không ổn định, ông không được phép ở cách quá xa bác sĩ của ông. Bà Học cũng bắt đầu phải lo lắng về tình trạng huyết áp thất thường của mình. Ông bà Học có cảm giác ý định mỗi năm về thăm đất nước một lần ngày càng khó thực hiện hơn… Như để bù lại sự xa vắng này, ông Học quan tâm theo dõi sít sao mọi bước đi của đất nước. Khi Hiệp định Thương mại Việt – Mỹ vừa mới được ký kết, ông mời Lễ, Tôn Thất Loan, Năm Thịnh và một số bạn bè khác đến chỗ ông uống rượu chúc mừng. Bây giờ ông đi lại khó hơn trước, nên mỗi lần có tin vui gì trong nước hoặc có sự kiện gì lớn, ông thường chủ động mời mọi người thân quen tụ tập lại đàm đạo với nhau. Cũng may là mấy năm gần đây ông bà Học có nhiều niềm vui mới. Lúc thì vợ chồng Tân – Linda và bé gái Lisa, lúc thì vợ chồng Tín Kim với cún bông vẫn thường xuyên thăm hỏi ông bà. Mùa hè năm nay vợ chồng Tín – Kim và cún bông vừa mới thăm ông bà Học vài ngày.., ông bà cảm thấy hạnh phúc lắm.

Trong chuyến thăm này, vợ chồng Tín – Kim mua biếu ông Học cuốn Tuệ Trung Thượng Sỹ Ngữ Lục và tập kỷ yếu của cuộc hội thảo khoa học về danh nhân Trần Tung, vừa mới tái bản trong nước, ông vô cùng sung sướng. Đúng là sách lâu nay ông nhờ người tìm mua hộ không được. Trong lúc ông đang lần lần các trang sách, Tín và Kim tủm tỉm đứng nhìn, thế rồi Tín nháy mắt cho Kim…

– Ông ơi, chúng cháu đem đến cho ông một bất ngờ lớn ạ. – Kim trịnh trọng đưa ông Học một cặp đựng hồ sơ bằng da thuộc rất đẹp.

– Sao, bằng khen à? Hai cháu định tặng cho ông bằng gì thế này?

– Thưa ông, đây là tấm bằng cao quý nhất trên đời ạ. – Kim đáp lại.

Ông Học giở ra xem, ngỡ ngàng.

Ông đọc: Tuyên Ngôn Độc Lập… rồi lặng người đứng đọc tiếp cho chính mình nghe…

– Ôi, quý quá! Thế này là thế nào hả hai cháu?

– Thưa ông, đấy là bản sao bản Tuyên Ngôn Độc Lập bà Sáu Nhơn đã giữ hơn một nửa thế kỷ nay đấy ạ… Chúng cháu xin anh Vũ một bản để mang sang đây biếu ông ạ…

– Trước khi về thăm đất nước lần đầu tiên sau giải phóng, ông đã đọc Tuyên Ngôn Độc Lập nhiều lần. Tủ sách của ông hiện giờ vẫn có bản Tuyên Ngôn này. Nhưng đây là bản sao bản Tuyên Ngôn do bà Sáu Nhơn giữ hơn một nửa thế kỷ thì quý quá, bản chép tay hẳn hoi… Sao lại có bản này hả hai cháu?

Tín kể lại từ đầu mọi việc xảy ra khi bà Sáu Nhơn trao bản Tuyên Ngôn Độc Lập này cho Vũ trước khi bà đi xa… Nhưng Tín không hề biết chuyện bản gốc bị xé rách làm đôi, vì Vũ không kể cho nghe…

Ngắm nghía mãi bản sao Tuyên Ngôn, ông Học tự thốt lên với chính mình:

– Trời ơi, bà Sáu đã giữ bản Tuyên Ngôn này hơn một nửa thế kỷ! Vượt qua mọi chết chóc và thử thách!.. – Đoạn ông chạy đi tìm bà Học đang chơi với cún bông ngoài vườn.

Ông bảo mọi người vào đứng trước bàn thờ, rồi ông trịnh trọng đặt bản Tuyên Ngôn lên bàn thờ, tay run run thắp hương khấn:

…Em kính lạy chị Liên sống khôn thác thiêng. Lúc chị đi xa, em không về tiễn chị được, nhưng hôm nay chị đã đến với em… Con cháu họ Phạm chúng em sẽ gìn giữ mãi bản Tuyên Ngôn này để không bao giờ quên…

Ông Học nghiền ngẫm rất kỹ cuốn sách và tập kỷ yếu vợ chồng Tín – Kim mới tặng, đối chiếu những bình luận với các bài thơ, bài kệ, các áng văn trong Tuệ Trung Thượng Sỹ Ngữ Lục… Bộ sưu tập về thơ văn Lý – Trần của ông được bổ sung một cuốn sách và những tài liệu quan trọng. Nhưng điều làm ông xúc động hơn nhiều là qua bộ sách và tập kỷ yếu này ông thấy việc nghiên cứu, gìn giữ những giá trị văn hoá và tư tưởng Phật học ở trong nước ngày càng có chiều sâu khoa học, nhất là đã phát hiện ra nhiều giá trị nhân văn của đạo Phật ở nước ta, thuộc về riêng nước ta… Lâu nay, gần như suốt đời mình, ông vẫn mường tượng rằng đạo Phật ở nước ta là đạo Phật của đức tin, của tu thân tích đức cho tương lai, chứ không phải là một hệ giáo lý, càng không phải là một ý thức hệ, bây giờ ông có đủ cơ sở rất thuyết phục cho niềm tin sâu sắc như vậy của mình.

…Ôi một đất nước biết gìn giữ những giá trị như vậy, đất nước ấy nhất định phải có tiền đồ xán lạn…

Sự việc cánh Lý Lam cố quậy lên những chống đối chống lại đất nước chung quanh sản phẩm cá basa và hàng may mặc của Việt Nam đến với ông Học đúng vào lúc trong thâm tâm ông có những xúc động lớn như thế. Ông chia sẻ sự căm phẫn của Lễ, song ông nhìn nhận sự việc cũng điềm đạm hơn Lễ. Ông không mong đợi những người như Lý Lam đến lúc nào đó có thể sám hối, có thể phân biệt được đâu là chính, đâu là tà.

Tác giả: