Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Tôi chỉ cố gắng làm công việc chắt lọc thôi ạ.

– Tôi phải cảm ơn anh là đã không làm công việc biên tập lại các tư liệu và không sáng tạo lịch sử.

– Thưa anh, làm ra lịch sử là sự nghiệp của nhân dân, đâu phải của ngòi bút ạ.

– Đọc tổng kết của anh, tôi thích nhất điều này… Anh cất hết các tư liệu gốc vào chỗ cũ rồi chứ?

– Báo cáo, rồi ạ. Tôi đã niêm phong lại các két sắt và lập hồ sơ trao trả đầy đủ cho lưu trữ.

– Tốt lắm. Anh có thời giờ đi được nhiều nơi trong ấy không?

– Dạ, tôi chỉ loanh quanh ở Sài Gòn.

– Thua tôi rồi. Tôi vào trước anh một tháng, cũng chỉ có 4 ngày như anh. Thế mà tôi dành được trọn vẹn một ngày ở Cần Giờ.

– Anh may hơn tôi là gặp được má Sáu và đông đủ gia đình các anh của chị Thạnh. Tôi không gặp được một ai trong họ hàng ruột thịt của mình.

– Tôi già mất rồi, không còn nước mắt để khóc… Nhưng thôi, không nhắc lại chuyện cũ nữa. Bây giờ tôi muốn được nghe chuyện của anh.

– Thưa thiếu tướng…

– Ông nội ơi, sao bỗng dưng trịnh trọng? Có cái giọng này từ bao giờ thế?

– Vâng, thưa đồng chí thiếu tướng, trước hết xin rất cảm ơn đồng chí. Không có bức thư giới thiệu của đồng chí với Ban Quân quản thành phố, chuyến đi Sài Gòn của tôi chắc sẽ công cốc. Tôi mới về tối hôm qua… – Nghĩa cầm tách chè lên, cố giấu sự lưỡng lự.

– Anh nói tiếp đi!

– Có việc quan trọng đối với gia đình, nên hôm nay tôi xin đến báo cáo ngay với đồng chí.

– Lại còn thế nữa? Học viện của chúng ta toàn công việc nghiên cứu dài hạn, có gì mà gấp gáp như vậy?

Trung tá Nghĩa chủ động rót nước đưa cho tướng Lê Hải. Ông muốn chuẩn bị cho thiếu tướng sự bình tĩnh cần thiết để nghe mình trình bày.

Sự việc là nhờ bức thư của tướng Lê Hải, sau 3 tháng liên hệ các nơi và nhờ được một số bạn bè trong Ban Quân quản thành phố giúp đỡ, cách đây bốn hôm trung tá Nghĩa xin đi ké máy bay quân sự vào Sài Gòn, mới trở về Hà Nội tối hôm qua. Trung tá đã tìm được địa chỉ em trai mình: Phạm Trung Lễ, đại tá quân đội nguỵ, hiện đang cải tạo ở trại B7. Ban Quân quản thành phố giúp đỡ Nghĩa liên hệ với Ban chỉ huy B7 qua điện thoại. Cán bộ trực ban của trại cho Nghĩa biết: Lễ đã tự khai báo với chính quyền và là một trong những người đầu tiên vào trại, thái độ học tập tỏ ra nghiêm chỉnh. Nghĩa định tới trại tìm em, nhưng người trực ban cho biết lúc này đang thời gian các trại viên học tập và tự khai báo, không ai được vào thăm, trừ khi có chỉ thị đặc biệt của trên. Ban Quân quản thành phố cũng khuyên Nghĩa nên chờ thêm cho qua đợt học tập đặc biệt này, chắc không lâu đâu… Trại cải tạo B7 dành cho các sĩ quan ngụy cấp tá. Cơ sở của trại cải tạo B7 vốn là trường huấn luyện hạ sĩ quan ngụy, tại Bảo Lộc.

Nghĩa kết thúc phần trình bày của mình:

– Anh Hải ạ, họ hàng thân thiết của tôi trong Nam hiện nay còn một số người. Gia đình lớn của chúng tôi ở Hà Nội bị xé lẻ ngay từ ngày Nam Bộ kháng chiến. Bố mẹ tôi đã mất liên lạc với hai đứa em sau tôi là Phạm Trung Lễ và Phạm Thị Thu Hoài ngay từ hồi đó. Tất cả những điều này tôi đã khai rõ trong lý lịch quân nhân và lý lịch đảng viên. Bây giờ sau hơn ba mươi năm, tôi mới có những tin tức đầu tiên về hai em mình…

Tuy là người từng trải, nhưng khuôn mặt thiếu tướng cũng không giấu nổi sự đăm chiêu của những suy tư đang lướt đi rất nhanh trong tâm trí. Ông hình dung được cảnh ngộ éo le của Nghĩa, cũng như ông đã từng cảm thông nhiều hoàn cảnh khác trong đồng chí đồng đội của mình. Cuộc chiến tranh này thật ác nghiệt và có nhiều điều vô cùng trớ trêu. Cùng một cha mẹ sinh ra, hai anh em, hai trận tuyến đối đầu quyết liệt…

Mãi một lúc sau ông mới hỏi Nghĩa:

– Anh định sẽ làm gì?

– Thiếu tướng tin vào sự trình bày của tôi chứ?

– Anh Nghĩa, sao bỗng dưng lại hỏi thế?

– Đồng chí đang tránh câu trả lời.

– Không phải như vậy. Có gì mà tin hay không tin?

– Ý tôi muốn hỏi anh có tin vào những điều tôi đã khai trong lý lịch không ạ?

– Sao lại không? Nhưng anh đặt ra câu hỏi này để làm gì?

– Để xin anh anh hai việc: Thứ nhất, đề nghị thiếu tướng giúp tôi đến thăm em trai tôi trong trại cải tạo. Nếu được, tôi xin đi ngay trong tháng này. Mẹ tôi chắc sẽ mừng lắm, cụ bây giờ ngày một yếu đi. Việc thứ hai: tôi xin được giải ngũ.

Thiếu tướng quá bất ngờ trước đề nghị thứ hai của Nghĩa. Một quân nhân cách mạng, mấy chục năm tuổi quân, chiến công đầy người, một đảng viên kiên cường.., đột nhiên xin giải ngũ? Mãi thiếu tướng mới trả lời nhát gừng, có những câu bỏ lửng, gần như ông đang nói với chính mình:

– Thu xếp cho đi gặp em trai trong trại cải tạo? … Được… Có thể nhờ làm được. Trong tháng này, tức là còn 10 ngày… Tạm đủ thời gian… Quyết ngay được… Giải ngũ? Sao lại xin giải ngũ? Tôi bất ngờ quá. Anh nói rõ hơn nữa xem nào.

– Thực lòng không phải vì tư tưởng nghỉ ngơi. Tôi muốn có nhiều thời giờ chăm sóc mẹ già và bù đắp những tổn thất của gia đình mình. Chiến tranh kết thúc rồi, tôi khao khát hàn gắn vết thương chiến tranh ngay trong gia đình mình. Anh có hình dung được không, một gia đình ba thế hệ, bị một chiến tuyến đẫm máu xé đôi…

– Cả nước ta bị đẩy vào hoàn cảnh như vậy…

– Vâng ạ. Nhưng sức chịu đựng của tôi có hạn. Tôi không có gì khao khát hơn là làm cho gia đình tôi đoàn tụ lại. Tôi đã nhiều lần nhìn thấy mẹ tôi khóc thầm một mình như thế nào… Tôi vừa mong mỏi, vừa cảm thấy mình bây giờ có quyền dành mọi tâm trí làm dịu nỗi đau của mẹ tôi!

– Tôi hiểu… Thế còn nghĩa vụ người đảng viên, nghĩa vụ một quân nhân?

– Tôi đã cân nhắc rồi anh ạ. Hơn nữa gia cảnh tôi như vậy mà lại làm việc tại Viện ta? Trước sau chắc sẽ khó tránh được điều này điều khác phiền toái. Rồi anh xem, kinh nghiệm bản thân đấy. Tôi tự nguyện tránh những điều phiền toái ấy trước khi xảy ra. Ngoài những điều vừa trình bày với anh, tôi không có lý do nào khác.

– Tôi khâm phục sự thẳng thắn của anh. – tướng Lê Hải lưỡng lự. – Nhưng bây giờ chưa thể nói gì. Tôi sẽ giúp anh đi Sài Gòn chuyến nữa, rồi về tính sau. Được không? Tôi thấy…

– Vâng. Xin cảm ơn anh. – Nghĩa cắt ngang lời thiếu tướng, đột ngột đứng dậy bắt tay và cáo lui.

Tướng Lê Hải ngơ ngác. Ông đoán Nghĩa muốn dồn mình sớm quyết định.

Nghĩa đã ra khuất sau cửa rồi, thiếu tướng vẫn đứng sững nhìn theo.

Một cử chỉ kỳ lạ mình chưa hề thấy ở con người điềm đạm này…

Dụi tắt điếu thuốc đã cháy gần hết, thiếu tướng đi đi lại lại giữa phòng làm việc.

… Xưa nay Nghĩa vốn là người điềm đạm, bình tĩnh… – Thiếu tướng cố hình dung lại câu chuyện. Xin đi gặp em ngay, cả em gái anh ta nữa.., còn nhiều người thân khác sống ở Mỹ… Tất cả những điều này mình thông cảm được. Nhưng xin giải ngũ? Nghĩa sợ mình hỏi han dài dòng nên rút lui ngay?…

… Tránh những điều phiền toái trước khi chúng có thể xảy ra! Mình hiểu chứ, hiểu cách suy nghĩ này của Nghĩa. Một cơ quan có nhiều chuyện cơ mật, họ hàng ruột thịt như thế, hiển nhiên là bất tiện rồi. Nhưng Nghĩa có chọn được họ hàng ruột thịt của mình đâu, hơn nữa đã từng suốt đời đứng trong quân ngũ cho đến nay! Không ít người có công lao chức tước thì quay ra đòi đãi ngộ, tư tưởng công thần từ chân đến tóc. Nhưng anh chàng này lại xin giải ngũ. Lời cầu xin của một người có nhân cách?.

Châm điếu thuốc mới, thiếu tướng tự nêu ra cho mình những câu hỏi khác. Ông biết Nghĩa hơn chục năm nay, đã từng là cấp trên trực tiếp của Nghĩa tại mặt trận miền Trung, rồi cấp trên cao hơn nữa của Nghĩa. Ông hơn Nghĩa đúng một giáp, nên cũng có thể coi Nghĩa vừa là bạn chiến đấu, vừa là bạn vong niên… Càng hiểu con người này, Lê Hải càng không thể chấp thuận đề nghị giải ngũ. Giữa ông và Nghĩa có nhiều điều rất hợp nhau, bổ sung cho nhau. Chỉ có hành trình cuộc đời quân ngũ của hai người trong kháng chiến chống Mỹ là trái chiều nhau. Ông từ Nam đi dần dần ra Bắc, còn Nghĩa từ Bắc vào Nam.

Ông Lê Hải đi từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp trong đoàn quân Nam tiến – hành quân từ chiến khu Thái Nguyên về Hà Nội tham gia Tổng khởi nghĩa, rồi đi thẳng vào tận Nam Bộ. Thử thách lớn đầu tiên đối với ông là tổ chức du kích ngay trong nội thành Sài Gòn.

Đây là một vị tướng của một quân đội cách mạng, bắt đầu binh nghiệp từ một chiến sĩ chân đất trên núi rừng Việt Bắc. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (Genève) 1954 ông tình nguyện không tập kết. Cuộc vũ trang chiến đấu chống Mỹ – ngụy ở miền Nam càng phát triển, ông càng được điều dần lên phía Bắc để phục vụ yêu cầu nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm, phát triển quy mô kháng chiến. Nhờ vào nghị lực kiên trì và khả năng học hỏi phi thường, ông sớm trở thành một người chỉ huy giỏi. Đặc biệt là nhờ có kinh nghiệm tổ chức chiến đấu, sự dày dạn trong mọi hình thái chiến tranh qua các thời kỳ khác nhau, dần dần ông trở thành một nhà quân sự nổi tiếng cả vùng. Vào những năm từ 1966 trở đi, cục diện quân sự cho phép tính đến khả năng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời kỳ quyết định. Năm 1969 ông được lệnh rời chiến trường miền Trung về tăng cường cho Học viện Nghiên cứu quân sự. Ông trở về Hà Nội, nơi trước đó một phần tư thế kỷ ông đã ra đi.

Vì đã từng chỉ huy nhiều năm chiến trường miền Trung, ông Lê Hải biết khá rõ về Nghĩa. Chính ông là người trực tiếp xin thiếu tá thương binh Phạm Trung Nghĩa từ Quân y viện 108 về đơn vị mình, đưa lên quân hàm trung tá.

Tác giả: