Dòng Đời – Nguyễn Trung

Khi chủ khách chia tay, ông phóng viên người Mỹ cao to xồng xộc chạy tới. Người phiên dịch của ông ta tất tưởi đuổi theo mà vẫn cách xa mấy bước chân.

Chờ cho người phiên dịch tới, Hai Hân chủ động nói:

– Ông còn điều gì muốn hỏi?

– Công nhân của các quý ngài cho tôi biết ông chủ cũ của xí nghiệp in này đang có mặt ở đây! Tôi không thể bỏ lỡ cơ hội quý hiếm này. – Nói đoạn người phóng viên tự giới thiệu tên mình rồi lần lượt bắt tay bà Học, ông Học, Nghĩa, ông Tư Cương… Phía người Việt cũng tự giới thiệu mình.

Người phóng viên Mỹ hỏi ông Học:

– Thưa cụ, không ít người Việt tại Mỹ có nguyện vọng được nhận lại bất động sản của họ ở Việt Nam. Xin được hỏi ý kiến của cụ như thế nào?

– Tôi chỉ có tư cách trả lời cho riêng mình. Ý kiến của tôi về chuyện của tôi, tôi đã nói với vị giám đốc liên doanh ở đây nghe rồi. Ông có thể hỏi lại vị ấy. – Ông già Học đáp.

– Vâng, lát nữa tôi xin gặp lại ông. – Người phóng viên nói với ông giám đốc người Đài Loan rồi lại quay về phía ông già học hỏi tiếp – …Xin cụ cho biết cảm nghĩ của cụ về tình hình Việt Nam lúc này.

– Tôi về thăm nước lần này là chuyến thứ hai, cách chuyến thứ nhất có vài năm thôi. Tôi nghĩ trong khoảng thời gian này đất nước tôi có những thay đổi có thể nhận biết được. Đó là xu thế phát triển nhiều hứa hẹn.

– Xin cảm ơn cụ. Bây giờ xin phép hỏi đại tá Phan…

– Không phải là Phan, mà là Phạm… – Người phiên dịch chữa hộ.

– Vâng, đại tá Pha, xin lỗi tôi không phát âm được đúng tên đại tá. Tôi đoán rằng cuộc đời quân ngũ của ngài chắc là đi từ Điện Biên Phủ đến ngày 30 Tháng Tư?

– Ông xem trộm lý lịch của tôi ở đâu thế? – Nghĩa hỏi vui.

– Với quân hàm của ngài như vậy, lại người miền Bắc nữa, nên tôi đoán như thế. Đại tá vui lòng nhận xét lời đoán của tôi chứ? – Người phóng viên rất tự tin.

– Tôi giành cho nơi đào tạo nghề báo chí của ông đánh giá lời đoán này. – Nghĩa nói ngay, gần như không cần suy nghĩ.

Người phóng viên cười to và chủ động bắt tay Nghĩa:

– Vâng. Xin cảm ơn. Đúng là câu trả lời của một ông đại tá! Bây giờ chỉ xin hỏi đại tá một câu: Trong suốt cuộc đời quân ngũ của mình dài như vậy, quyết liệt như vậy, đại tá có suy nghĩ nào đó đáng nêu lên về một người Việt cụ thể nào đó trong đội quân đứng bên kia chiến tuyến của đại tá không? Xin đại tá nói hẳn về một con người cụ thể.

Nghĩa cố bình tĩnh nhưng vẫn thoáng nhăn mặt lại:

– Ông muốn khơi sâu hận thù giữa người Việt chúng tôi?

– Xin tùy đại tá nhận xét.

– Tôi nhất thiết trả lời câu hỏi này?

– Đó là quyền của đại tá.

Nghĩa bừng bừng trong đầu, phần vì tự ái, phần vì muốn suy nghĩ tìm một câu trả lời đích đáng. Ông đứng yên lặng hồi lâu. Trong dòng suy nghĩ của mình ông điểm lại những người ông biết trong quân đội Sài Gòn và nghĩ nhiều đến Lễ, đến ý nghĩ không thể nhằm vào đầu em mình mà bắn.., đến câu nói: đất nước đã thắng cuộc chiến tranh này nhưng anh chưa thắng được em!..

Mọi người chung quanh chờ đợi.

– Đại tá vui lòng trả lời chứ ạ. – Người phóng viên giục.

– Có, có một người đáng nêu ra trong cuộc phỏng vấn này của ông. – Nghĩa trả lời.

– Xin đại tá vui lòng nói tiếp.

Nghĩa cân nhắc một lúc nữa rồi lựa lời:

– Là người cầm quân, tôi đánh giá cao quyết định đầu hàng của tướng Dương Văn Minh.

– Ai ạ? – Người phóng viên hỏi lại.

– Ông Dương Văn Minh. Tôi hiểu quyết định ấy khó khăn như thế nào đối với ông ta. Tôi thừa nhận tướng Minh đã góp phần riêng của mình kết thúc chiến tranh sao cho bớt được nhiều nhất chết chóc và tàn phá.

– Như vậy đại tá cho rằng quyết định đầu hàng của tướng Minh có một động cơ tốt?

– Điều này ông phải đi tìm hỏi tướng Minh.

– Đại tá không quan tâm đến điều này?

– Theo tôi, tướng Minh lúc đó không có sự lựa chọn nào tốt hơn. Tôi thừa nhận đấy là sự lựa chọn do lẽ phải dẫn dắt.

– Câu trả lời hay lắm! Sao đại tá lại đánh giá như vậy ạ?

– Chắc ông phải biết hơn tôi, lực lượng hiếu chiến trong quân đội Sài Gòn lúc đó gây áp lực không nhỏ chống lại quyết định của tướng Minh!

– Vâng, tôi biết ạ… Trong đó có tiểu đoàn Lôi Hổ khét tiếng còn nguyên vũ khí! – Người phóng viên trả lời.

– Chính vì lẽ này tướng Minh đã được chính quyền cách mạng hiểu đúng và được đối xử hào hiệp…

Mọi người chung quanh ồ lên vì ngạc nhiên về câu trả lời của Nghĩa. Anh phiên dịch kêu to lên: “Trời ơi, chú Nghĩa trả lời hay quá!”.. Ông già Học bắt tay Nghĩa:

– Cháu đúng là con cháu họ Phạm ta!

– Tôi thừa nhận đại tá làm tôi bất ngờ. – Người phóng viên vừa nói vừa ghi ghi chép chép. – …Nhưng xin đại tá cho biết: Là người cầm quân, làm sao đại tá lại có thể đánh giá cao một quyết định đầu hàng?

Nghĩa cười, chủ động bắt tay người phóng viên:

– Tôi không muốn làm tranh công việc của ông. Câu chuyện kết thúc ở đây nhé! Tạm biệt… – Nghĩa nói trực tiếp bằng tiếng Anh khá chuẩn.

Các bạn Đài Loan, Hai Hân mời ông bà Học và mọi người vào nghỉ uống nước tại phòng làm việc của mình. Ông Học mở đầu câu chuyện:

– Tôi rất mừng thấy liên doanh này có nhiều công nghệ hiện đại, phía Đài Loan đánh giá cao tay nghề và năng suất lao động của công nhân ta. Nhưng tôi thấy còn nhiều khâu trong quản lý và trong tiếp thị, nhất là những khâu phức tạp, hình như phía ta phó thác hết cho người Đài Loan, có đúng vậy không?

– Thưa cụ đúng như thế, chủ yếu do kém ngoại ngữ và kinh nghiệm.

– Nên cố khắc phục. Thực ra liên doanh với đầu tư nước ngoài vì thiếu vốn và kỹ thuật đã đành, song giành cho bằng được những kiến thức và kinh nghiệm tiên tiến trong quản lý và trong tiếp thị mới là điều quan trọng cho tương lai của đất nước. Những người Đài Loan này làm ăn với ta có đàng hoàng không?

– Thưa cụ nói chung là được ạ, mặc dù họ còn giấu nghề, nhất là trong khâu quản lý và khâu tiếp thị, đúng như cụ vừa mới nhận xét.

– Tôi thấy sau chuyến đi thăm phía Nam Trung Quốc năm 1992, ông Đặng Tiểu Bình kêu gọi dân Trung Quốc phải phấn đấu cải cách và mở cửa mạnh hơn nữa, làm cho Trung Quốc sớm trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Từ đó đến nay Trung Quốc thay đổi hẳn.

– Thưa cụ năm 1992 cũng là năm bắt đầu khởi công xây dựng nhà in liên doanh này ạ.

– Qua các surveys tôi so sánh ta với Trung Quốc. Đọc các tài liệu nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tôi thấy có nhiều việc ta đi trước Trung Quốc, từ đổi mới cơ chế tài chính tiền tệ và giá cả, đến phát triển thị trường, luật thu hút đầu tư nước ngoài, mở mang khu công nghiệp.., mặc dù ta tiến hành cải cách sau Trung Quốc 10 năm. Nhưng hình như bây giờ ta lại chậm hơn họ nhiều mặt. Từ 5 năm nay họ quyết liệt xúc tiến đàm phán để xin gia nhập Tổ chức GATT(*) [(*) Hiệp định Tổng quát về Thuế quan và Thương mại, ký ngày 30-7-1947 tại Geneva; tại vòng đàm phán thứ 8 “Vòng Uruguay”, với Tuyên bố Marakesh, Morocco ngày 15-4-1994, GATT được chuyển thành Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).] để hội nhập mạnh mẽ vào xu thế toàn cầu hoá của kinh tế thế giới mà lẽ ra ta có thể đi trước họ một bước.

– Theo chú ta chậm hơn trên những phương diện nào ạ? – Nghĩa hỏi.

– Nhiều lắm. Điều quyết định sống còn là Trung Quốc đã chọn ra được và hình thành quốc sách lấy cả thế giới làm đối tác của mình. Bám vào quốc sách này, họ thay đổi tất cả, với những nỗ lực phi thường. Nói khái quát thế chắc các chú hình dung được.

– Vâng ạ. Nhưng thưa chú họ đã thực hiện được những bước đi nào cụ thể ạ? – Nghĩa hỏi tiếp.

– Cho đến nay họ đã liên doanh được với khoảng 200 trong tổng số 500 công ty xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Tôi nghĩ rằng trong vòng dăm mười năm tới Trung Quốc sẽ làm ăn với hầu hết những tập đoàn hàng đầu này, mục tiêu trở thành công xưởng của thế giới của họ là khá hiện thực. Tóm lại quốc sách của họ là chiếm thị trường cả thế giới để sớm trở thành siêu cường, quốc sách của ta là gì?

Hai Hân, Nghĩa và Tư Cương đưa mắt nhìn nhau. Mãi Nghĩa mới nói được:

– Chú hỏi khó quá.

– Thưa cụ, thú thực chưa bao giờ tôi tự hỏi mình câu này. Cho đến bây giờ tôi mới chỉ chúi đầu chúi tai vào nhiệm vụ giám đốc của mình thôi ạ. – Hai Hân thú thực.

– Thôi được, tôi hỏi thế để các chú đi hỏi người khác. Đúng ra đấy là câu hỏi của mỗi chúng ta, dù là ai và làm gì! Đứng ở ngoài nhìn vào, tôi nghĩ như vậy. Không biết là người trong cuộc các chú có nghĩ như tôi không?

– Thưa chú mục tiêu chiến lược của ta là dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh ạ. – Nghĩa đáp.

– Chú thấy lúc nào cháu cũng tỏ ra là người thuộc bài. Nhưng mà có quốc sách gì để đạt được mục tiêu này chứ? – Ông Học hỏi lại.

– Dạ.., chú nói thế thì cháu xin hỏi là người Trung Quốc có quốc sách gì để chiếm thị trường thế giới ạ? – Nghĩa hỏi lại.

Ông Học suy nghĩ một lúc:

– Qua tìm hiểu tôi thấy ngành kinh doanh nào, địa phương nào của Trung Quốc cũng nêu cao khẩu hiệu hành động: “Thương nghiệp hóa! Hiện đại hóa! Quốc tế hóa!”… Đúng là ba tiêu chí hành động thông minh cho tất cả. Thế còn ở ta là gì, các chú?

– Thưa cụ… thế ở Trung Quốc công nghiệp hóa không được coi trọng hay sao ạ? – Hai Hân ngỡ ngàng.

– Rất coi trọng là khác, các chú ạ. Nhưng sản phẩm nào cũng phải đi theo 3 tiêu chí hành động như tôi vừa nói, thế mới cạnh tranh được.

Tác giả: