Dòng Đời – Nguyễn Trung

Đây là cơn quẫn lần thứ bao nhiêu? – …Ông Tiến không ý thức được, thậm chí ông chán rồi, không thèm ý thức đến nữa. Ông chỉ nhớ mang máng mỗi cơn quẫn như thế kéo dài vài ngày đêm. Đã nhiều lần ông Tiến cố tìm cách cứu mình thoát khỏi cơn quẫn, nhưng thường thường là cơn quẫn nhấn ông chìm nghỉm trong đêm đen ngột ngạt, đốt lửa trong tâm can ông… Nguôi ngoai được dăm bữa nửa tháng thì thôi, nhưng hễ có cái gì kích thích, xúc động.., cái quẫn lại nổi cơn, cái quẫn tái đi tái lại, cái quẫn trở thành định kỳ.., kể từ ngày cầm trong tay cái quyết định nghỉ hưu do ông trưởng Ban đích thân đến tận phòng làm việc giao cho:

– Tôi phải đến đây tự tay trao cho anh quyết định này, thể hiện lòng kính trọng của tôi và sự trân trọng của Ban đối với cống hiến của anh.

– Quyết định gì ạ?

– Lẽ ra đây là công việc của vụ Tổ chức cán bộ, nhưng đây là quyết định nghỉ hưu…

– Nhưng mà đồng chí đã hứa..?

– Tôi nhớ lời hứa của mình, nhưng chính tôi cũng đang chuẩn bị bàn giao công việc, sức khoẻ không cho phép tiếp tục công việc nữa rồi anh Tiến ạ.

– Không đúng! Anh nói dối!..

– Thôi được… – Ông trưởng Ban ngần ngừ một lúc. – Bây giờ giữ kẽ với anh cũng vô ích. Nói đúng ra là tôi bị loại rồi!

– Thế là thế nào?

– Hết nước rồi.

– Anh đã bàn với tôi bao nhiêu là chuyện cơ mà!.. – Ông Tiến giãy lên như đỉa phải vôi.

Ông trưởng ban thượt ra, đầu ngoẹo sang một bên, vừa thở vừa lấy sức để phân bua:

– Khổ quá, đến lúc này anh phải tin tôi!

– Tôi không tin! Không tin! – Ông Tiến vừa hét vừa nhảy lên như một đứa trẻ con đang hờn, hai tay vùng vằng..

– Anh Tiến ơi, việc anh lộ cờ tôi không chấp. Bằng giáo sư của anh tôi cũng kiếm cho. Thế mà không tin tôi thì còn tin ai? – Trưởng Ban rầu rĩ.

– Ông cao thượng hay ông cao thủ?

– Hỏi gì mà lẩm cẩm thế! Hai chúng ta đã trăm phương nghìn kế rồi! Chính tôi cũng bị đào thải thì còn làm sao giúp được anh!..

– Tôi vẫn không tin.

– Chúng ta là người thua cuộc anh Tiến ạ!

– Thế là anh hai lần lừa tôi?

– Anh nỡ lòng nào mà ăn nói với tôi như thế hả anh Tiến?

– Chứ còn gì nữa! Cái thứ nhất anh lừa tôi là quyền lực của anh to lắm! Cái thứ hai là anh hứa cho tôi cái anh không có! Còn ai khốn kiếp như anh nữa không? – Ông Tiến giậm chân chỉ tay, hét vào mặt ông trưởng Ban.

Ông trưởng Ban hết nhìn trời nhìn đất lại lẫm chẫm đi đi lại lại loanh quanh ông Tiến, lục lọi trong đầu cách giải thích:

– Cơ sự này tôi phải nói cho anh nghe hết nhẽ… Đúng tôi hứa nhiều, hứa thật lòng… Nhưng cả hai chúng ta chỉ là quân cờ thôi. Cuộc đời xô đẩy như vậy, tôi đâu có muốn thế…

– Thế mà anh cứ nói với tôi anh là người trong cuộc! Anh dám hứa sẽ đưa tôi vào người trong cuộc! Tôi hy sinh tất cả cũng chỉ vì muốn trở thành người trong cuộc thôi, anh hiểu không?.. Thế mà bây giờ chỉ là quân cờ! Quân cờ tất! Trời ơi là trời!

– Anh Tiến ơi, anh phải hiểu tôi và thể tất cho tôi chứ! Nỗ lực đến đâu đi nữa cũng không thoát được số phận! Anh phải hiểu điều này chứ! Bao nhiêu đơn kiện cáo về cái bằng giáo sư của anh đến chỗ tôi, tôi đã ỉm hết. Mọi lời xì xèo dìm anh, tôi bỏ ngoài tai. Sức của tôi chỉ đến đấy thôi. Như thế là tôi vì anh hay không vì anh?

– Anh quan tâm đến những chuyện ngồi lê mách lẻo ấy làm gì?

– Anh nhầm rồi, kiếm cái bằng giáo sư cho anh là tôi thách thức cả thiên hạ. Họ nói anh chưa tốt nghiệp đại học! Thế là tôi vì anh hay không vì anh? Thực lòng tôi chỉ có một thiếu sót đối với anh thôi…

– Thế mà…

– Khoan, hãy nghe tôi nói đã… – Ông trưởng Ban không để ông Tiến nói. – Những gì tôi hứa với anh là thực lòng, chỉ thiếu sót ở chỗ tôi hứa nhiều quá, không lượng sức mình… Thông cảm cho tôi!

– Hứa nhiều quá cũng là đánh lừa!

– Đừng hiểu oan tôi. Chúng ta hết cách thật rồi mà…

– Thế thì chết thật rồi! Chết thật rồi! Thế là hết!

Ông Tiến đứng ngây người ra, không nói không rằng. Ông không nhớ mình đứng như thế bao lâu. Mãi đến khi ông trưởng Ban giục:

– Anh cầm lấy quyết định đi chứ?

– Thế này thì bất công quá! Bất công quá! – Ông Tiến ngửng lên gào giữa trời.

Chờ một lúc, ông trưởng Ban đưa tờ quyết định ra trước mặt ông Tiến, nhưng ông Tiến vẫn đứng trố mắt, hai tay buông thõng, hết nhìn ông trưởng Ban, nhìn quanh, rồi lại nhìn đất nhìn trời… Hai con mắt ông đảo lên đảo xuống như đang tìm đường chạy trốn tờ giấy trong tay ông trưởng Ban..

– Anh Tiến ạ, tôi thông cảm với anh… Nhưng bây giờ anh biết rồi đấy… Có muốn giữ anh công tác thêm vài năm cũng không được. Cuối cùng chỉ có cái tờ quyết định này… – Ông trưởng Ban phải dúi tờ quyết định vào tay ông Tiến, rồi bỏ lại ông Tiến một mình trong phòng…

Không gian lúc này chỉ còn tiếng giầy của ông trưởng Ban loẹt quẹt trên sàn nhà…

Lúc ầm ầm như dông bão, lúc âm ỉ leo lét để bùng lên các khối lửa… Song lần nào cơn quẫn cũng khởi đầu trong tâm trí ông Tiến bằng hoạt cảnh ông trưởng Ban đến trao quyết định nghỉ hưu như thế. Nó diễn đi diễn lại, nhuần nhuyễn, sắc nét đến mức ông Tiến có cảm giác từ lâu mình như trở thành khán giả chí cốt của màn hoạt cảnh quen thuộc này, do chính mình thủ vai diễn. Ông đối thoại, ông chất vấn, ông bình phẩm, lúc với vai Đoàn Danh Tiến, lúc với vai trưởng Ban, có lúc hoạt cảnh trở thành cuộc đấu khẩu tay ba… Trong đầu ông nhớ như in từng lời từng chữ, thuộc từng điệu bộ, cử chỉ… mỗi nhân vật.

…Sao mình lại tham gia vào màn kịch đốn mạt này nhỉ? Chưa bao giờ mình tự lột trần mình một cách khốn nạn như vậy! Vừa mất hết cả, vừa tự bóc trần nhân cách mình trước mặt trưởng Ban! Mình vô liêm sỉ đến mức không kịp tìm được một câu nào thích hợp hơn cho việc chấp nhận số phận của mình!

– …Thôi chết! Thế là hết!

…Có ai tự lột trần mình ra đến mức như vậy không?

…Cả một đời người lăn lộn… Ta đã quẫy lên bằng được để thoát ra khỏi đồng lúa đồi chè Vũ Yển, để đi bằng được con đường cho đến hôm nay!.. Ta đã được mang danh một thế hệ thanh niên về tiếp quản Hà Nội… Những hành trình đi đi về về vào Nam ra Bắc, là chiến sĩ xung kích trên những mặt trận mới nhất, là giáo sư… Ta quyết trở thành người trong cuộc… Mọi cái gì khó đều đến tay ta! Từ cải cách ruộng đất, hợp tác hoá nông nghiệp, đến cải tạo xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hoá hiện đại hoá… Rồi đến đổi mới, hội nhập, chống hoà tan, chống chệch hướng… Hôm nay cần tung hô, có tung hô! Ngày mai cần đao to búa lớn, có đao to búa lớn! Lúc nào ta cũng ở tuyến đầu. Còn ai mẫn cán hơn ta? Một quá trình hiển hách như vậy! Ta đã phải ém mình trước bao nhiêu dục vọng, giữ gìn mọi điều tiếng, tự cho mình vào khuôn phép… Thử hỏi có ai quán triệt bằng ta, liêm chính bằng ta?.. Ta đã nhiều lần phải ép xác theo cái đạo ta tôn thờ, theo cái đích ta lựa chọn là trở thành người trong cuộc… Nhất quyết một bề, ta đâu có mù quáng!

…Bao lần ta nuốt nhục vì có nhiều cái không thể so được với Phạm Trung Nghĩa, Lê Hải, Tám Việt.., với những đứa cùng một giuộc như thế. Song ta cũng có quyền cười vào mũi những thằng này chứ?! Chúng nó ngu lắm!.. Lỗi lạc chân chính đến đâu chúng nó rốt cục vẫn chỉ là những phương tiện trong tay những người trong cuộc. Có lột xác đến một trăm lần thì chúng nó cũng không bao giờ ý thức nổi điều này! Chính vì thế ta đã nhất quyết một bề… Càng nuôi ý chí trở thành người trong cuộc… Đến nỗi bản thân ta không còn là ta nữa, trời ơi là trời…

…Còn gì ta không hy sinh nữa để trở thành người trong cuộc? Còn gì nữa?!. Vợ con, gia đình ta được nhờ cậy gì? Còn gì ta không hiến dâng? Cho cái đích lẽ ra phải là của ta, tất yếu phải là của ta. Thế mà kết cục là…

…Thế là hết!

…Ối đời ơi là đời! Đời không công bằng đối với ta! Đời quá đui mù nên không nhận ra ta… Hay là ta chưa đủ lông đủ cánh? Chưa đủ nanh vuốt? Ta không ăn được đời thì đời ăn ta? Không bao giờ ta có thể trở thành người trong cuộc được nữa rồi!

…Bây giờ ta là ai? Ta là gì?

…Ta đã tự nguyện làm nô lệ còn hơn cả nô lệ cho cái đích của ta. Nhưng bây giờ ta có cái gì, ta được gì? Thà ta là thằng đui què mẻ sứt thì đi một nhẽ… Đằng này cả một đời hiển hách cống hiến, mà nay phải đi vào sự lãng quên, vào cái “khoảng không” lấp đầy cái “quẫn”… Trong lúc đó những kẻ chỉ đáng xách dép cho ta lại chiếm lấy cái đích lẽ ra là của ta!.. Ối trưởng Ban ơi, lời hứa của ông…

…Bây giờ ta là ai? Ta là gì? …Không vợ, không con, không gia đình, không cả đàn bà, mất bao nhiêu bạn bè, cùng với bao nhiêu cái không khác nữa…

…Biết thế này..! Ôi biết cơ sự đến nông nỗi này!

…Ta hối hận à? Hay là ta tiếc đắt tiếc rẻ của đời!..

…Nhà cao cửa rộng bây giờ mà làm gì! Đáng bảy tám trăm cây vàng hẳn hoi! Nhưng có là hàng nghìn, hàng vạn cây đi nữa thì thay đổi được gì? Ôi nếu ta làm lại được cuộc đời! Vào cái tuổi đã xế tàn như thế này?!.

…Nếu biết sống là cuối cùng đi đến cái quẫn này, ta thèm vào mà sống như thế! Thèm vào mà ép xác đến mức vậy! Ta sẽ đâm ba củ chầy! Hưởng thụ, phá bĩnh, phá đời!… Sao lại không? Ta sẽ tận hưởng mọi cái, mọi thứ đến tay ta. Ta sẽ không thèm tính gần tính xa cho cái đích của ta làm gì, đằng nào cũng về với đất cơ mà!.. Nhưng bây giờ ta phá cái gì? Trong cái “khoảng không” toàn những cái “quẫn” thế này ta phá cái gì? Càng tỉnh táo, càng muốn phá!

…Hay là bây giờ mình điên? Chỉ có người điên mới có trạng thái tâm thần này. Chẳng lẽ mình rơi vào trạng thái thần kinh phân lập? Mới bắt đầu điên? Đang đi vào thời kỳ điên?..

Ông Tiến đi lén đến khoa thần kinh của bệnh viện Hữu Nghị. Ông quyết tìm cho bằng được câu trả lời.

Ông cẩn thận đến mức không nói cho Văn phòng biết mình đi khám bệnh. Ông không dùng xe cơ quan, mà đi xe ôm ngay từ nhà đến bệnh viện…

Tác giả: