Dòng Đời – Nguyễn Trung

Hậu kể cho Lê Hải: khi bố Hậu được dắt vào bãi bắn, dân làng đông lắm. Cả làng thấy ông đã bị nhục hình đến mức chỉ còn là một bộ xương lê lết, mặt mũi thân thể nhiều chỗ sưng tím, xây xát nặng. Hậu nhìn thấy bố như vậy oà lên khóc, bà mẹ Hậu phải vội vã đưa hai tay bịt miệng con. Hậu nhớ rất rõ, khi thấy bố Hậu bị bịt mắt và trói gô vào cọc bắn, bà vội ôm chặt lấy Hậu rồi kéo úp mặt cả hai mẹ con xuống đất. Tai Hậu vẫn nghe thấy ông đĩnh đạc nói với mọi người: Tôi bị oan! Tôi bị oan! Cả làng hãy minh oan cho tôi!.. Rồi ông hô to: Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!.. Mấy tiếng súng đanh đanh xé trời…

Ngay sau khi hành quyết, đội cải cách giải thích cho dân làng:

– Tên này cực kỳ xảo quyệt. Trước khi chết vẫn còn tìm cách lung lạc tinh thần đấu tranh của bà con nông dân chống địa chủ cường hào ác bá!

Về sau gia đình được sửa sai và minh oan. Mẹ Hậu ở vậy nuôi con. Hậu đang học đại học sư phạm năm thứ 3 ở Hà Nội thì mẹ ở nhà bị tai biến mạch máu não tới mức độ hiểm nghèo, không tự ngồi dậy được nữa. Hậu bỏ học về nhà chăm sóc mẹ và xin làm cô giáo làng để kiếm sống. Thỉnh thoảng Hậu lại giở quyển Tam tự kinh và một vài quyển “ký” của ông nội tự viết đọc lại cho hai mẹ con cùng nghe. Hậu chỉ sợ quên mất ít vốn liếng chữ Nho ông nội truyền lại cho. Sau gần 9 năm ròng nằm liệt giường, mẹ Hậu qua đời.

Khoảng một năm sau kể từ khi Lê Hải trở về làng, năm 1971, ưng thuận lời khuyên của thím Mão và gần như của cả làng, cô giáo làng lúc này đã 31 tuổi. Ở làng quê ta, con gái đến cỡ tuổi ấy thường được coi là người luống tuổi… Trong những lúc tâm tình với nhau, Lê Hải thấy người thường được Hậu nhắc đến nhiều nhất là ông bố Hậu. Có một lần, vào ngày giỗ bố, nửa đêm Hậu sụt sịt nước mắt hỏi chồng:

– Anh ơi, làm sao có thể nhầm lẫn đến mức như vậy?

– Anh chịu, không trả lời được.

– Có phải tại đội cải cách bắt phải rễ thối không anh? Cái người mà đội cải cách dựa vào rồi đưa lên làm cốt cán vốn dĩ là tên lưu manh nhất làng này anh ạ. Ngày xưa nó đã bị đánh què rồi bị cắt gót chân phải vì cái tội đi ăn trộm.

– Có nhiều nguyên nhân lắm, anh nghĩ mãi mà vẫn phải tiếp tục tìm câu trả lời.

– Khi tiến hành sửa sai thì tên cốt cán này bỏ vợ con, bỏ làng, trốn biệt tăm. Chẳng ai biết nó bây giờ ở đâu nữa anh ạ.

– Ra Bắc anh mới biết ngoài này có chuyện cải cách ruộng đất như vậy.

– Bây giờ người ta đang sưu tầm thành tích của bố để xét truy tặng huân chương!.. Nhưng huân chương gì thì bố cũng không sống lại được!

Lê Hải chỉ biết lau nước mắt cho vợ, mãi mới nói được:

– Anh là bần nông từ làng mình ra đi. Anh hiểu rõ thực hiện chủ trương người cày có ruộng quan trọng như thế nào cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Đây là một động lực vô cùng quan trọng của kháng chiến em ạ, kể cả ở miền Nam, anh biết rất rõ điều này. Cải cách ruộng đất là việc nhất thiết phải làm em ạ. Còn làm như thế nào thì đúng là có chuyện… – Lê Hải bỏ lửng, không chủ định nói hết với Hậu. Mãi một lúc sau, ông mới nói tiếp – Việc thực hiện có nhiều sai lầm lớn, thậm chí đổ nhiều máu… Thật là những sai lầm đau xót, vô cùng đau xót! Em cố hiểu như vậy để tự vượt qua…

– Thế nhưng tại sao nhằm cả vào những người nuôi cách mạng mà bắn? Bà Nguyễn Thị Năm là người bị bắn đầu tiên trong cải cách ruộng đất. Dù có là địa chủ đi nữa, cả miền Bắc này biết gia đình bà ta là cơ sở nuôi cách mạng, con trai bà cũng là bộ đội… Cơ quan chỉ huy quan trọng của kháng chiến đặt tại nhà bà. Anh thử đặt mình vào địa vị gia đình nhà người ta xem! Ngày hôm trước còn ăn cơm nhà người ta, ngày hôm sau lôi người ta ra mà bắn! – bà Hậu gần như phát khóc, nước mắt giàn giụa.

– Sai lầm đẫm máu em ạ. – Lê Hải quanh co, một tay xoa nước mắt trên má Hậu, một tay ôm chặt lấy bà như muốn chẹn những cơn nấc của vợ mình.

– Em không đồng ý. Phải nói cả sai lầm và tội lỗi.

– Anh hiểu.

– Tội lỗi lớn nhất là không dám nói vì sao mắc sai lầm! Lần nào cũng vậy, cứ đụng chạm đến chuyện này, là em lại cảm thấy như chính mình đang bị dẫn vào bãi bắn… – bà Hậu càng nói càng gay gắt.

Lê Hải lựa lời:

– Anh đã được nghe giải thích…

– Em biết. Hồi ấy không ai nói ra, nhưng sau này cả nước ai cũng hiểu là ông Trường Chinh, ông Hoàng Quốc Việt và nhiều ông to nữa mất chức…

– Câu chuyện còn nhiều khúc mắc lắm em ạ… Cuộc kháng chiến của ta lúc bấy giờ có nhiều chuyện bên ngoài khó xử lắm, mà lực lượng đế quốc thì cứ nhâu nhâu vào chống ta… Em đừng quên mấy năm cuối cùng Pháp đánh ta bằng tiền Mỹ, vũ khí Mỹ!

– Đành là thế, nhưng giải thích cho dân thì lại nói rất chung chung. Không nói công khai cho rõ ngành ngọn.

– Phải chờ đợi em ạ…

– Còn xuê xoa với nhau như thế thì sau này không biết đường nào mà tránh. Sẽ còn chết nữa. Rồi đấy anh xem!

Lê Hải tắc nghẹn…

Đã lâu, ai đó có lần loáng thoáng nói với Lê Hải là Hồ Chủ tịch không tán thành cải cách ruộng đất, mà chủ trương chỉ thực hiện giảm tô và hiến điền thôi, không thể làm đấu tố theo kiểu của Trung Quốc được, cũng không thể tiến hành cải tạo tư sản theo cách của họ. Việc gì cũng vậy, mỗi nước có hoàn cảnh riêng của mình, phải sáng tạo, phải độc lập tự chủ… Nhưng ta chịu nhiều sức ép quá, mâu thuẫn Xô – Trung bắt đầu bùng nổ, mà cuộc kháng chiến đang đi vào giai đoạn quyết định… Cho đến nay vẫn chưa có một lời giải thích công khai nào của Đảng, ông biết nói gì với Hậu bây giờ. Làm cách nào để Hậu hiểu rõ những uẩn khúc éo le của lịch sử?

Thấy chồng không nói gì, một lát sau bà Hậu nói tiếp:

– Hôm ấy chỉ suýt nữa là em cãi nhau với cán bộ đến tìm hiểu khôi phục đảng tịch cho bố để xét thưởng huân chương. Gần năm năm sau khi bố bị bắn anh ạ! Anh ấy càng giải thích, em nghe càng không ổn. Nào là do chủ quan, duy ý chí, nào là do quan liêu giáo điều… Giải thích như thế cho sai lầm nào mà chẳng được! Có thể vì anh ấy là người ngoài cuộc, cho nên đi sửa sai những hậu quả trong cải cách ruộng đất, mà thái độ lại cứ dửng dưng như không! Đến bây giờ em vẫn chưa thấy bà Nguyễn Thị Năm được giải oan.

– Sao em quan tâm đến bà Năm thế?

– Vì người bị bắn oan đầu tiên trong cải cách ruộng đất lại là phụ nữ! Rõ là đi theo cách mạng rồi mà vẫn không thoát!

– Ôi Hậu! – Lê Hải thốt lên như bị điện giật.

Vết thương về bài học đời, sự giày vò của những câu hỏi do Nghĩa đặt ra hôm nào, cùng với những câu hỏi xé ruột xé gan của Hậu, nỗi lo về những hiểm hoạ mới chờ đợi đất nước ở phía trước.., tất cả đang thi nhau cật vấn ông…

– Em đồng ý với anh là phải thực hiện người cày có ruộng, thế nhưng tại sao lại bắt buộc tất cả nông dân vào hợp tác xã, lại còn phải chuyển nhanh lên hợp tác xã bậc cao nữa?

Lê Hải toàn thân chết cứng, mắt trân trân nhìn vào đêm tối.

– Anh không ở quê nên không hiểu hết. Chuyện ngược đời nhất là đất năm phần trăm (5%)(*) [(*) 5% tổng diện tích canh tác của hợp tác xã được đánh lại chia đều cho gia đình xã viên để làm kinh tế hộ.] lại là nguồn sống chính của các hộ nông dân xã viên! Mọi khốn khó bây giờ từ hợp tác xã cấp cao mà ra!

– Hậu!.. Thú thực còn nhiều điều anh chưa trả lời được… – Lê Hải não nuột.

Nằm bên cạnh vợ, nửa tỉnh nửa mơ, ông Lê Hải thấy đám trẻ, đứa cõng, đứa bế, đứa chạy lon ton, tất cả nhao nhao bâu theo tiễn anh Việt Minh Lê Hải lên đường Nam tiến. Tới quá giếng đầu làng chúng mới dừng lại. Xa xa phía sau là Tấm đang bế Sơn trên tay … Ông đoán trong đám trẻ ấy chắc không có Hậu. Hồi ấy quê còn nghèo lắm, bọn trẻ chạy theo tất cả đều lấm lem, chân đất, một số khá đông không quần, không váy…

Cả cuộc đời ông từ lúc lọt lòng mẹ đến nay hiện lên dần dần trong ký ức. Ông nghĩ đến số phận của biết bao nhiêu người, của chính mình. Trong tâm thức ông, niềm lo lắng về điều gì đó lại chuyển mình, lại bắt đầu cựa quậy, nhức nhối…

Càng về đêm khuya tịch mịch, sóng dữ càng ào ào cuộn lên trong đầu Lê Hải.

Ôi, làm sao những uẩn khúc của lịch sử có thể đến được với lương tri con người – Lê Hải quằn quại cứ như người thở hắt ra.

– Làm sao vật vã thế anh Hải? Em đi lấy thuốc ngủ cho anh nhé?

5.

Lại một lần nữa cán bộ Hai Hân báo ông già Tư Cương lên trụ sở Uỷ ban để họp về cải tạo. Lần này hai Hân đến tận nhà, nhắc đi nhắc lại ông già cần có mặt đúng giờ, vì có cán bộ cấp trên đến dự.

Ông già điểm lại trong trí nhớ:

…Gọi là họp, nhưng mình cứ như là bị cáo ngồi trước vành móng ngựa. Cả thảy năm cuộc họp như thế rồi, kể từ khi chính quyền bắt đầu tiến hành việc cải tạo xã hội chủ nghĩa cách đây đúng một tháng. Những gì cán bộ Hân và một số người khác thay mặt chính quyền cần hỏi, mình đã trả lời hết trọi. Còn có gì để nói nữa mà phải họp nhỉ? Họ cứ nói toạc hết ra mình còn phải làm gì nữa… Thế có phải là dễ cho mình bao nhiêu không, đỡ lôi thôi. Họp lên họp xuống thế này sợ lắm… Không nhớ cho rành rọt mà nói năng tiền hậu bất nhất thì khốn. Lại còn biết bao nhiêu câu hỏi chẳng có liên quan gì đến cái nhà in và cái biệt thự của ông Học nữa! Không biết họ hỏi những câu ấy để làm gì? Mà làm sao người như Hai Hân có thể trở thành cán bộ cải tạo được nhỉ? Mình cứ nghĩ anh ta chỉ là một thợ in, có chút tay nghề, thạo đời và thạo nhiều việc vặt… Tính tình lông bông, tuy sau này có khá hơn… Anh ta phạm không ít điều bất tín. Khi nể lời Ba Khang nhận anh chàng này vào làm, thấy là người tháo vát, mình hết lòng giúp đỡ. Thế nhưng mới được dăm tháng anh này đã chơi mình một vố khiến mình không biết nên ăn nói với ông Học như thế nào. Để lộ chuyện, danh dự của mình và tín nhiệm bao nhiêu năm làm cho ông Học sẽ tiêu ma hết. Thế là để cứu mình, mình cũng đành phải cứu cả anh ta. Tháng tháng đến chỗ mình lĩnh lương, anh chàng này xun xoe bác bác, cháu cháu… Có những tháng phải đến mình xin ứng tiền trước trừ dần vào lương – vì chơi gái như ranh, lại còn nhậu nhẹt cả với đám cảnh sát… Thế mà…

Tác giả: