Dòng Đời – Nguyễn Trung

Lễ, Thảo và Tín hướng nhìn theo cánh tay của ông Chính.

Lễ nhận ra ngay cây hoa gạo chói lên mầu đỏ rực rỡ xa xa trước mặt. Mầu đỏ ấy hướng mắt Lễ vào một cổng tam quan lừng lững giữa rặng tre xanh thẫm. Dưới cây đa như kín cả mảng trời là một mái đình lấp ló…

…Anh Chính nói đúng, từ xa cũng có thể nhận ra làng mình…

– Đến đời ông nội chúng ta là cụ Phạm Trung Trực là đời thứ năm làm ăn sinh sống ở quê. Cậu là thế hệ đầu tiên rời quê nhà ra sống ở thành thị, cái chính là vì nghề dạy học…

Lễ nhớ từng lời ông Phạm Trung Chính ngày hôm qua giảng giải về gia phả họ tộc của mình. Họ Phạm Trung ở làng Hoàng Đôi có một người vào kinh làm đô uý là Phạm Trung Trực. Khi theo Tôn Thất Thuyết đánh Tây để phò vua Hàm Nghi bị bại, đô úy Phạm Trung Trực phải bỏ trốn nhiều năm mới chạy về được tới quê nhà. Cụ giáo Tuyên vẫn thường kể cho con cháu nghe: khi đô uý Phạm Trung Trực trở về ẩn náu ở làng, được dân làng che giấu, nuôi nấng, sau này làng cấp đất cho và giúp việc gây lập gia đình… Lúc đầu đô uý được dân làng thu xếp ở tạm trong đình, giao cho giữ chân trương tuần để tránh né mọi truy nã… Cổng tam quan, đình làng, cây đa, cây gạo đầu làng đã có ít nhất từ thời đó…

Lễ nhớ lại những lời ông Chính kể. …Những ngày u ám, những ngày làng quê rực nắng, rồi mưa gió, dông bão, cảnh làng tiêu điều trong trận đói năm 1945, rồi chiến tranh, lại chiến tranh… Tất cả đã đến. Tất cả đã đi… Nhưng làng mình, cổng tam quan kia, mái đình kia, rặng tre kia và cả cây đa cây gạo kia vẫn đứng mãi, nhẫn nại chịu đựng mọi biến cố, nhẫn nại đo đếm mọi thời gian…

Mỗi bước đi càng gần đến làng, Lễ cảm thấy mình như đang thức tỉnh điều gì…

Khi đi qua con đường dẫn vào cổng tam quan trước đình làng, Lễ dừng lại, thốt lên:

– Ôi cội nguồn là đây! – một luồng sinh khí ập vào, lan tỏa, chiếm ngự tâm hồn Lễ.

Mọi người dừng lại theo. Một lát sau ông Chính mới giục:

– Chúng ta đi thăm mộ trước rồi vào làng cho thuận đường.

Đến khi đứng trước mộ cha và ba ngôi mộ gia đình Minh, Lễ cảm thấy một điều gì thiêng liêng vô cùng.

Thắp xong nén hương cắm lên mộ cha, Lễ quỳ phục mặt xuống đất, lặng đi hồi lâu, nước mắt giàn giụa.

Chỉ có tiếng gió thì thào nhẹ lướt trên ngọn cỏ.

Ông Chính và tất cả mọi người cùng đi đứng yên chờ đợi. Họ thông cảm với tâm trạng của Lễ lúc này.

Mãi cho đến lúc Lễ ngồi dậy, Chính và Nghĩa mới chạy lại đỡ Lễ đứng lên. Lúc này Lễ không cầm lòng được nữa, ôm lấy hai anh, mặt hướng về tấm bia trên mộ cha, nghẹn ngào:

– Con lạy cậu! Con muôn vàn lần lạy cậu! Xin cậu tha thứ cho con!

Khi đi thắp hương cho ba ngôi mộ của gia đình Minh, Lễ vẫn nước mắt ròng ròng…

Sau viếng mộ, gia đình Lễ được dắt trở về thắp hương trong đình, đi chào họ hàng… Hai vợ chồng Lễ và Tín đều không ngờ đến đâu cũng được chào đón chân tình, dù là mới gặp nhau lần đầu. Con cháu họ Phạm Trung hiện là chi đông nhất làng… Nhưng điều làm cho Lễ ngạc nhiên nhất là không ai hỏi Lễ về chiến tranh, về quá khứ…

Tại nhà thờ tổ của họ Phạm, Lễ gặp một cụ mà tất cả các anh chị mình đều phải gọi bằng chú. Chính tự tay cụ thắp cả một bó hương, tẽ ra ba thẻ rồi đưa cho Lễ trước:

– Con đi xa về, hôm nay là lần đầu tiên đến nhà thờ Tổ, con lễ các cụ trước đi. – nói đoạn, ông cụ ra hiệu cho mọi người lui lại một bước, để một mình Lễ lễ trước.

Sau khi Lễ sụt sùi khấn vái xong, ông cụ mới chia hương tiếp cho mọi người làm lễ.

Khi ngồi vào bàn uống nước, câu đầu tiên ông cụ hỏi cũng nhằm vào Lễ:

– Mộ cháu Mạnh trong ấy có được ai trong gia đình thỉnh thoảng đến sửa sang hương khói không? Cũng nên tính chuyện lâu dài các cháu ạ…

Lễ không tin vào tai mình, chỉ muốn quỳ xuống đất lạy cụ, trong lòng vừa chết lặng vì áy náy, vừa tràn đầy ơn nghĩa về sự bao dung máu mủ ruột thịt mà Lễ quá bất ngờ.

– Thưa chú… Dạ thưa… – Lễ ấp úng không nói nên lời.

– Cháu còn điều gì ngại ngần phải không? – ông cụ điềm tĩnh hỏi lại.

– Dạ… – Lễ tắc nghẹn, mặt cúi gằm xuống đất, hai tay buông thõng…

Ông bà Chính, ông bà Nghĩa hết ngỡ ngàng lại phân vân, đưa mắt nhìn ông cụ rồi lại nhìn Lễ, trong lòng không biết nên nói gì lúc này, lại càng lo cho sự lúng túng của Lễ. Cả gian nhà rơi vào chân không của sự im lặng. Câu chuyện gián đoạn mất một lúc mãi tới khi ông cụ lại chậm rãi nói tiếp:

– Chú hiểu được sự phân vân của các cháu… Ngay từ sau Bảy nhăm (1975), khi đất nước đã hòa bình thống nhất, các cụ làng này hàng năm cứ đến ngày rằm tháng bảy lại mời sư về chùa làng làm lễ cầu siêu cho mọi vong linh… Mấy chục năm chiến tranh dân mình chết nhiều quá… Dân mình phải hy sinh nhiều quá có phải không các cháu?!. … Con cháu làng này người chết cho cả hai bên không ít đâu… Nhưng… Nhưng dù sao thì vẫn là giọt máu đào hơn ao nước lã các cháu ạ… Để chú sẽ có lời thưa thốt với làng… Cháu Mạnh không phải là trường hợp đầu tiên ở làng này…

– Cháu xin tạ ơn chú. – ông Chính chắp hai tay lại trước ngực, rồi cả hai tay nắm lấy tay cụ. Ông cúi gập người xuống gần như quỳ bên cạnh cụ.

Lễ lảo đảo, không tin vào tai mình, mãi mới nói được mấy câu không đâu vào đâu:

– Dạ thưa chú… …Cháu thì đi cải tạo ạ, vợ cháu ốm ạ… Hôm anh Nghĩa đến thăm cháu, xin phép cho cháu được về thăm nhà mấy hôm… Trên đường đi Anh Nghĩa bảo cháu đưa đi thăm mộ của em Mạnh, đấy là lần đầu tiên sau chiến tranh mộ em Mạnh mới được thắp hương ạ…

– Cho đến hôm nay chúng cháu vẫn chưa đi thăm lại được ạ… – bà Chính đỡ lời cho Lễ.

– Ông cụ ngồi im, chỉ nghe, không nói.

– …

Ông Chính tìm cách chuyển câu chuyện bằng cách giảng giải cho Lễ nghe về gia phả họ Phạm. Lần lần Lễ hiểu ra ông cụ là chú họ rất gần. Bố của ông cụ và ông nội của anh em Lễ là hai anh em ruột… Bây giờ ông cụ là trưởng tộc họ Phạm nhà… Thi thoảng ông cụ mới thêm một hai câu giúp cho ông Chính giải thích được mạch lạc các chi trong họ… Khi ông Chính đứng dậy thay mặt mọi người xin phép ra về, ông cụ nói gọn lỏn:

– Các cháu cố thu xếp… Chú cũng sẽ cố… Thế nào rồi cũng phải đưa mộ cháu Mạnh về quê nhà…

– Vâng chúng cháu xin hứa ạ.

– …

Khi rời làng, Lễ thốt lên với hai anh:

– Ôi các anh các chị ơi… Giọt máu đào hơn ao nước lã!.. – Lễ phải vịn vào vai hai anh mình đi hai bên, cả hai chân chùn lại nơi đầu làng như không muốn bước tiếp.

– Anh bây giờ vẫn chưa hết bàng hoàng hai em ạ… – ông Chính gần như chỉ nói cho mình.

– Hôm nay em lại càng hiểu thêm thế nào là quê cha đất tổ… – ông Nghĩa chia sẻ suy nghĩ của mình.

Cả ba anh em đi bên nhau trong tâm tư như vậy, mọi người khác lặng lẽ theo sau. Khi ra khỏi làng được một quãng khá xa, Lễ mới nói tiếp được:

– Từ nhà về quê, dọc đường em thấy làng nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ. Họ hàng nhà mình ở quê mất mát trong cuộc chiến tranh này nhiều quá hai anh ạ.

– Vào trong các nhà, cứ vài nhà cháu lại thấy bàn thờ liệt sĩ các bác ạ! – Tín cùng chung ý nghĩ với bố mình.

– Em thấy công lao nhân dân miền Bắc hy sinh cho đất nước độc lập thống nhất to lớn quá… – Lễ tiếp tục nói lên những cảm xúc của mình suốt đường về.

… Những hôm sau, ngoài việc đi chào họ hàng, gia đình Lễ được Chính và Nghĩa bố trí đi thăm một vài nơi: Hạ Long, Lạng Sơn, Bắc Ninh… Riêng Tín rất thiết tha đi thăm chùa Hương. Nguyện vọng được đáp ứng ngay, vả lại đám thanh niên họ Phạm cũng đã lâu chưa có một cuộc đi chơi dã ngoại. Tốp đi chùa Hương do Yến chỉ huy, rất đúng với vai trò chị dâu trưởng họ! Thường ngày từ kinh nghiệm của bản thân mình, Chính, Nghĩa, Kiệt và Cúc rất quan tâm làm cho bọn trẻ không phải chỉ coi trọng tình máu mủ, mà còn làm cho chúng chơi thân với nhau. Riêng ông Chính, vào những dịp thích hợp, thường chủ tâm dùng những cụm từ: Họ Phạm chúng ta.., anh chị em nhà họ Phạm.., con cháu ông bà Phạm Trung Tuyên chúng ta… Trong những ngày ở Hà Nội, đã có lần Lễ nói với anh cả mình:

– Anh Chính ạ, anh thật xứng đáng là con cả của cậu mợ và đầu tàu của dòng họ ở ngoài này.

– Gia đình là gốc rễ, phải gìn giữ em ạ.

Nước mắt và những buồn tủi của biết bao nhiêu đau khổ mất mát rồi cũng nguôi ngoai đi, dần dần nhường chỗ cho niềm hân hoan sum vầy. Cuộc sống trong các gia đình họ Phạm lại chan hoà niềm vui, tiếng cười. Thảo, Lễ và Tín ít nhiều gạt sang được một bên những tâm tư dày vò trong lòng. Yến được bố chồng giao cho nhiệm vụ “điều khiển” toàn bộ chương trình trong thời gian ở Hà Nội của gia đình chú thím Lễ. Thời giờ thì ít, chương trình lại tham, còn phải chiếu cố sức khoẻ của thím Lễ… – có thể nói Yến khá bận rộn. Nào là sắp đặt cho chú thím đi thăm ba bốn nơi để biết thêm đất nước, nào là đi lễ các chùa chiền, thăm các phố phường Hà Nội, các chú thím khác mời cơm, rồi còn phải dành đủ thời giờ cho chú thím Lễ kể mọi chuyện cho bà nghe. Bà có trí nhớ tốt nên hỏi nhiều ơi là nhiều… Cả họ Phạm, nhất là Lễ và Thảo khen lấy khen để tài sắp xếp và sự chu tất của Yến.

– Thím thấy cháu có năng khiếu một nhà quản lý rồi đấy, Yến ạ. Trước khi thi đi làm luật sư, thím đã tốt nghiệp về môn này, nên rất để ý đến cách làm việc của cháu. – Đấy là nhận xét của Thảo.

Tác giả: